WMO: Châu Á hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới trong năm 2023

  • Cập nhật: Chủ nhật, 28/4/2024 | 2:26:46 Chiều

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết châu Á chịu nhiều thiên tai nhất thế giới trong năm qua, trong đó bão lũ là nguyên nhân chính gây thương vong, thiệt hại kinh tế.

Một báo cáo được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 23/4 cho thấy châu Á là "khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới" trong năm 2023, trong đó lũ lụt và bão là nguyên nhân chính gây thương vong về người và thiệt hại cho nền kinh tế. 

Tổng thư ký WMO Celeste Saulo đánh giá: "Năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Song song với đó là hàng loạt điều kiện thời tiết khắc nghiệt, như hạn hán, nắng nóng hay lũ lụt và bão. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những đợt thiên tai, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống".


Mưa to gây lũ lụt ở TP Chennai ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ, khiến 70 người chết hồi giữa tháng 11/2023. Ảnh: INDIA EXPRESS

Theo báo cáo của WMO, lũ lụt là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thiên tai ở châu Á năm 2023. Châu lục này hứng chịu tổng cộng 79 thảm họa thời tiết liên quan đến nước, 80% là bão và lũ lụt, khiến hơn 2.000 người chết, 9 triệu người bị ảnh hưởng.

Báo cáo của tổ chức này cũng xác nhận rằng châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Trong năm 2023, nhiệt độ trung bình ở mức cao đã được ghi nhận trên một khu vực rộng lớn: từ Tây Siberia đến Trung Á, từ miền Đông Trung Quốc đến Nhật Bản...

Tình trạng này khiến các sông băng tan chảy, nước biển dâng, đe dọa an ninh nguồn nước tại khu vực. Vùng núi cao châu Á tập trung ở cao nguyên Tây Tạng, nơi lưu trữ lượng băng tuyết lớn nhất ngoài hai vùng cực. 20 trên 22 sông băng được giám sát ở châu Á tiếp tục tan chảy với tốc độ cao.

WMO cho biết các cơ quan khí tượng tại châu Á cần nhanh chóng cải thiện luồng thông tin cung cấp cho LHQ, nhằm tìm cách giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Tổng thư ký WMO Saulo nói: "Hành động và chiến lược đối phó của chúng tôi cần phản ánh tính cấp bách ở thời điểm này. Giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu không còn đơn thuần là một lựa chọn, mà là điều cơ bản cần làm".

THIÊN BẢO
  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...