Những hệ lụy từ thủy điện Miền Trung - Tây Nguyên
- Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2016 | 10:59:12 Sáng
Ngày 06/12, tại Đà Nẵng đã diễn ra chương trình Hội nghị đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực Miền Trung – Tây Nguyên (lần thứ III) nhằm giúp người dân có cơ hội đối thoại trực tiếp với các bên liên quan và phản ánh các vấn đề liên quan, hệ lụy từ thủy điện đến đời sống của nhân dân.
Hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban, nghành các cơ sở nghiên cứu, các công ty thủy điện, UBND các huyện, xã và cộng đồng người dân nhiều khu vực địa phương đang chịu những tác động xấu do thủy điện đến từ Quảng Nam, Huế, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Hội nghị diễn ra nhằm đối thoại đa chiều vì sự phát triển thủy điện bền vững ở các lưu vực sông Miền Trung, Tây Nguyên giữa các bên liên quan bao gồm: Các tổ chức đại diện cho nhân dân, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà làm chính sách, người bị ảnh hưởng truyền thông và các tổ chức xã hội. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để người dân đối thoại trực tiếp với các bên liên quan và phản ánh các vấn đề liên quan đến thủy điện và đời sống của họ.
Toàn cảnh Hội nghị đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực Miền Trung – Tây Nguyên (lần thứ III). Ảnh: Vân Trương
Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000 MW. Việt Nam đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc.
Theo ông Hồ Kỳ Minh – Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: "Trước những diễn biến thất thường của thời tiết thiên tai và những sự cố về ngập lụt hạ lưu và công trình thủy điện ở miền Trung trong thời gian gần đây cho thấy, thủy điện Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức đối với môi trường – sinh thái – xã hội và an ninh con người. Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh tế - rủi ro xã hội và môi trường – sinh thái của công trình thủy điện – đồng thời các công trình thủy điện cũng tác động tiêu cực làm tăng quá trình biến đổi khí hậu như: Mất an toàn đập – hồ chứa thủy điện trong mùa lũ; giảm mạnh sản lượng điện vào mùa khô; gia tăng tranh chấp nước giữa các nhu cầu dùng nước hạ lưu và giảm hiệu quả kinh tế của các đập thủy điện. Ngược lại, các hồ đập thủy điện cũng là những tác nhân thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu và tăng các tác động tiêu cực của nước biển dâng vì thủy điện làm mất rừng; hồ thủy điện giữ vật liệu bồi lắng tăng xói lở bờ sông hạ lưu và góp phần làm các châu thổ chìm xuống tăng tác động tiêu cực nước biển dâng và xâm nhập mặn”.
Sự phát triển quá nhanh và thiếu đánh giá tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường, cảnh quan xã hội một cách thấu đáo cũng như những quy định vận hành chưa hợp lý đã đã và đang gây ra những hệ lụy cho cả thiên nhiên lẫn con người. Đã có nhiều phản ánh về các ảnh hưởng tiêu cực do thủy điện gây ra cho môi trường và người dân. Người dân di dời nhường đất cho thủy điện gặp nhiều khó khăn về sinh kế, đất đai không đáp ứng nhu cầu sản xuất, lương thực tối thiểu.
Tại Hội nghị đối thoại cho thấy những tổn thương mà thủy điện gây ra trong thời gian qua được người dân quan tâm nhất: Đất đai đền bù không đầy đủ, ở rất nhiều cộng đồng cam kết về đền bù đất đai không được nhà đầu tư và chính quyền thực hiện. Những trường hợp như (Thừa Thiên Huế, Daklak, DakNong) là do các nhà quản lý không tính toán đầy đủ các quỹ đất cần có đề bù cho cộng đồng, có những cộng đồng, sau hàng chục năm, chính quyền mới chỉ cấp được một nửa diện tích cam kết.
