Người Việt ở Hàn Quốc không tin có chiến tranh
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2013 | 2:26:03 Chiều
Ở sát một căn cứ quân sự, Kim Em hằng ngày vẫn dậy từ sáng sớm chăm sóc cho trang trại nuôi chó của gia đình. Công việc bận rộn khiến chị chẳng có thời gian để theo dõi tình hình thời sự trên bán đảo Triều Tiên.
Kim Em, sống ở thành phố Pyeongtaek, sang Hàn Quốc đã 7 năm, lấy chồng người bản địa và có một con trai 6 tuổi.
Người phụ nữ 27 tuổi này cho hay từ hơn một tháng nay, kể từ khi căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, cuộc sống bên ngoài căn cứ không quân Osan gần nhà Kim Em không có vẻ gì khác thường.
Các khu mua sắm ngay trước cổng căn cứ vẫn nườm nượp người qua lại, các quán bar vẫn mở cửa đến khuya. Những người hàng xóm của Kim Em vẫn ngày ngày làm lụng, chăm nom gia đình.
Tuy nhiên, Kim Em không giấu giếm rằng, mình may mắn sinh ra ở Việt Nam khi chiến tranh đã đi qua nên rất sợ phải chứng kiến cảnh bom đạn. Khi đến nơi đất khách quê người, chị cũng chỉ mong được làm việc và sống yên ổn với gia đình nhỏ của mình.
"Nếu chiến tranh xảy ra, tôi cũng sẽ ở lại Hàn Quốc. Tôi sang đây lấy chồng, có chuyện gì thì cũng ở cạnh chồng con thôi. Đôi khi tôi cũng sợ nếu xảy ra điều không may, tôi sẽ không được gặp lại bố mẹ, nhưng lấy chồng rồi thì phải theo chồng", cô dâu Việt trên đất Hàn nói.
Theo Kim Em, những dọa dẫm từ Bắc Triều Tiên là "việc lớn và đã có chính quyền của Tổng thống Park Geun-Hye giải quyết". Chị cũng tin Mỹ sẽ luôn bảo vệ đồng minh Hàn Quốc nếu có chiến sự.
Kim Em không phải là người Việt duy nhất tỏ thái độ bình thản, thậm chí lạc quan khi được hỏi về khả năng xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.
|
Đặng Hồng, 27 tuổi, sống gần thành phố Busan, cũng cho biết tương tự.
"Ban đầu tôi cũng có chút căng thẳng nhưng những người Hàn Quốc sống quanh tôi lại trái ngược. Họ vẫn học tập và làm việc bình thường nên chẳng cớ gì tôi phải lo lắng nữa", chị nói. "Triều Tiên đã lên tiếng đe dọa chiến tranh nhiều lần nên mọi người ở đây cũng quen rồi. Mọi người không tin chiến tranh sẽ xảy ra đâu".
Chị Hồng cũng lấy chồng người bản địa và đã có ba năm sinh sống tại xứ sở kim chi, bởi vậy, Hàn Quốc đã trở thành quê hương thứ hai của chị. Chị cho hay nếu có chiến tranh xảy ra thì chị vẫn bám trụ nơi này.
Cũng theo Hồng, hiện chưa thấy sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc có thông báo gì về việc sơ tán công dân về nước, đề phòng chiến tranh. Mọi tin tức, diễn biến hàng ngày chị đều cập nhật qua báo chí và Internet.
"Nếu mà có chiến tranh thật tôi đoán Seoul sẽ là mục tiêu đầu tiên. Tôi ở Busan vẫn còn thời gian để tìm lối thoát an toàn", chị cười.
Đã có 6 năm làm việc tại một nhà máy cơ khí ở tỉnh Gyeonggi-do, anh Trường Thọ, 35 tuổi, lại có đôi chút sốt ruột muốn được trở về quê hương, nhưng không phải vì lo sợ chiến tranh mà vì "bố mẹ ở nhà giục lấy vợ".
"Bất kể ai đi xuất khẩu lao động cũng đều xác định là để kiếm tiền phụ giúp gia đình và mong muốn công việc cũng như cuộc sống bên này ổn thỏa. Tuy nhiên, tôi cũng làm việc thêm ít thời gian nữa thôi là phải trở về lập gia đình. Ở nhà bố mẹ giục hoài", anh kể.
Xung quanh nhà máy anh Thọ làm việc có khá nhiều lao động Việt Nam nhưng cũng không ai lo lắng quá nhiều về chiến tranh mà chỉ tập trung vào công việc mưu sinh.
"Thực ra bố mẹ, họ hàng ở nhà mới là người lo lắng nhiều chứ chúng tôi thì không. Đợt này tình hình Hàn Quốc - Triều Tiên căng thẳng hơn nên một tuần không thấy tôi điện về mấy lần là bố mẹ lại sốt sắng gọi điện sang ngay", anh kể. "Đôi lúc họ cũng giục tôi về vì sợ có chiến sự nhưng nghe tôi kể rõ tình hình và động viên, bố mẹ lại an tâm ngay".
Tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, anh Đỗ Hợp, nghiên cứu sinh tại đại học Soongsil, Seoul, cho biết anh có thể sống ở đây thêm 3 năm nữa để hoàn thành việc học.
Chiến tranh hiện nay vẫn chỉ là chủ đề thi thoảng xuất hiện trong những buổi tán gẫu của các du học sinh. Anh Hợp không tin sẽ có chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai bởi "đã rất nhiều lần Bình Nhưỡng hằm hè nhưng không hề động binh rồi".
Cuộc khủng hoảng bao trùm bán đảo Triều Tiên suốt nhiều tuần qua chưa có dấu hiệu suy giảm. Hôm nay Triều Tiên lặp lại lời đe dọa tấn công bằng hạt nhân đối với Mỹ, trong khi Mỹ gia tăng phòng thủ tên lửa ở Guam, nơi có căn cứ quân sự trên Thái Bình Dương.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo rằng mâu thuẫn trên bán đảo "đã đi quá xa" và "có thể vượt quá tầm kiểm soát. Các nước Philippines và Thái Lan công bố phương án sơ tán công dân phòng khi xảy ra chiến tranh.
Ước tính hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, trong đó có trên 70.000 lao động xuất khẩu theo chương trình hợp tác với Bộ Lao động Hàn Quốc. Ngoài ra còn có các cô dâu, du học sinh, cán bộ công tác hoặc lao động khác. Trên trang Facebook của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, tin tức về các động thái mới của Triều Tiên, sự đáp trả của Hàn Quốc cũng như phản ứng của các nước liên quan được cập nhật nóng hổi hàng ngày.
Mỗi bài viết hoặc hình ảnh trên trang thu hút hàng trăm lượt like và bình luận rôm rả. Tuy nhiên, gần như không ai trong số gần 4.000 thành viên của trang tỏ ra lo sợ trước khả năng chiến tranh và đều thể hiện quyết tâm "ở lại kiếm tiền trả nợ".
Một thành viên của trang này hài hước: "Tới đâu tính tới đó. Lo hoài sao làm việc được. Nếu Triều Tiên đánh bằng bom nguyên tử thì có thể chết hết, còn nếu bằng vũ khí thông thường thì chúng ta thong thả lên Busan rồi về cũng được".
Một thành viên khác tên là Manh Lee chia sẻ: "Ba năm trước, mình đang ở Incheon. Ngày cũng như đêm, máy bay quân sự bay vèo vèo trên đầu nhưng cuối cùng cũng không đánh nhau. Mình nghĩ lần này cũng vậy".
Anh Ngọc
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...