Bà cụ đem nước ngọt cho mọi người: ''Chuyện nhỏ xíu, có gì mà biểu dương''

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2016 | 3:20:47 Chiều

Chuyện cụ bà Nguyễn Thị Huỡn (75 tuổi, ngụ số 136 đường Nguyễn Thị Định, TP. Bến Tre) tự nguyện lấy nước ngọt từ giếng nhà để cho không bất cứ ai thiếu nước xài vì hạn mặn đã trở thành một sự kiện thời sự.

Báo chí không ngừng đưa tin về việc làm của cụ, không chỉ vậy, có nhà báo còn nhanh nhạy vận động mạnh thường quân hỗ trợ các bồn đựng nước cho cụ tiện san sẻ cho người đến xin nước. Cụ rất vui và biết ơn khi nhận được sự đồng cảm đến từ nhiều nơi.
Tuy vậy, tiếp xúc với cụ vào ngày 31.3, tôi, một trong những người sớm tham gia đưa tin về việc làm của cụ, cảm nhận ở cụ lộ ra một nỗi ưu tư. Theo cụ, việc làm của cụ chỉ nhỏ xíu so với cái to tát mà người khác làm được nên báo chí cứ quay phim chụp hình hoài khiến cụ thấy ngại.
"Chỉ là sẵn nước trời cho, gia đình mình có 4 người xài không hết, bà con cần, mình không cho thì để làm gì, còn tiền điện chạy bơm nước, có người đòi bù lại thì có nhiêu đâu mà tính. Cũng có người làm tàu hủ tới lấy một lúc nửa khối nước đòi trả khối 50.000 đồng, mình cũng chỉ nói lại cần thì lấy chớ không muốn tính thiệt hơn gì… Chuyện có vậy mà mới đây mấy ông ở xã cử người qua tính treo bảng "Tấm lòng vàng” biểu dương trước nhà, gia đình không dám nhận vì treo vậy giống khoe mẽ mình với bà con xung quanh, coi kỳ lắm", bà tâm sự.
Một gia đình ai cũng tốt bụng 1
Cụ Huỡn bên một thực tập sinh báo chí
"Thiệt ra, cái giếng nhà có đã hơn 20 năm, hồi cả xóm này chưa có nước máy để xài. Trong xóm có mấy chục cái giếng dân đào lấy nước nhưng nhiều giếng nước đục và phèn không dùng được. Hên cái giếng nhà được nước ngọt và lại trong nên việc chia sẻ cho bà con trong xóm cùng xài là chuyện quen rồi” – chị Lê Thị Cẩm, con gái cụ Huỡn góp lời.
Bà cụ đem nước ngọt cho mọi người: 'Chuyện nhỏ xíu, có gì mà biểu dương' - ảnh 2
Chuyện có vậy mà mới đây mấy ông ở xã cử người qua tính treo bảng "Tấm lòng vàng” biểu dương trước nhà, gia đình không dám nhận vì treo vậy giống khoe mẽ mình với bà con xung quanh, coi kỳ lắm.
Bà cụ đem nước ngọt cho mọi người: 'Chuyện nhỏ xíu, có gì mà biểu dương' - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Huỡn tâm sự
Theo chị, chỉ gần đây khi hạn mặn quá gắt, cả nước máy cũng bị mặn, biết nhu cầu cần nước ngọt sẽ nhiều, má bàn với anh hai (anh Lê Văn Phước, anh ruột chị Cẩm – PV) sắm cái mô tơ để chủ động bơm nước từ giếng lên thay cách dùng gàu như lúc trước đặng thuận tiện cho bà con tới lấy nước. Má còn kêu treo bảng "cho nước” lên trước nhà để bà con cần đến xin không ngại.
"Mà tức cười lắm, treo bảng lên xong, tới ba ngày anh hai than ủa sao không thấy ai tới xin nước vậy cà, tới ngày thứ tư mới có người đầu tiên khiến anh mừng quá la lên tao cho nước được một người rồi mày ơi” – chị Cẩm xởi lởi.
"Bây giờ quen rồi, mỗi ngày khi thì 5 -7 người, khi thì mười mấy hai chục người tới đây lấy nước là chuyện thường. Thấy người ta vui, cả nhà vui lây”.
Chị Cẩm cũng cho biết thêm, đối với người già neo đơn nghèo khó, không có điều kiện đi xin nước, chị vẫn thường dùng xe máy chở từng can nước đến tận nơi cho. Giải thích lý do chị làm việc này chị nói đơn giản mình sinh hoạt gia đình phật tử, lại phụ trách một ban nhi đồng mấy chục em, mình không làm gương lấy gì nói các em nghe.
Một gia đình ai cũng tốt bụng 2
Chị Cẩm trong một lần đi cứu trợ người nghèo -Ảnh nhân vật cung cấp
Riêng anh Lê Văn Phước, một thợ cửa sắt lành nghề, thì bộc bạch: "Thấy việc quan tâm đến người khác làm má vui khiến em cũng muốn góp phần vào điều đó. Chuyện bây giờ cần làm là em phải mua một số sắt để hàn thành một cái giá đặt 2 cái bồn các mạnh thường quân vừa ủng hộ cho vừa tầm san nước cho bà con, đặng không phụ ơn người ta đã giúp mình”
Nghe những chia sẻ của hai người con của cụ Hưỡn, tôi không biết nói gì hơn chỉ thấy cảm kích trong lòng: đạo lý ở đời đối với gia đình này được thể hiện tự nhiên như nước để uống, như không khí để thở.

Theo Thanh niên

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...