Hà Nội chính thức có phố Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/12/2021 | 3:30:48 Chiều

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh tại quận Cầu Giấy.

Sáng nay (10/12), với 100% đại biểu có mặt tán thành tại kỳ họp thứ ba, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội năm 2021.

Cụ thể: Hà Nội đặt tên đối với 38 đường, phố và điều chỉnh độ dài 9 đường, phố.

Trong số 38 đường, phố được đặt tên, có phố Xuân Quỳnh (quận Cầu Giấy) bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28 - phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m (lòng đường rộng 6m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m).

Phố Lưu Quang Vũ (quận Cầu Giấy) dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430m, rộng 17,5-26m (lòng đường 7,5-13m, vỉa hè mỗi bên từ 5 đến 6,5 m).

 
tm-img-alt

Hà Nội chính thức có phố Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra còn có các phố như Chế Lan Viên (quận Bắc Từ Liêm), Nguyễn Bá Khoản (quận Cầu Giấy), Thuận An (huyện Gia Lâm); đường Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín), Chùa Thầy (huyện Quốc Oai), Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…

Trước đó, thẩm tra tờ trình, Ban Pháp chế HĐND TP cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Đồng thời cho biết, sau khi được HĐND TP thông qua, đề nghị UBND TP chỉ đạo công tác gắn biển tên, đánh số nhà đối với các đường, phố mới được đặt tên, đổi tên theo đúng quy định.

 

Ngoài ra, chỉ đạo Sở VH&TT nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP, trong đó lưu ý phương án đặt tên các tuyến đường, phố theo xu hướng hiện đại (theo ký tự, số), nhất là tại các khu vực đô thị mới phát triển. Tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm việc tự ý gắn biển tên đường, phố trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Được biết, ngoài Hà Nội, ở TP.Quy Nhơn - Bình Định và TP.Đà Nẵng cũng đã có hai con đường mang tên "Lưu Quang Vũ". Tại TP.HCM cũng có một con đường nội khu của một khu đô thị mang tên "Xuân Quỳnh".

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) được xem là một tài năng lớn của văn chương và sân khấu Việt Nam. Ông là tác giả của 50 vở kịch từng được nhiều đoàn kịch, nhà hát xây dựng thành những vở diễn nổi tiếng, tầm cỡ… Một số vở kịch trở thành mẫu mực của sân khấu Việt Nam như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita…

 

Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, nay là quận Hà Đông, Hà Nội. Bà là một trong những gương mặt thơ nữ xuất sắc của văn đàn thế kỷ 20, nổi tiếng với nhiều tác phẩm như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa...

Năm 2017, bà được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ông là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh. Khoảng năm 1954, gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội.

Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của Lưu Quang Vũ gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita...Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh kết hôn năm 1973. Ngày 29/8/1988, hai vợ chồng và con Lưu Quỳnh Thơ qua đời trong một tai nạn ô tô tại đầu cầu Phú Lương, Hải Dương.

Tuệ Nhi (T/h)

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...