2,7 tỷ USD mỗi năm cho nhu cầu đầu tư cấp thoát nước
- Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2016 | 5:05:46 Chiều
Đó là con số được đại diện Ngân hàng Thế giới đưa ra trong Hội thảo quốc tế về "Các giải pháp phát triển Cấp thoát nước bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ứng phó với suy thoái nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn" ngày 10/11/2016 tại Trung tâm Hội chợi Triển lãm Sài Gòn.
Hội thảo do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) phối hợp với Hội nước Quốc tế (IWWA) tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam cho ngành nước Việt Nam hiện nay. Đây cũng là hội thảo chính thức tại sự kiện Vietwater 2016.
Bà Phan thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo
Tham dự hội thảo có các đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Thế giới, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, UBM Asia và nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Bà Phan thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã đến tham dự và có bài phát biểu tại hội thảo.
Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cùng đại diện Cục Hạ tầng Kỹ Thuật, đại diện GIZ - WMP
Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe các báo cáo tham luận về "Thực trạng và những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt: Suy thoái nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn”của ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng, Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường; "Lộ trình cải cách ngành nước của Úc trong việc ứng phó với hạn hán và biến đổi khí hậu và kinh nghiệm sâu sắc từ Tập đoàn Water Corp” của ông Peter Moor - Giám đốc điều hành tập đoàn Water Corp, kiêm chủ tích hội nước Úc;"Dự án Cấp nước vùng, giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đồng Bằng Sông Cửu Long”của ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng;"Các công nghệ khai thác nước ngầm mạch nông, đập ngầm trữ nước ngặp mặn và xử lý nước ngầm đa ô nhiễm để xử dụng hiểu quả tài nguyên nước ngầm” của ông Katsu Yamada, Giám đốc điều hành, Công ty Quốc tế Nagaoka, Nhật Bản; "Các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho ngành Cấp Thoát Nước ứng phó với biến đổi khí hậu” từ đại diên từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu Việt Nam và quốc tế
Nhiều thách thức trong vấn đề nguồn nước
Theo báo cáo của đại diện Cục Quản lý nguồn nước - Bộ Tài nguyên môi trường: Lượng nước bình quân/người ở một số lưu vực sông chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước. Đặc biệt về mùa khô, 4 trong số 16 lưu vực sông được xếp loại ở "mức căng thẳng cao” đó là các lưu vực sông Mã, các sông ĐNB, Hương và Đồng Nai. Nước được sản sinh từ nước ngoài chiếm tới 62% tổng lượng nước. Điều đó cho thấy nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước từ nước ngoài.
Điều đáng nói, nguồn nước của Việt Nam đang bị suy giảm do tác động của Elnino làm mực nước trong mùa khô từ 2014 - 2015 ở nhiều nơi đã bị sụt giảm nghiêm trọng, thâm chí năm 2015 - 2016 thấp hơn mực nước lịch sử từ 0,2 - 0,4m.Nguồn nước còn đang bị ảnh hưởng mạnh bởi tình trạng xâm nhập mặn, suy giảm mực nước dưới đất, sụt lún đất, biến đổi khí hậu.
Theo số liệu quan trắc mùa khô 2015 - 2016, độ mặn lớn nhất đều cao hơn so với TBNN và vượt quá độ mặn lớn nhất cùng kỳ đã từng quan trắc được trong lịch sử.Ranh giới độ mặn 4g/l đã lấn sâu tới 90 - 95km trên sông Vàm Cỏ, 45 - 65km trên sông Tiền, 55 - 60km trên sông Hậu và 60 - 65km ở khu vực ven biển Tây (Sông Cái Lớn). Nước dưới đất cũng bị xâm nhập mặn, đan xen rất phức tạp cả về diện tích và chiều sâu. Một số tầng chứa nước cũng có nguy cơ thu hẹp phạm vi của các khối nước ngọt.
Đứng trước tình trạng đó, đại diện Bộ Tài nguyên môi trường đưa ra kiến nghị về giải pháp giải quyết vấn về tài nguyên nước, bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL không thể chỉ bao gồm các giải pháp có tính nội bộ trong nước mà vấn đề cơ bản, cốt lõi là phải giải quyết trên phạm vi toàn lưu vực, bao gồm cả 6 quốc gia có chung dòng sông Mê Kông.
Diễn giả quốc tế, ông Peter Moor - Chủ tịch Hội nước Úc trình bày tham luận
Cấp thoát nước Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Ngành Cấp thoát nước của Việt Nam đã tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây trong việc tăng khả năng tiếp cận cấp thoát nước, tuy nhiên ở khu vực nông thôn vẫn còn lạc hậu. Theo đại diện Ngân hàng thế giới cho biết: 75% hộ gia đình đô thị có nước máy, trong khi đó chỉ có 37% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước "sạch”.
