Bị... phân, ruồi “bao vây“ vì ô nhiễm từ trại bò sữa TH

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/6/2013 | 10:31:46 Sáng

Một đơn vị chuyên sản xuất sữa sạch nhưng lại để người dân xung quanh trại bò sống trong ô nhiễm, phân bò trôi ngập ao cá, nước giếng không dám dùng, tay không bốc được ruồi…

Phân bò sữa trôi ngập ao cá người dân

Sự việc diễn ra vào chiều 30/4, tại xóm Trung Sơn, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Cơn mưa lớn xuất hiện, hồ cá gia đình chị Đàm Thị Hòa bị một lượng lớn phân bò từ trại bò của Công ty CP thực phẩm sữa TH trôi xuống gây thiệt hại lớn cho gia đình.

Chị Hòa cho biết: “Họ đổ phân trên đầu nguồn của ao, từ chiều 26/4 đã có một lượng phân bò của trại bò Cty sữa TH trôi xuống làm 5-6 sào diện tích trồng bầu bí ngập chừng 50 cm toàn phân. Tiếp đó, chiều 30/4, khi mưa lớn thì phân bò trôi ngập hồ cá của gia đình, dày khoảng 1,5m. Hồ cá với diện tích 1,2 ha đất gia đình đã thả cá đến thời kỳ thu hoạch, mới thu hoạch được ít, dự đoán theo hàng năm thì dưới đó cũng chừng 3 tấn cá tươi…”.

Cũng theo chị Hòa, sau khi vụ việc xảy ra gia đình đã báo cáo chính quyền xã, sau đó cán bộ của Cty TH đã về hiện trường. Trao đổi với PLVN, chị Hòa cho hay: “Khi đoàn của Cty về, thấy chủ tịch xã và đại diện TH hứa với gia đình sẽ đưa máy về hút nước dưới ao lên và xử lý, nhưng đến nay (ngày 13/5) vẫn chưa thấy giải quyết. Gia đình cũng chỉ muốn họ đền bù xử lý dứt điểm để ổn định làm ăn”.

Sự việc diễn ra gần nửa tháng nhưng phía công ty vẫn chưa có động thái để đền bù thiệt hại đối với gia đình chị Hòa.

Ông Phạm Phú Thành – Trưởng Công an xã Nghĩa Sơn cho biết: “Tôi có đến hiện trường chứng kiến phân bò ngập ngụa hồ khiến cá chết trắng nổi đầy mặt hồ. Sau đó, gia đình chị Hòa làm đơn gửi UBND xã yêu cầu Cty đền bù thiệt hại”.  

Theo người dân sống quanh khu vực hồ cá gia đình chị Hòa, từ khi phân bò trôi xuống làm chết cá trong hồ thì họ cũng không dám sử dụng nước giếng mà phải xin nước từ nơi khác về để dùng.

Ông Phạm Phú Thành cho biết thêm, dự án chăn nuôi bò sữa TH mới triển khai mấy năm nay nhưng có nhiều bất cập, nguồn nước của người dân sinh hoạt bị ô nhiễm do trại bò cao hơn. Có một nghĩa địa chôn bò chết cách khu dân cư mấy trăm mét gây ảnh hưởng cuộc sống dân sinh…

Sáng 15/5, trao đổi qua điện thoại, một cán bộ của Cty TH cho hay, công ty đã mời xóm và xã vào họp. “Vì thiên tai nên xảy ra chuyện, phía công ty đã ủy quyền cho hội đồng đền bù đến làm việc với họ. Hiện trong quá trình xử lý, đến bữa nay cũng ổn rồi. Cty đang lập hồ sơ để đền bù đền tiền cho chị Hòa”.

Dùng tay bốc được ruồi

Một bất cập nữa tại dự án này là hơn 1 năm nay, hơn 600 hộ dân ở 7 xóm, thuộc 2 xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) phải sống trong vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí.

