Việt Nam – Hà Lan đẩy mạnh hợp tác về thích ứng BĐKH và quản lý nước

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/3/2016 | 2:32:52 Chiều

Sáng 30/3 tại Hà Nội, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với quản lý nước đã tổ chức phiên họp lần thứ 5. Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan - bà Melanine Schultz đồng chủ trì phiên họp này.

Tham dự buổi họp còn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố cùng các chuyên gia đến từ Hà Lan và các Cục, Vụ, Viện của Bộ TN&MT Việt Nam.  

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết: Kể từ khi Chính phủ hai nước ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khia hậu và quản lý nước, Việt Nam và Hà Lan đã cùng nhau trải qua chặng đường dài để đưa mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển và đi vào thực chất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, qua hơn 5 năm thực hiện Thỏa thuận, nhiều nội dung hợp tác cụ thể đã được hai bên ký kết và triển khai với sự tham gia hỗ trợ tích cực của nhiều Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, cố vấn kỹ thuật của Hà Lan trên các lĩnh vực như: giáo dục đại học và sau đại học về quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái…

Có thể kể đến các hợp tác điển hình như: Hợp tác giữa hai thành phố Hồ Chí Minh - Rotterdam; Dịch vụ về nước và khí hậu; Hợp tác về nạo vét kênh tưới tiêu quy mô nhỏ… và điển hình là sự hỗ trợ của Hà Lan trong việc xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dựa trên nền tảng của Kế hoạch đồng bằng Hà Lan nhằm đưa ra một tầm nhìn dài hạn và các gợi ý cho việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long an toàn, bền vững và trù phú.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang (giữa) phát biểu tại hội nghị sáng 30/3

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang (giữa) phát biểu tại hội nghị sáng 30/3

"Nhìn chung, các nội dung hợp tác trong khuôn khổ của Thỏa thuận đã đạt được nhiều kết quả tích cực, huy động được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa hai Chính phủ, giữa các vùng có nét tương đồng của hai quốc gia, thúc đẩy sự hợp tác toàn diện hơn nữa giữa Việt Nam và Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Tôi đặc biệt đề cao cách tiếp cận tổng thể của phía Hà Lan trong đó yêu cầu sự gắn kết cao giữa các vùng miền và các địa phương; giữa các cấp, các ngành; giữa khối doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở nghiên cứu để xác định mục tiêu và đưa ra giải pháp toàn diện cho các vấn đề về nước và biến đổi khí hậu” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan - bà Melanine Schultz cho biết: Chính phủ Hà Lan đánh giá cao Việt nam trong việc ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước.

Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan - bà Melanine Schultz (bìa trái) phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan - bà Melanine Schultz (bìa trái) phát biểu tại phiên họp

Theo Bộ trưởng Melanine Schultz, trong thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã dành các nguồn lực và con người để đối phó với biến đổi khí hậu nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Trong nỗ lực này, Việt Nam cũng nhận được trợ của các nước. "Chính phủ Hà Lan đã và luôn sẵn sàng giúp Việt nam đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” -  Bộ trưởng Melanine Schultz khẳng định.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Hà Lan cũng đã đối thoại song phương về những vấn đề liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, Việt Nam rất cảm ơn Chính phủ Hà Lan đã tài trợ cho các chương trình đào tạo giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Năng lực của các trường Đại học được tăng cường đáng kể bao gồm nguồn nhân lực và cơ sở vật chất (thiết bị phòng thí nghiệm) và đã đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của về con người cho ngành nước.

"Trong thời gian tới, tôi mong đợi các đối tác Hà Lan tiếp tục hỗ trợ, hợp tác về nghiên cứu đặc biệt tập trung vào các đối tượng là nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với những đề tài nghiên cứu cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là hỗ trợ về chuyên môn, chuyên gia của phía Hà Lan để các nghiên cứu này mang tính thực tiễn cao, tích hợp được các kiến thức, kinh nghiệm của phía Hà Lan và có thể áp dụng được trong thực tiễn quản lý nhà nước hiện tại” – Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nói.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến công tác nạo vét kênh rạch ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng: Công tác nạo vét kênh rạch ở ĐBSCL là nhu cầu thiết yếu nhằm duy trì sự phát triển châu thổ một cách bền vững: phục vụ tưới tiêu, thoát lũ, giao thông thủy nội địa, cải thiện môi trường, …

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Thắng, phương pháp nạo vét truyền thống gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng làm bãi thải đất. Ngoài ra, công nghệ và thiết bị nạo vét tại ĐBSCL còn khá lạc hậu, cũng như hạn chế về nguồn lực tài chính nên vấn đề nạo vét cho hơn 4000 kênh rạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế.