Tổ chức thể chế trong lĩnh vực cấp thoát nước còn phân tán. Không có một cơ quan quản lý quốc gia hay một bộ/cục chuyên quản lý ngành nước. Tính sở hữu, công tác lập kế hoạch, vận hành và bảo dưỡng ở cấp tỉnh nói chung còn yếu.
Những tháchh thức chính trong lĩnh vực cấp thoát nước mà Việt Nam cần giải quyết đó là chất lượng nước thấp, tỷ lệ thất thoát cao, còn hạn chế về tính liên tục và áp suất thấp. Phí nước sạch vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, ảnh hưởng tới ngân sách vận hành và bảo dưỡng, chất lượng dịch vụ. Nhu cầu đầu tư để giải quyết các vấn đề trên ước tính khoảng 1,04 tỷ USD mỗi năm.
Thực trạng vệ sinh đô thị cũng còn nhiều điều đáng lưu tâm. 90% hộ gia đình sử dụng bể phốt, thường được xây không đạt yêu cầu và ít khi bể phốt được thông hút. Chỉ có 10% - 15% nước thải được xử lý và chỉ có 4% bùn thải bể phốt được thải/xử lý an toàn. Nhu cầu đầu tư cho vệ sinh đô thị ước tính là 770 triệu USD mỗi năm.
Thách thức tiếp theo là về lĩnh vực cấp thoát nước nông thônvề tính bền vững do thiết kế, thi công, chức năng và quản lý hệ thống còn kém. Nhu cầu đầu tư ước tính là 520 triệu USD mỗi năm. Mặt khác,chỉ 55% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu "hợp vệ sinh” và nhu cầu đầu tư hàng năm khoảng 370 triệu USD.
Tình hình phát triển ngành Cấp thoát nước của Việt Nam hiện nay còn phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Hơn 90% các sự kiện thiên tai xảy ra ở Việt Nam liên quan tới nước, bao gồm ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng,…
Điều này dẫn tới sự cần thiết phải có một kế hoạch tổng thể cho sự chuẩn bị sẵn sàng, thích ứng và giảm thiểu tác động. Theo đó, các nguồn tài chính cần được xác định và huy động.Chi phí liên quan tới tác động của BĐKH lên tới nhiều triệu USD.
Hội thảo là một hoạt động quan trọng tại Vietwater 2016
Tính tổng nhu cầu đầu tư cho cấp thoát nước khoảng 2,7 tỷ USD mỗi năm. Đó là một khoản chí phí khá lớn và Việt Nam cần phải kêu gọi được các nguồn tài trợ, đầu tư một cách bền vững. Để giải bài toán tài chính đầu tư cho cấp thoát nước trong thời gian tới, đại diện phía Ngân hàng thế giới đã đưa ra một số thông điệp chính như sau:
Tài trợ bền vững phụ thuộc chặt chẽ vào công cụ tài chính, lập kế hoạch, kỹ thuật, thu xếp thể chế tổ chức thực hiện. Cần tiến hành đánh giá chi tiêu công cho CTN dưới tác động của BĐKH. Một chiến lược tài chính cho lĩnh vực này cần được xác định, vẫn phụ thuộc vào vốn trợ cấp của Chính phủ trong các năm tới. Vốn nhà nước cần được tăng cường. Các nguồn lực khác cần được xem xét và huy động dần, như hợp tác công tư, tham gia của khối tư nhân.
Danh sách ưu tiên cần được chính quyền trung ương/ địa phương xác định dựa trên phân tích toàn diện về mục tiêu và nguồn lực sẵn có, cho cả chi phí đầu tư và VH/BD.
Cần cải thiện công tác quản lý các công trình hiện tại, đặc biệt là thu hồi chi phí để giảm thiếu hụt tài chính cho những khoản đầu tư cần thiết để thay thê cơ sở hạ tầng.
Khung pháp lý và quản lý: cần xúc tiến các công việc để loại bỏ sự không rõ ràng giữa các văn bản pháp lý liên quan. Điều này nhằm có được cách hiểu thống nhất và xử lý toàn diện ở cấp chính quyền địa phương.
Các UBND tỉnh cũng cần cam kết mạnh mẽ để thực hiện những thay đổi cần thiết về thể chế và thu hồi chi phí.
Cần cải thiện chính sách và môi trường thuận lợi, chẳng hạn trong lĩnh vực cải cách và quản lý phí, sự tham gia của tư nhân và xây dựng năng lực cho tham gia của tư nhân một cách minh bạch và cạnh tranh.
Bài & ảnh: Hà Thắm
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...