Nước -vấn đề an ninh quốc gia
- Cập nhật: Thứ hai, 25/4/2016 | 3:42:42 Chiều
(tapchicapthoatnuoc.vn) - 1,1 tỉ người thiếu nguồn nước dùng an toàn; có 4.700 người chết mỗi ngày (hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi) do thiếu nước, đó là con số thống kê vào năm 2011. Người châu Phi dùng 37 lít nước/ngày so với 420 lít của người Mỹ; doanh số nước đóng chai năm 2005 đạt 100 tỉ USD trong khi chỉ cần 10 tỉ USD/năm là đạt tiêu chuẩn cung cấp nước sạch cho ½ trong 1,1 tỉ người thế giới vào trước năm 2015 do LHQ đề ra; cần đến 1,5 triệu thùng dầu thô để sản xuất 2,7 triệu tấn nhựa dùng trong công nghiệp nước đóng chai mỗi năm…
“Bất công” trong sử dụng nguồn nước
Vài thống kê trên đã cho thấy nhiều điều, rằng nước luôn thiết yếu cho đời sống (nhưng vẫn được sử dụng hoang phí); rằng có nhiều “bất công” trong sử dụng-khai thác-kinh doanh nguồn nước; rằng nước nghèo vẫn lãnh đủ sự bất hợp lý trong tiếp cận nguồn nước… “Chúng tôi bị đánh, bị bỏ tù và vài người thậm chí bị giết nhưng chúng tôi sẽ không chịu thua” – phát biểu của Marco Suastegui, một trong khoảng 10.000 người biểu tình tại Diễn đàn nước thế giới năm 2015. Suastegui từng dẫn đầu cuộc chiến chống lại việc xây một con đập cung cấp nước cho khu nghỉ mát Acapulco ở duyên hải Thái Bình Dương. Những người phản đối tin rằng con đập sẽ làm cạn con sông Papagayo gần đó. Vụ Papagayo là một trong những câu chuyện sẽ lại được nhắc đến bên lề Diễn đàn nước thế giới với sự tham dự của 130 bộ trưởng chính phủ và hàng ngàn nhà thủy học (tổng cộng hơn 13.000 phái đoàn tham dự Diễn đàn).
Đối với dân làng Denganmal ở phía tây Ấn Độ, nguồn nước uống duy nhất chỉ tồn tại ở 2 cái giếng dưới chân một ngọn núi đá gần đó. Ảnh VNN
Một trong những nguyên nhân khiến thiếu hụt nguồn nước là sự bùng nổ đô thị hóa và đà tăng dân số. Với khả năng dân số toàn cầu tăng 9 tỉ người vào năm 2050, tỉ lệ dân thế giới thiếu nước “kinh niên’ có thể tăng từ 8% (500 triệu người) vào đầu thế kỷ 21 lên 45% (4 tỉ người) vào trước năm 2050! Ngay thời điểm hiện tại, đã có khoảng 1 tỉ người mỗi đêm leo lên giường ngủ với cái bụng đói lép kẹp bởi một phần nguyên nhân thiếu nước cho canh tác lương thực. Tại các làng quê châu Phi, phụ nữ mỗi ngày phải vác thùng lội bộ gần 10km để lấy nước. Vào mùa khô, họ phải đi hai lần. Để có một thùng nước, họ phải xếp hàng đợi ít nhất một tiếng. Mỗi thùng nước chứa trung bình 20 lít (khoảng 12kg)…
Không riêng ở châu Phi, nước là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu ở Trung Đông và nhiều nước châu Á khác. Trong 20 năm nữa, nhu cầu nước trên thế giới sẽ tăng 40%, trong khi nguồn nước đang cạn kiệt ở mức báo động. Theo một báo cáo của UNDP, nước sẽ là ngòi nổ chiến tranh tại châu Phi trong 25 năm tới. Các cuộc ấu đả giành nước tại lục địa đen chủ yếu diễn ra ở những khu vực mà sông-hồ nằm trên vùng biên giới lãnh thổ. Điểm nóng có thể là lưu vực sông Nile, Niger, Volta và Zambezi. Khan hiếm nước được hiểu là không có đến 1.000 m3/người/năm và khủng hoảng nước được hiểu là không có đến 1.500 m3/người/năm. UNDP dự báo đến trước năm 2025, có thể 12 nước châu Phi nữa lâm vào tình trạng thiếu nước, ngoài 13 nước hiện tại.
