Chủ tịch Chung: Tốn trăm tỷ chưa hút khối bùn nào ở Hồ Tây
- Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 8:50:47 Sáng
(capthoatnuocvietnam)- Nếu hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170-180 tỷ đồng. Nhưng 4 năm qua BQL Hồ Tây dùng hết 128 tỷ nhưng tôi không thấy một khối bùn ở đâu cả, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nói.
Theo ông Thắng, với 18km xung quanh hồ hiện đã được thực hiện xong, nhưng vẫn còn gói thầu 23 ((hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây - PV).
Ông Thắng cho hay, dự án này bị tạm dừng năm 2014 do TP quá khó khăn về nguồn vốn. Tới tháng 5 năm nay, sau khi lãnh đạo quận Tây Hồ kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã đồng ý giao cho Sở KHĐT, Sở Tài chính và các ngành tiếp tục bố trí vốn.
"Nhưng vừa rồi phân bổ không thấy đâu, mà cứ để thế thì không khai thác được, đã đầu tư rồi, chỉ cần hơn 100 tỷ thôi là xong, phương án các hộ dân cũng đã đồng ý. Chỉ cần tiền GPMB, nhưng dừng suốt từ năm 2014, và nếu năm 2017 không làm thì để 2018 là quá chậm. Đề nghị UBND TP nghiên cứu", ông Thắng nói.
Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, sau sự cố liên quan đến việc cá chết ở Hồ Tây, thực hiện chỉ đạo của Bí thư, Ban cán sự UBND TP Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại.
"Tôi cũng trực tiếp kiểm tra lại, từ năm 2011 đến nay quận Tây Hồ đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng. Trong đó có gói liên quan đến nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ hiện nay các đồng chí chưa làm", Chủ tịch Chung nói.
Ông Chung dẫn ra theo con số khảo sát của 3 công ty độc lập, nếu muốn làm sạch Hồ Tây thì phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, có những khu vực hiện nay nước còn độ sâu 0,5 m và bùn sâu 1,7m. Nên muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai thì phải có kế hoạch tổng thể. Việc này cũng được TP giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng.
Cũng theo lãnh đạo TP, muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn của TP thì quận không thể đảm đương được mà TP phải đứng ra làm việc này.
Chủ tịch Chung chỉ ra những việc cần làm. Thứ nhất là phải nạo vét Hồ Tây, thứ 2 là làm sạch nước môi trường Hồ Tây, 3 là làm nốt hệ thống để thu gom 8 cửa xả nước thải vào hệ thống để xử lý nước thải, thứ 4 là làm cột nước phun cao 180-200m để tạo điểm nhấn.
TP đã làm việc với Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây. Câu lạc bộ này cùng tất cả các nhà đua thuyền sẽ tặng TP một cầu tàu để phục vụ đua thuyền. TP cũng mời một vận động viên đua thuyền người Mỹ vào nghiên cứu mở lớp lướt ván Hồ Tây.
"Với những lý do như vậy mà TP không thể bố trí cho BQL Hồ Tây được. Nếu hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170 -180 tỷ đồng, tuy nhiên trong 4 năm qua BQL Hồ Tây này dùng hết 128 tỷ nhưng tôi không thấy một khối bùn ở đâu cả.
TP sẽ giao Sở Xây dựng khởi động làm lại dự án Hồ Tây tổng thể”, Chủ tịch Chung nói.
Theo VietnamNet
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...