Lũ lụt hiếm có tại Kenya vào tháng 4
Lượng mưa và lũ lụt cực lớn đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây thiệt hại về kinh tế và nông nghiệp ở Đông Phi và một phần bán đảo Ả Rập. Nắng nóng gay gắt đã bao trùm phần lớn châu Á, làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe.
Thời tiết có tác động mạnh vào nửa cuối tháng 4 một lần nữa nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của xã hội loài người trước các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết và thủy văn cũng như sự cần thiết phải có Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người.
Hiện tượng El Niño đang suy yếu, cùng với hiện tượng được gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương, đang đóng một vai trò nào đó, đặc biệt là gây ra lũ lụt ở Đông Phi, hạn hán ở Nam Phi và nhiệt độ cao ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Tổ chức khí tượng thế giới WMO, năng lượng dư thừa bị giữ lại trong khí quyển và đại dương bởi khí nhà kính do con người gây ra cũng có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là tình trạng nhiệt độ cực cao.
Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett phát biểu hôm 23.4 tại phiên họp lần thứ 80 của Diễn đàn Kinh tế và ban Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương rằng: "Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng như vậy, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là đời sống con người và môi trường chúng ta đang sống”.
Ko Barrett nhấn mạnh rằng thời tiết cực đoan cho đến năm 2024 ở châu Á vẫn tiếp tục xu hướng đã được báo cáo trong báo cáo Tình trạng khí hậu ở châu Á 2023 của WMO. Điều này cho thấy châu Á vẫn là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới do các hiểm họa liên quan đến thời tiết và thủy văn vào năm 2023. Lũ lụt và bão gây ra số thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất được báo cáo, trong khi tác động của các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.
Nắng nóng ở châu Á
Báo cáo đánh giá mới nhất của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy "Ở châu Á, nhiệt độ cực đoan tăng lên trong khi cực lạnh giảm và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những thập niên tới".
Năm ngoái, một nghiên cứu của World Weather Attribution (sáng kiến Nghiên cứu Phân tích thời tiết thế giới - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới) cho thấy "nắng nóng cực độ ở Nam Á vào tháng 4.2023, phần lớn là do biến đổi khí hậu, gây bất lợi cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và yếu thế”.
Ấn Độ đã phải trải qua các đợt nắng nóng trong những tuần gần đây trong giai đoạn tiền gió mùa nóng nực, với nhiệt độ lên tới khoảng 40°C. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, tình trạng này có thể sẽ tiếp tục.
Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết: "Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5.2024, số ngày nắng nóng trên mức bình thường có thể xảy ra ở hầu hết các vùng của đất nước ngoại trừ vùng đông bắc Ấn Độ, vùng tây Himalaya, bán đảo Tây nam và bờ biển phía tây”.
"Tần suất của các đợt nắng nóng và thời lượng của chúng ngày càng tăng, nguyên nhân là do sự nóng lên toàn cầu. Tại các vùng nắng nóng ở Ấn Độ, tổng thời gian của các đợt nắng nóng đã tăng khoảng 3 ngày trong 30 năm qua. Các dự báo từ mô hình của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC cho thấy vào năm 2060, mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng hai đợt nắng nóng và thời gian nắng nóng kéo dài thêm 12-18 ngày”, theo Cục Khí tượng Ấn Độ.
Bangladesh, Myanmar và Thái Lan nằm trong số các quốc gia khác bị ảnh hưởng, với trường học đóng cửa và các hoạt động kinh tế và nông nghiệp bị gián đoạn.
Ben Churchill, Giám đốc khu vực châu Á và Tây nam Thái Bình Dương của WMO cho biết, tháng 4 thường là tháng nóng hơn ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nhưng El Niño và biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ lên mức cao nguy hiểm.
Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, cơ quan môi trường thành phố đã đưa ra cảnh báo về mức độ nhiệt độ (nhiệt độ và độ ẩm) cực kỳ nguy hiểm. Họ kêu gọi mọi người tránh lao động nặng nhọc hoặc tập thể dục ngoài trời và khuyến nghị những người có sức khỏe yếu nên ở trong nhà và tránh để mất nước. Phía bắc thủ đô, ở tỉnh Lampang, nhiệt độ lên tới 44,2°C, chỉ kém kỷ lục 44,6°C được ghi nhận vào năm ngoái.