Nếu dân số ba nước có sông Nile chảy qua – Ethiopia, Sudan và Ai Cập – tăng như mức dự tính, từ 150 triệu hiện tại lên đến 340 triệu vào năm 2050 thì chiến tranh nước là điều không thể tránh khỏi. Một trong những nguyên nhân khiến Ai Cập ủng hộ Eritrea trong cuộc chiến nhùng nhằng với Ethiopia chính là quyền lợi nước. Nam châu Phi cũng có những cơn sóng âm ỉ về nguy cơ chiến tranh nước, trong đó các bên liên quan là Botswana, Namibia và Angola. Dòng Cuito bắt nguồn từ Angola chảy qua dải Caprivi ở Namibia và kết thúc tại vùng đầm lầy Okavango ở Botswana sẽ khó có thể tránh mối nguy xuất hiện tàu chiến. Nước là máu của nông nghiệp và nông nghiệp châu Phi cần đến 88% nước dùng (mỗi tấn ngũ cốc cần 1.000 tấn nước)…
Ẩu đả vì nước
“Tôi có thể đoan quyết rằng nếu không đủ nước ở khu vực chúng tôi, nếu nước tiếp tục khan hiếm và nếu con người tiếp tục chịu khát thì chắc chắn chúng tôi sẽ đối mặt với chiến tranh” – phát biểu của Meir Ben Meir, cựu ủy viên về nước ở Israel. Nước là một trong bốn vấn đề trong chương trình nghị sự đàm phán hòa bình giữa Israel và Syria (chưa có kết quả). 30% nguồn nước mà Israel đang dùng đều lấy từ cao nguyên Golan, chiếm của Syria trong cuộc chiến sáu ngày hồi năm 1967. Israel còn đang tính đến dự án nhập khẩu nước từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Người dân ở Sudan vượt quãng đường hơn 15km để đến điểm phát nước gần nhất trong chiến dịch phát nước sạch cộng đồng.
Bởi vậy, việc Israel trả lại Golan (nơi có Biển Galilee – hồ nước ngọt) cho Syria là chuyện khó xảy ra. Trung Đông là nơi có tỉ lệ nước dùng/đầu người thấp nhất thế giới và nơi này đang chứng kiến cảnh hạn hán kinh khủng nhất trong 60 năm qua. Người ta còn chưa quên chuyện một số nguyên thủ quốc gia Trung Đông (trong đó có Tổng thống Iraq Saddam Hussein) từng kêu gọi dân chúng lập đàn cầu mưa. Trong cùng thời gian, ở Israel, 50 thầy dòng đã bay vòng quanh Đất Thánh bảy lần, nguyện cầu trời mưa, trong buổi lễ kéo dài 6 giờ. Những người tham dự khác đã ăn chay suốt ba ngày. Tại Jordan, hoàng tử Hassan cũng tổ chức lập đàn van vái xin mưa… Đây không phải là chuyện lẩm cẩm mà cho thấy rằng nước ở Trung Đông quan trọng như thế nào.
Để có 400 lít nước sạch mỗi ngày, một dân quê Philippines phải trả 2.000 peso (46,7 USD) cho người bán nước dạo. Hiện Trung Quốc thiếu mỗi ngày khoảng 500.000m3 nước. Ở Bắc Kinh, Jakarta, Manila hay New Delhi..., cảnh hàng đoàn người xếp hàng để nhận nước đã trở nên quen thuộc. Cách đây không lâu, nông dân Thái Lan phản đối chính phủ đã “rút” nước từ sông rạnh để cung cấp cho Bangkok, làm đồng ruộng cạn nguồn tưới tiêu. Quanh Thượng Hải, việc môi trường bị ô nhiễm trầm trọng đã buộc người ta phải tìm nguồn nước thiên nhiên trong sạch từ những vùng xa thành phố, khiến nước trở thành “mặt hàng” hiếm và khá đắt tiền.
Và tại rất nhiều nơi ở Đông Nam Á, nạn phá rừng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến khí hậu, làm mưa không rơi xuống đất liền mà trút ra biển. Tại Nhật, lần đầu tiên các phân xưởng công nghiệp đã phải áp dụng biện pháp tiết kiệm nước tối đa hoặc phải “nhập” nước từ nhiều nguồn cung cấp bên ngoài. Tại thành phố Tây An (trung tâm Trung Quốc), vào những tháng hè, lượng nước thiếu lên đến 200.000 m3/ngày. Cũng chính vì tranh giành nước từ sông Hằng, giao hảo giữa Ấn Độ và Bangladesh đã trở nên căng thẳng đến nỗi người ta từng e ngại một cuộc chiến nước sẽ xảy ra.
“Nước là dầu hỏa của thế kỷ 21” – một nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nói như vậy để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác và đầu tư đúng mức vào hệ thống cấp nước. LHQ dự đoán nước sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong tất cả các loại nguồn nguyên liệu tự nhiên. Một điều ai cũng thấy rõ là hầu như tất cả các ngành công nghiệp đều cần đến nước - thành phần không thể thay thế. Thiếu nước, sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và ngay cả sự ổn định chính trị cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Những mâu thuẫn xung quanh vấn đề nước vẫn tiếp tục xảy ra. Uzbekistan hiện giám sát nhất cử nhất động dự án con đập khổng lồ Rogun bắc ngang sông Vakhsh tại Tajikistan. Chi phí ước tính ít nhất 2,3 tỉ USD (43% thu nhập quốc gia Tajikistan), Rogun sẽ là con đập cao nhất thế giới được kỳ vọng có thể cung cấp đủ điện năng cho toàn bộ nhu cầu Tajikistan và thậm chí dư để xuất khẩu sang Afghanistan hoặc Pakistan. Tuy nhiên, bởi nó có thể mất đến 18 năm để chứa đủ bồn nước (so với 18 ngày của con đập Tam môn hợp tại Trung Quốc), Rogun sẽ hút hết sạch nước sông Vakhsh và như vậy sẽ mang đến hậu quả khủng khiếp cho những cánh đồng bông tại Uzbekistan.
