VWSA vừa được bổ sung thêm 11 giảng viên kỹ thuật xử lý nước thải
- Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2016 | 3:35:38 Chiều
Ngày 17/11/2016, tại Bình Dương, Chương trình Hợp tác kỹ thuật Việt - Đức (TVET) phối hợp với Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) đã tổ chức buổi Lễ Trao chứng nhận công nhận tư cách giảng viên kỹ thuật xử lý nước thải của Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho 11 cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp.
Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và TS. Horst Sommer, Giám đốc chương trình Hợp tác kỹ thuật Việt - Đức "Đổi mới Đào tạo Nghề tại Việt Nam (TVET-GIZ)" đã trực tiếp trao tận tay 11 giảng viên chứng nhận đáng quý này.
Đến tham dự buổi lễ còn có đại diện Ban Lãnh đạo năm công ty xử lý nước thải (XLNT) tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ cũng như Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Trong những năm gần đây, nhu cầu về đào tạo nâng cao cho lực lượng công nhân kỹ thuật hiện đang làm việc tại các công ty XLNT nhưng chưa trải qua đào tạo bài bản liên tục tăng cao. Các công ty thành viên đã đề nghị và công nhận Hội CTNVN là đầu mối trung tâm tổ chức các khóa nâng cao năng lực chất lượng cao theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhằm nâng cao khả năng cung cấp cũng như đảm bảo chất lượng cho các khóa học, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tiếp nhận thêm 11 giảng viên mới được đào tạo bởi chương trình TVET - GIZ.
Từ năm 2014, trong khuôn khổ dự án hợp tác Việt - Đức "Đào tạo Nghề trong lĩnh vực Nước thải thuộc chương trình TVET - GIZ, 11 cán bộ đào tạo doanh nghiệp này đã tham gia vào 10 khóa đào tạo nâng cao năng lực chuyên ngành XLNT được tổ chức tại Việt Nam và Đức. Thông qua các khóa đào tạo này, các cán bộ đào tạo được bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức chuyên môn và trang bị thêm phương pháp sư phạm dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Đức cũng như Việt Nam.
Hiện nay, họ đang là lực lượng đào tạo nòng cốt của chương trình thí điểm đào tạo hợp tác ‘Kỹ thuật viên Thoát và Xử lý nước thải’ đang được đồng triển khai bởi Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và các công ty chủ quản của họ. Với nhiệm vụ mới, các giảng viên sẽ hỗ trợ đắc lực cho Hội trong việc xây dựng và cung cấp các khóa học ngắn hạn trong tương lai gần.
Ngoài lực lượng giảng viên được đào tạo bài bản, toàn bộ chương trình đào tạo của các khóa học ngắn hạn đều được xây dựng dựa trên chương trình chuẩn của chương trình đào tạo cao đẳng nghề Kỹ thuật viên Thoát và Xử lý nước thải’ nêu trên. Chương trình đào tạo chuẩn này đã được Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phát triển thành công dựa theo tiêu chuẩn Đức với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đức đến từ chương trình TVET - GIZ. Chương trình đào tạo của các khóa ngắn hạn đều có thể được điều chỉnh theo nhu cầu đào tạo cụ thể của các doanh nghiệp.
"Lực lượng công nhân kỹ thuật là trái tim của tất cả các doanh nghiệp trong ngành XLNT. Chúng tôi nhận định rõ ràng việc phát triển, bồi dưỡng năng lực cho nhân viên của mình là một nhiệm vụ chiến lược và sẵn sàng đầu tư cho các hoạt động này. Chúng tôi rất hy vọng các khóa học nâng cao của Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ giúp chúng tôi xây dựng được một lực lượng kỹ thuật viên được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn nền tảng cũng như các kỹ năng thiết yếu để làm việc trong ngành XLNT” Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Nước - Môi Trường tỉnh Bình Dương chia sẻ sau buổi lễ.
Trong năm 2017, Hội Cấp thoát nước Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức thí điểm một số khóa đào tạo nâng cao năng lực với sự hỗ trợ của dự án Đào tạo Nghề trong lĩnh vực Nước thải.
PV
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...