Nicaragua đào kênh, Trung Quốc hưởng lợi

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/6/2013 | 11:21:51 Sáng

Phía Trung Quốc sẽ trả cho Nicaragua 10 triệu USD mỗi năm trong suốt thập niên đầu tiên

Nicaragua đang tiến hành kế hoạch đào một con kênh ngang qua nước này - được xem là đối thủ cạnh tranh của kênh đào Panama - với kinh phí do Trung Quốc (TQ) cấp. Đáng nói là dù đã được quốc hội do đảng cầm quyền kiểm soát thông qua nhưng đề án trị giá tới 4 tỉ USD này vẫn rất... bí ẩn!

Nhượng quyền đến 100 năm

Một liên hiệp công ty ở TQ cho biết sẽ cấp kinh phí cho dự án trên, đồng thời tỏ rõ ý định chuyển giao quyền kiểm soát con kênh cho phía Nicaragua để nhận phần nhiều trong lợi nhuận thu được.

 

Những người xây dựng đề án nhấn mạnh con kênh trên có thể thu hút 4,5% số hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng hải trên thế giới và làm tăng gấp đôi tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người của Nicaragua. Đó là chưa kể đến 40.000 việc làm được tạo ra trong suốt 11 năm xây dựng con kênh.

Theo kế hoạch, chính phủ Nicaragua sẽ nhượng quyền cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kênh Nicaragua của TQ trong vòng 50-100 năm đầu. Đổi lại, công ty TQ trả cho Nicaragua 10 triệu USD/năm trong suốt thập niên đầu tiên, sau đó sẽ chia phần lợi nhuận trong thời gian nhượng quyền còn lại - khởi đầu từ 1% và tăng lên đến tỉ lệ phần trăm không xác định. Sau khi kết thúc thời gian nhượng quyền, công ty TQ sẽ trao lại cho Nicaragua mọi công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng khác của con kênh.
 
Người phát ngôn của công ty, ông Ronald Maclean-Abaroa, khẳng định: “Đây là một dự án lớn có khả năng biến đổi hoạt động thương mại quốc tế và đem lại lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể cho Nicaragua cũng như các nước láng giềng”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nicaragua Manuel Coronel, người đứng đầu cơ quan quản trị kênh, tỏ ra tin tưởng công ty TQ: “Đây là một công ty rất nghiêm túc, rất có trách nhiệm và được tín nhiệm”. Tuy nhiên, ông Jaime Incer, nhà môi trường và là cố vấn tổng thống Nicaragua về các vấn đề môi trường, khuyến cáo nhà chức trách cần xác định lộ trình cho con kênh trước khi chấp thuận sự nhượng quyền này.

Chưa nghiên cứu tính khả thi

Theo hãng tin AP, dự án khổng lồ này giành được sự ủng hộ nhiệt tình của Tổng thống (TT) Daniel Ortega và được dự đoán sẽ dễ dàng qua “ải” quốc hội, nơi mà Đảng Mặt trận Sandinista của TT chiếm 63/92 ghế, vào ngày 13-6 tới. Ủy ban Cơ sở hạ tầng của quốc hội Nicaragua đêm 10-6 đã bỏ phiếu ủng hộ dự án này với chỉ 4 nghị sĩ đối lập bỏ phiếu trắng. 

Tuy nhiên, cho đến nay, TT Ortega vẫn chưa đưa ra một nghiên cứu khả thi về kinh tế hoặc ảnh hưởng về môi trường của dự án. Tháng trước, ông chỉ cho biết con kênh sẽ bắt đầu ở vịnh Bluefields thuộc bờ biển phía Nam Caribbean, đi vào giữa lòng đất nước này và vào hồ Nicaragua, cuối cùng kết thúc ở bờ biển phía Nam Thái Bình Dương.

Nhiều nhà quan sát và phe đối lập tại Nicaragua nhận định gần như mọi chi tiết then chốt của dự án vẫn còn bí ẩn, chẳng hạn như nguồn kinh phí tài trợ, phần chia lợi nhuận của Nicaragua, đường đi của con kênh... Nhiều người đặt vấn đề vùng Trung Mỹ có cần 2 con kênh hay không, ngay cả vào thời kỳ thương mại thế giới tăng trưởng.

Ngoài ra, ông Jose Aguerri, Chủ tịch Hiệp hội Các phòng thương mại Nicaragua, cảnh báo dự án thiếu cụ thể sẽ làm trì trệ việc đầu tư. Ông nói: “Khi đường đi của con kênh chưa được xác định, thật khó thu hút vốn đầu tư bởi vì chưa chắc chắn về pháp lý”.

NGÔ SINH (nld.com.vn)
  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...