Cần nói thêm, các lưu vực sông quốc tế hiện băng qua biên giới của 145 quốc gia và một số con sông chảy xuyên qua nhiều nước. Nguồn nước của mỗi trong các con sông Congo, Niger, Nile, Rhine và Zambezi đều được chia sẻ với 9-11 quốc gia. Dòng Danube uốn lượn châu Âu được chia sẻ với 19 nước. Đó là chưa kể dòng Mekong tại châu Á. Điều đó cho thấy việc sống “tử tế” và “biết điều” là một vấn đề quan trọng. Phải nói như vậy bởi có không ít quốc gia ỷ vào lợi thế “nắm” thượng nguồn đã “chơi đểu” một cách bất nhân khi xây nhiều con đập khiến khu vực hạ nguồn sống dở chết dở.
Giải pháp gì đây?
Theo đánh giá của WB, trong thập niên kế đến, chỉ riêng khu vực Đông Á đã phải cần ít nhất 128 tỉ USD để giải quyết việc cung cấp nước sinh hoạt cũng như các thiết bị làm sạch. Vấn đề này xem ra đơn giản nhưng lại khá phức tạp khi tiến hành trong điều kiện thực tế. Hiện nay, ở nhiều nước châu Á, mức thuế nước vẫn không được tính đến hoặc được tính ở giá quá thấp đã làm những công ty cấp nước phương Tây không muốn bỏ vốn đầu tư. Hơn nữa, một số quốc gia vẫn xem việc cấp nước thuộc phạm vi giải quyết của chính quyền sở tại nên không thích các nhà đầu tư ngoại quốc nhúng tay vào. Hệ thống ống dẫn không được tập trung đầu tư đúng mức, bởi người ta mặc nhiên chấp nhận việc phân phối nước bằng dịch vụ bán nước dạo trong những khu dân cư nghèo hoặc ở thôn quê (tại Indonesia chẳng hạn). Nước bán theo hình thức này đắt gấp 20-100 lần so với nước được cung cấp qua mạng ống dẫn trong thành phố.
Nắng hạn làm cho con suối chảy qua Khu du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk- Việt Nam) - Nơi mà trước đây an Quản lý khu du lịch này đã cắm biển báo "Nước sâu...." thì nay đã cạn trơ đáy.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bệnh tật do nước không hợp tiêu chuẩn vệ sinh chiếm đến 75% các ca bệnh và 80% những ca trẻ sơ sinh tử vong ở các nước đang phát triển. Trước tình trạng này, WHO đã có nhiều kế hoạch tuyên truyền-giáo dục cộng đồng nên ý thức hơn. WB cho biết thêm chỉ có khoảng 60% dân số khu vực Đông Á được sử dụng nước hợp điều kiện vệ sinh cơ bản. Điều này đồng nghĩa với việc gần 470 triệu người trong khu vực này đang sống trong tình trạng hoàn toàn thiếu nước hợp tiêu chuẩn. Chưa kể đến khoảng 350 triệu người sinh hoạt trong môi trường không có hệ thống cống rãnh! Vấn đề chưa dừng tại đó. Các tổ chức môi trường thế giới cho biết hầu hết các nước châu Á không đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải, cũng như không quan tâm đến việc bảo vệ nguồn nước. Ân Độ chẳng hạn, sông Hằng linh thiêng đã bị 114 thành phố hai bên bờ dốc rác xuống...
Riêng vấn đề nước ở các đô thị, có ít nhất 5 giải pháp đáng được quan tâm – theo Ủy ban nước thế giới: 1/ Không nên “bí hiểm hóa” vấn đề “hiểm họa” bùng nổ đô thị. Vấn đề mang tính xu hướng thời đại này tất nhiên phải xảy ra. Cư dân đô thị – cho dù họ là ai, tại sao họ xuất hiện, họ sống như thế nào, họ muốn gì – đều đáng được quan tâm và nhìn nhận như một thực tế tất yếu chứ không phải một mối hiểm nguy đe dọa tính mạng cộng đồng đô thị. Dù là thợ quét đường hay bán rong thì cư dân nhập cư đô thị cũng cần việc làm để nuôi sống mình, cần nhà ở và phương tiện sinh hoạt. Chính việc thờ ơ (hoặc khinh bỉ) cư dân nhập cư đô thị đã làm cho tình hình điều kiện vệ sinh của họ trở nên thiếu thốn và hậu quả sau cùng là ảnh hưởng đến môi trường toàn thành phố… 2/ Biến lời kêu ca thành hành động. 3/ Thực hiện một cuộc cách mạng mới về hệ thống xử lý an toàn vệ sinh. 4/ Nhìn nhận vai trò hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ. 5/ Kích thích sự hợp tác giữa nhiều tổ chức với chính phủ.
Theo Người đô thị
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...