EU thông qua luật cấm bán xe chạy xăng, dầu vào năm 2035
- Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2023 | 2:28:00 Chiều
Nghị viện châu Âu (EP) ngày 14/2 đã chính thức thông qua luật cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel trong Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban môi trường châu Âu nhận định: "100% ô tô sẽ không phát thải vào năm 2035. Tôi thực sự hân hoan với quyết định này của nghị viện. Đây là một thắng lợi quan trọng trong hành trình hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của châu Âu”.
Theo luật mang tính bước ngoặt này, đến năm 2035 các nhà sản xuất xe hơi phải đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 ở mức 100%, đồng nghĩa với việc các hãng này không thể bán chiếc xe mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở 27 quốc gia thành viên EU. Luật cũng bao gồm mục tiêu lượng phát thải khí CO2 đối với những chiếc xe mới được bán ra kể từ năm 2030 giảm 55% so với năm 2021 và cao hơn rất nhiều mục tiêu hiện nay là 37,5%.
Nhà đàm phán hàng đầu của EP về luật này, Jan Huitema nêu rõ: "Chi phí vận hành của một chiếc xe điện thấp hơn so với chi phí vận hành của một chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong. Điều quan trọng là sản xuất ra nhiều xe điện giá cả phải chăng hơn cho người tiêu dùng".
Hồi tháng 10/2022, quốc hội các nước EU đã thông qua luật cấm bán ô tô sử dụng năng lượng hóa thạch từ năm 2035. Tuy nhiên, luật này vẫn cần được chính thức thông qua trước khi có hiệu lực. Lần thông qua cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.
Luật mới, được Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên đề xuất hồi năm 2021, là trụ cột chính trong gói các biện pháp rộng rãi hơn của EU nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của khối.
Theo thống kê, khoảng 25% lượng khí thải CO2 ở châu Âu đến từ các hoạt động giao thông vận tải, trong đó khói bụi ô tô chiếm 12%. Đây được xem là nguyên nhân gây ra những đợt nắng nóng, bão, lũ lụt ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn tại khu vực này.
Do vậy, các nhà lập pháp kỳ vọng, lệnh cấm sẽ đặt ra một thời hạn rõ ràng để các hãng sản xuất ô tô của châu Âu chuyển đổi sản xuất sang xe điện không khí thải, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng như hiện nay.
Phó Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans nhận định, việc Trung Quốc có kế hoạch tung ra thị trường quốc tế 80 mẫu xe điện từ năm ngoái đến cuối năm nay với giá rẻ, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của EU trong lĩnh vực cạnh tranh tiềm năng này.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng ngành công nghiệp ô tô EU chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm mạnh sản lượng xe sử dụng động cơ đốt trong và hàng triệu lao động sẽ phải đối mặt với rủi ro. Được biết, ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế châu Âu, chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội và hỗ trợ gần 15 triệu việc làm trong khu vực.
Một số nghị sĩ phe trung hữu có quan điểm bảo vệ xe chạy xăng dầu nêu rõ, đến năm 2035, vẫn nên cho phép khoảng 10% ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Còn theo Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Italia, tương lai của những chiếc xe hơi không thể chỉ là chạy điện hoàn toàn.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...