Bộ Y tế Thái Lan hôm thứ tư báo cáo rằng 30 trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt đã được ghi nhận kể từ đầu năm nay, trong khi cả năm 2023 chỉ có 37 ca tử vong vì nhiệt. Ở nước láng giềng Myanmar, nhiệt độ đã tăng lên 45,9°C trong tuần và tình trạng nắng nóng dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày.
Châu phi chịu lũ lụt
Lượng mưa lớn theo mùa đã gây ra sự tàn phá khắp khu vực Đông Phi. El Niño có thể đóng một vai trò nào đó. Theo chuyên gia khí hậu Alvaro Silva của WMO, lưỡng cực Ấn Độ Dương hiện tại, bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ đại dương ấm kỷ lục ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, có thể đã ảnh hưởng đến lượng mưa cực lớn. Ông nói, các yếu tố khí hậu khác cũng có thể ảnh hưởng.
Tại Tanzania, Thủ tướng Kassim Majaliwa thông báo với Quốc hội rằng ít nhất 155 người đã thiệt mạng và hơn 230 người bị thương do lũ quét vào ngày 25.4. Nước láng giềng Burundi cũng chịu thương vong.
Trung tâm Khí hậu Khu vực WMO dành cho vùng Sừng lớn châu Phi, được gọi là ICPAC, đã dự báo lượng mưa đặc biệt lớn trong khoảng thời gian tuần cuối tháng 4 ở các khu vực trong khu vực, gồm miền bắc và miền tây Kenya, miền trung và miền nam Ethiopia, miền nam Somalia và Djibouti, và miền bắc và miền nam Uganda.
Tại Kenya, trạm thời tiết Kianamu (phía đông bắc Nairobi) ghi nhận lượng mưa khoảng 120 mm trong ngày 24.4. Cục Khí tượng Kenya đã đưa ra cảnh báo về việc tiếp tục có mưa lớn ít nhất cho đến ngày 28.4 tại nhiều khu vực.
Lượng mưa cực lớn ở bán đảo Ả Rập
Lũ lụt ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – nơi có khí hậu sa mạc nóng khô cằn và lượng mưa hằng năm rất thấp – đã gây chú ý trên toàn thế giới khi lượng mưa vốn tích trong vài năm đã trút xuống chỉ trong vài giờ vào giữa tháng 4. Sân bay quốc tế Dubai đã bị đóng cửa và các đường cao tốc thường ngày đông đúc trở thành dòng nước lũ dữ dội.
Vào ngày 16.4, Trung tâm Khí tượng Quốc gia thông báo rằng UAE đã chứng kiến lượng mưa lớn nhất trong 75 năm qua. Khu vực "Khatm al-Shakla” ở Al Ain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chứng kiến lượng mưa 254,8 mm trong vòng chưa đầy 24 giờ... và trở thành một sự kiện đặc biệt được ghi nhận trong lịch sử khí hậu của mình". Cần nhớ, tại Dubai, lượng mưa trung bình hàng năm giai đoạn 1991-2020 chỉ khoảng 80 mm; xa hơn một chút về phía đông cũng chỉ khoảng 120-140 mm).
Hệ thống bão di chuyển chậm cũng ảnh hưởng nặng nề đến Oman trong các ngày 14-15.4, gây ra lũ quét và được cho là đã khiến 17 người thiệt mạng.
Các nhà khoa học tại World Weather Attribution đã tiến hành đánh giá nhanh về lũ lụt và đưa ra nhiều kết luận khác nhau.
Alvaro Silva cho biết: "Cũng như các nơi khác trong khu vực, việc xảy ra lượng mưa cực lớn là điều hiếm gặp nhưng đây cũng là một đặc điểm của khí hậu. Trong một thế giới ấm hơn, bầu khí quyển có thể chứa độ ẩm cao hơn và các hiện tượng mưa cực lớn sẽ trở nên trầm trọng hơn”.
Theo Anh Tú/1thegioi.vn