Phát triển đô thị trước thách thức biến đổi khí hậu và dịch bệnh: Lựa chọn mô hình phù hợp
- Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2021 | 2:52:36 Chiều
Không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai làm gia tăng mức độ khắc nghiệt của các vấn đề môi trường, khu vực đô thị còn là điểm nóng của dịch Covid-19, tác động lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội.
Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, theo hướng bền vững, thông minh, có khả năng chống chịu thiên tai, dịch bệnh.
Những thách thức lớn
Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố đều trên cả nước. Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng...
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, các đô thị Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là 138 đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, nước biển dâng; 143 đô thị miền núi và Tây Nguyên có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... Tại các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh..., vấn đề ngập úng đô thị ngày càng phổ biến do bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, mảng xanh ngày càng thu hẹp... Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực bị tác động nặng nề như sản xuất, kinh doanh, giáo dục... đã làm nảy sinh các vấn đề hoàn toàn mới mà chính quyền địa phương phải giải quyết.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định, trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, việc trưng dụng các dự án nhà tái định cư, trường học, khu liên hợp thể thao... làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; cũng như việc đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu đã đặt ra bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai. Theo đó, trong quá trình phát triển đô thị, các nhà quy hoạch cần quan tâm đến không gian dự trữ, được sử dụng linh hoạt trong trường hợp xảy ra các rủi ro thiên tai, dịch bệnh với quy mô lớn.
Theo ông Trần Ngọc Chính, để đô thị có sức đề kháng trước thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
"Với các đô thị nhỏ, mật độ dân cư thấp, cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng hiện đại. Các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế các khu dân cư cần bảo đảm có đủ không gian xanh cho người dân, không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Với đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cần sớm hình thành các đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô”, ông Trần Ngọc Chính nêu giải pháp.
Hà Nội là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dịch bệnh đã làm thay đổi cách nhìn về quy hoạch đô thị, đặt ra những vấn đề mới về kiểm soát và phát triển đô thị để thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thông tin, thành phố đang thực hiện những công việc lớn liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị, kể cả định hình phát triển Thủ đô; trong đó có việc xây dựng quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc tái thiết đô thị cũng sẽ được Hà Nội ưu tiên thực hiện để tương thích, đồng bộ với quá trình đô thị hóa, thiết lập không gian công cộng đa năng; cải tạo lại chung cư cũ toàn diện, giãn dân khu phố cổ...
Trước các thách thức lớn nảy sinh do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Sắp tới, sẽ có chỉ đạo ở cấp cao hơn, đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từ nghị quyết này, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển đô thị, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho công tác này.
Về nhiệm vụ trước mắt, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái thông tin, Bộ và các địa phương sẽ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý quy hoạch và các hoạt động của đô thị dựa trên cơ sở dữ liệu thông minh; triển khai Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng đầy đủ cơ sở để giúp các đô thị có khả năng dự báo, nắm bắt thông tin cảnh báo sớm; đô thị được đầu tư hệ thống hạ tầng bảo đảm đủ khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai...
Nguồn Hà Nội Mới
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...