Nước biển dâng đe dọa nhấn chìm khoảng 80 sân bay trên thế giới
- Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2020 | 4:28:59 Chiều
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng với mỗi mét nước biển dâng, khoảng 80 sân bay trên thế giới sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100.
Trong một phân tích của Viện Các nguồn lực thế giới (WRI) có trụ sở ở Washington, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng với mỗi mét nước biển dâng, khoảng 80 sân bay trên thế giới sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100.
Các sân bay dễ bị tổn thương nằm trong số những sân bay đông đúc nhất thế giới, như 3 sân bay quốc tế tại khu vực thành phố New York, sân bay quốc tế Nam Dương Diêm Thành ở tỉnh Jiangsu (Giang Tô, Trung Quốc) và sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan.
Một báo cáo năm 2019 của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng nước biển có thể dân cao khoảng 60-100cm nếu khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng mạnh.
Nhưng ngay cả khi đạt mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp), các nhà nghiên cứu ước tính gần 45 trong số các sân bay ở dưới mực nước biển hiện nay có thể ngập trong nước nếu nước biển dâng cao nửa mét.
Một trong các tác giả nghiên cứu trên, ông Noah Maghsadi cho biết: "Dù chúng ta kiềm chế sự biến đổi khí hậu, vẫn cần phải có biện pháp thích nghi."
Vì các tác động xấu của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, các nhà quản lý sân bay ở khu vực duyên hải đã bắt đầu đầu tư vào các biện pháp như xây dựng các đường băng cao hơn, xây tường ngăn biển và hệ thống thoát nước tốt hơn để bảo vệ các tài sản không thể di chuyển.
Ví dụ, sân bay Changi ở Singapore đã tôn nền các đường băng để cải thiện hệ thống thoát nước và xây một ga đến mới cao hơn 5,5m so với mực nước biến.
Gần đây, sân bay Boston Logan và sân bay quốc tế San Francisco ở Mỹ đã lắp đặt các hệ thống barie chống lụt. Tháng trước, nhà chức trách đã phê chuẩn kế hoạch trị giá 587 triệu USD để tôn cao sân bay San Francisco.
Trong khi đó, nhiều sân bay ở các quốc đảo nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính, như tại Thái Bình Dương, cũng đang đứng trước nguy cơ cao.
Một tác giả khác của nghiên cứu trên, bà Tina Huang cho biết: "Giao thương của các nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động hàng không và sân bay" và họ sẽ gặp khó khăn trong việc nhập hàng hóa và nhu yếu phẩm khi các sân bay không thể hoạt động. Bên cạnh đó, nắng nóng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ cũng là những mối đe dọa đối với các sân bay liên quan đến biến đổi khí hậu"./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...