Trong thời gian tới, nhằm giải quyết triệt để hơn những khó khăn nêu trên và đồng thời thúc đẩy vai trò chủ động của khối tư nhân trong hoạt động nạo vét trên 5700km kênh rạnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Việt Nam dự kiến sẽ thành lập Hiệp hội nhà thầu nạo vét. Đây cũng là cơ hội lớn để mở ra hoạt động hợp tác giữa các Hiệp hội của 2 nước.

"Trước mắt, Hà Lan và Việt Nam nên tăng cường hợp tác ở mức độ sâu hơn cho các hoạt động nạo vét tại Cần Thơ và Cà Mau, không chỉ ở vai trò tham gia hỗ trợ kỹ thuật của Tư vấn Hà Lan trong dự án WB6 mà cần tiến tới là hợp tác giữa nhà thầu Hà Lan với nhà thầu địa phương về chuyển giao công nghệ và thiết bị” - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng kiến nghị.

Về kế hoạch ĐBSCL trong khuôn khổ phát triển chung, sau khi các chuyên gia đến từ Hà Lan trình bày quan điểm, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan Melanie Schultz van Haegen cho biết: Trong tương lai, vai trò thực hiện Kế hoạch ĐBSCL của phía Hà Lan phụ thuộc vào dự tính của phía Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình dài hạn cho ĐBSCL.

"Bằng kiến thức, chuyên môn, và mối quan hệ với các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế mà Hà Lan là nhà tài trợ chính, chúng tôi có thể đóng góp một phần cho quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi nhiều công sức thiết lập các bước để tạo điều kiện phát triển cho Chương trình. Chúng tôi có thể hỗ trợ bằng cách tư vấn phương thức kết hợp giữa Quy hoạch không gian, Phát triển không gian cho sông, Quản lý thích ứng cho vùng đồng bằng và Nghiên cứu thực tế để đạt được sự gắn kết tối đa” - Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan Melanie Schultz van Haegen  nói…

Phát biểu bế mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang khẳng định: Phiên họp này khẳng định cam kết mạnh mẽ của hai Chính phủ Việt Nam và Hà Lan tiếp tục hợp tác triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước kể từ khi ký kết năm 2010 đi vào chiều sâu và thực chất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cả Việt Nam và Hà Lan đều đứng trước thách thức lớn của nhân loại, đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính phủ Việt Nam đã xác định, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề sống còn của đất nước. Sự hợp tác của phía Hà Lan là rất thiết thực để Việt Nam có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng một cách có hiệu quả.

Trên cơ sở Thỏa thuận và nội dung Phiên họp hôm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án đã được hai bên thống nhất hợp tác như Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, nạo vét kênh tưới tiêu quy mô nhỏ, hợp tác Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hồ Chí Minh- Rotterdam, quản lý và thích ứng đô thị…

"Từ các Khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và Báo cáo tổng hợp các khuyến nghị liên quan đến lập và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực thực hiện Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và Sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” và đặc biệt thực hiện các giải pháp trước mặt và lâu dài trong việc chống mạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cả các giải pháp công trình mang tính "không hối tiếc” đã được nêu ra trong bản Kế hoạch” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Chính phủ Việt Nam đánh giá cao hỗ trợ của Hà Lan trong việc triển khai thực hiện nội dung Tuyên bố chung của Đối thoại cấp cao "Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế chung tay cùng ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức bên lề Hội nghị các Bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 21 (COP21) vừa qua.

Thông qua Hội nghị tập huấn cấp cao dành cho các cán bộ, lãnh đạo, quản lý cấp cao của các Bộ ngành và 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hội nghị đã nhất trí đề xuất Báo cáo tổng hợp các khuyến nghị liên quan đến lập và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ thích ứng, chống chịu và phát triển bền vững với các giải pháp tổng thể, liên ngành, liên vùng.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...