Ôxtrâylia: Chi 100 triệu USD cho việc nâng chất lượng nước
- Cập nhật: Thứ hai, 8/5/2023 | 2:42:14 Chiều
Mới đây, Chính phủ Ôxtrâylia đã công bố khoản tài trợ cho một chương trình mới nhằm nâng cao chất lượng nước tại rạn san hô Great Barrier.
Bộ trưởng Tanya Pliberse cho biết một trong những điều mang tính biểu tượng nhất của rạn san hô Great Barrier là làn nước trong vắt như pha lê chảy qua. Tuy nhiên, làn nước mang tính biểu tượng này và bản thân rạn san hô Great Barrier đang bị đe dọa từ trầm tích cũng như các dòng chảy khác đổ vào. Chất lượng nước kém khiến san hô không thể tái sinh, làm chết cỏ biển và cản trở khả năng tiếp cận ánh sáng Mặt trời, vốn rất cần thiết cho một rạn san hô khỏe mạnh.
Trải dài khoảng 2.400 km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Ôxtrâylia, Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2022, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến nghị đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm.
Trước những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, quần thể rạn san hô Great Barrier không chết đi mà vẫn kiên cường đấu tranh để sinh tồn, cùng lúc làm dấy lên hy vọng và lo ngại cho các nhà nghiên cứu vốn đang chạy đua với thời gian để hiểu hơn về cách mà rạn san hô này tồn tại trong một thế giới ấm hơn. Nhà chức trách Ôxtrâylia cũng đang tìm cách duy trì rạn san hô bằng cách kết hợp kiến thức lịch sử và công nghệ mới. Các bên đang nghiên cứu quá trình tái sinh sản của rạn san hô với hy vọng có thể thúc đẩy quá trình phát triển liên tục, giúp rạn san hô thích ứng với điều kiện biển ấm hơn và khắc nghiệt hơn.
Các dữ liệu quan sát chỉ ra những đợt sóng nhiệt, lốc xoáy dưới đại dương đã tàn phá khoảng 3.000 rạn san hô, cấu thành nên quần thể Great Barrier. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gây ra thách thức cho Great Barrier và tất cả những sinh vật sống phụ thuộc vào quần thể này đồng thời cảnh báo thách thức sẽ còn nghiêm trọng hơn. Nhưng trong đợt sóng nhiệt gần đây, đội nghiên cứu tại AIMS nhận thấy các san hô mọc trở lại nhanh hơn dự kiến, khiến các nhà nghiên cứu tin rằng quần thể kỳ diệu này có thể hồi phục tốt nếu có cơ hội và cách tốt nhất để tạo cơ hội này là cắt giảm khí thải các bon.
Trên cơ sở đó, kế hoạch hồi phục rạn san hô cũng được Chính phủ Ôxtrâylia vạch ra với bước đầu tiên là tìm hiểu về vòng đời còn nhiều bí ẩn của san hô. Hàng chục nhà nghiên cứu đã trực tiếp khảo sát tại quần thể khi các điều kiện đều chín muồi, thích hợp nhất cho quá trình tái sinh sản san hô đó là khi thời tiết chuyển từ Đông sang Xuân, ấm áp hơn. Do quá trình tự nhiên này diễn ra tự quá chậm chạp khó có thể giúp các rạn san hô tồn tại được lâu dài trong điều kiện khí hậu ấm hơn nên nhóm nghiên cứu đã lặn xuống nước để thu thập trứng san hô và tinh trùng trong mùa sinh sản, đưa về các phòng thí nghiệm để nghiên cứu cách kích thích san hô sinh sản nhanh hơn và củng cố những gene giúp san hô có khả năng chống chịu tốt hơn ở điều kiện nhiệt độ cao. Kết hợp với các công nghệ nuôi trồng san hô, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tạo ra thêm hàng chục đến hàng trăm triệu san hô con mỗi năm và cấy vào các rạn san hô.
Trong thành công bước đầu, các nhà nghiên cứu đã gây giống san hô trong phòng thí nghiệm dù không phải mùa sinh sản, mang lại hy vọng có thể mở rộng quy mô điều chỉnh gene để có những giống chịu nhiệt tốt hơn.
Khánh Hà
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...