Người dân 4 xóm Tân Lâm, Đông Lâm, Nghĩa Chính, Cuồn Đá thuộc xã Nghĩa Lâm và các xóm Sơn Hạ, Sơn Trung thuộc xã Nghĩa Sơn và làng Bé, xã Nghĩa Yên nằm gần các trại nuôi bò sữa của Dự án chăn nuôi bò sữa TH phải di dời. Ngay thời điểm triển khai xây dựng trang trại vào năm 2010, vấn đề tái định cư đã được các bên đặt ra.

Tuy nhiên, thời gian chờ đợi để được tái định cư, người dân sống quanh những trại bò phải “ráng chịu” ảnh hưởng trực tiếp từ những trại bò của Cty TH. Nguồn nước của những hộ dân này bị ô nhiễm nặng, nước giếng người dân chỉ dám dùng để tắm, giặt, còn nấu nướng phải đi mua hoặc đi xin nước sạch về dùng.

Một hiện tượng khác mà người dân phản ánh là tình trạng ruồi xuất hiện nhiều. Ông Trần Hồng Lý – xóm trưởng Tân Lâm cho biết: “Cả xóm có 61 hộ đều tha thiết được di chuyển đến khu tái định cư tuy nhiên chưa được triển khai. Hơn 1 năm nay rồi người dân phải chịu cảnh sống chung với cảnh ô nhiễm, 14 cái giếng hiện không thể dùng để ăn. Ruồi muỗi xuất hiện nhiều lắm, nhiều đến mức có thể dùng tay để bốc…”.

Gia đình Nguyễn Thị Long phải bơm nước giếng bị ô nhiễm lên làm sạch giếng để sử dụng
Hộ Nguyễn Thị Long phải bơm nước giếng bị ô nhiễm lên làm sạch giếng để sử dụng

Sau khi người dân phản ánh việc 14 hộ ở gần trại bò nước giếng không sử dụng được, phía Cty TH đã hỗ trợ 2,7 triệu để cho một số hộ mua bình chứa nước và một số hộ khác được hỗ trợ 500 ngàn đồng; hỗ trợ toàn bộ thuốc khử làm sạch nước giếng cho các hộ có nhu cầu.

Gia đình chị Nguyễn Thị Long, xóm Tân Lâm, ở gần bờ rào trại chăn nuôi bò có giếng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Hàng ngày, gia đình chị phải đi xin nước của các gia đình khác về sinh hoạt. Khi chúng tôi đến, chị Long đang dùng máy hút nước làm sạch giếng. Chị Long cho biết: “Lần ni là lần thứ 4 nhà tui phải hút nước dưới giếng lên để làm sạch nhưng vẫn chưa dám sử dụng…”

Bà Nguyễn Thị Thanh Vinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: “Toàn bộ số hộ dân đã thống nhất chuyển đi tái định cư đến nơi ở mới nhường đất cho dự án. Bà con nêu ý kiến cần nhanh chóng triển khai tái định cư để đời sống sớm an cư lập nghiệp, ổn định tư tưởng xây dựng cuộc sống”.

Ông Lê Đức An –Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TN&MT) huyện Nghĩa Đàn cho biết, Phòng đã khảo sát đất đai để xây dựng khu tái định cư. Bên cạnh đó, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Đàn cũng đã hoàn thành kiểm đếm về đất đai, nhà cửa. Việc áp giá đền bù đang phải chờ chủ trương nên chưa tiến hành chi trả tiền đền bù cho các hộ dân. Việc phân bò chảy xuống hồ cá làm ảnh hưởng đến nhà hộ chị Hòa, Phòng TN&MT đã chỉ đạo xã phối hợp với phía Cty khắc phục, đền bù thiệt hại cho người dân…

Một dự án lớn, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung đã đi vào hoạt động, nhưng những vấn đề phát sinh xung quanh với hàng trăm hộ dân vẫn chưa được giải quyết. Một đơn vị chuyên sản xuất sữa sạch nhưng lại để người dân xung quanh trại bò sống trong ô nhiễm khiến dư luận bất bình.

Ngô Toàn - Nguyễn Quảng (phapluatvn.vn Ngày 3/6/2013)

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...