Công trình thủy điện Buôn Kuốp thuộc địa phận xã Hòa Phú (Huyện Cư Jút), Nam Đà (Huyện Krông Nô) và Dray Sáp (Huyện Krông Ana), công trình này đã đi vào hoạt động từ năm 2003 và đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân nơi đây. Trưởng nhóm 11 nông dân chịu ảnh hưởng của thủy điện chia sẻ: "Tới năm 2003, cuộc sống của người dân yên lành khi chưa có thủy điện, cả ngàn hec-ta đất được dùng để trồng trọt, chăn nuôi trâu, bò cuộc sống ngày càng cải thiện nhưng từ ngày có thủy điện, nước dâng lên, chúng tôi dân người Kinh ở Ea-tung và đồng bào dân tộc ở buôn D’ray, kinh tế bị sa sút rất nhiều. Nhiều gia đình không còn đất canh tác, với giá đền bù, một hec-ta chỉ mua đủ 5 sào”
Dự án thủy điện áp dụng cách chuyển tiền làm nhiều lần nên lượng tiền không đủ để cho người dân mua đất khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
"Từ năm 2011 tôi đã làm đơn gửi cho chính quyền xã và huyện. Hồi đó gia đình có 2 sào mấy, đền bù được 170 triệu đồng, giờ còn 128m2 nhà ở. Còn 13 cây cà phê mà họ không giải quyết đền bù. Số cây ít như vậy, gia đình không bỏ công để chăm sóc” bà Nguyễn Thị Thanh nông dân buôn Ea-tung chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh khó khăn do thủy điện, tại thôn Đông Phước và Dục Tịnh thuộc xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) nằm ở khu vực sông Vu Gia. Người dân ở hai thôn này sống chủ yếu bằng nghề nông với các cây trồng chính là lúa và cây hoa màu như sắn, bắp, đậu, dưa hấu, trồng trên đất phù sa màu mỡ với nguồn nước tưới chủ yếu từ sông Vu Gia. Từ năm 2009 đến nay, cuộc sống người dân nơi đây có nhiều biến đổi do những thay đổi chế độ dòng chảy sông Vu Gia, đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay.
Người dân phản ánh những hậu quả mà thủy điện để lại kèm theo hình ảnh thực tế. Ảnh: Vân Trương |
Về đất đai, diện tích đất sản xuất bị cát phủ làm giảm diện tích sản xuất chung. Năm 2010 – 2012 diện tích sản xuất trong xã là 445 ha. Sau hai năm sang 2014, diện tích này suy giảm chỉ còn 437 ha. Điều tệ hại là những cánh đồng trồng hoa màu, như ngô lạc, thường xuyên bị cát phủ làm suy giảm năng suất, thậm chí mất mùa.
Những thay đổi này đã gây ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế người dân, không chỉ người dân ở Quảng Nam, Dalak mà còn ảnh hưởng đến các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình như bồi lấp cát, sạn vào đồng ruộng dẫn đến chi phí đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp, làm sản lượng đánh bắt cá giảm, một số loài cá biến mất nên nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề đánh bắt cá truyền thống của mình, tàu thuyền không thể đi lại trên sông nên người dân không thể vận chuyển hàng hóa hay vận chuyển hành khách được.
Theo ông Đặng Ngọc Quang – Cố vấn VRN: Các đập thủy điện có nhiều hệ lụy liên quan đến tài nguyên của người dân như: Đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, nguồn nước, nguồn cá và khu vực tái định cư. Bên cạnh đó còn có có các hệ lụy chưa xem xét trong đánh giá tác động như: Sạt lở, cát vùi; Mất nguồn cá; Tác động ở vùng hạ lưu; Chính quyền và nhà đầu tư chuẩn bị thiếu nguồn lực để đền bù đất và tiền; Chương trình phục hồi sinh kế ngắn hạn; Không thảo thuận với cộng đồng về mức độ phục hồi khi đền bù, tái định cư.
Ông Đặng Ngọc Quang – Cố vấn VRN |
Để giải quyết những vấn đề trên ông Quang cũng đưa ra những khuyến nghị với nhà đầu tư và chính quyền như: Phân biệt cho người dân rõ trách nhiệm và vai trò của chính quyền và nhà đầu tư trong dự án thủy điện, đền bù và tái định cư; Có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường – kinh tế xã hội đầy đủ và toàn diện với mọi yếu tố (đất, nước, rừng, thượng du, hạ lưu);
Thực hiện đền bù tái định cư phù hợp với lối sống văn hóa đảm bảo sinh kế, nhất là nguồn nước tưới, đất trồng lương thực; Đảm bảo đủ nguồn lực về đất, tài chính, về hỗ trợ phục hồi sinh kế, cung cấp đủ chứng từ hồ sơ cho các hộ và cho cộng đồng; Cung cấp thông tin minh bạch cho người dân về mọi tác động toàn diện của thủy điện; Áp dụng tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo sự tham gia của người dân trong quá trình lập kế hoạch, thực thi và đánh giá chương trình tái định cư và phục hồi sinh kế.
Vân Trương
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...