Báo chí thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo đồng thuận
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/12/2021 | 2:54:59 Chiều
Năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội.
Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Điểm cầu Trung ương được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội và các điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố…
Diễn đàn tin cậy của nhân dân
Báo cáo tóm tắt công tác báo chí năm 2021, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày cho biết tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.
Năm 2021, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng đảng, đối ngoại, văn hóa; các ngày lễ, kỷ niệm…
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19; chú trọng nhiều hơn đến tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm; quan tâm hơn đến nhu cầu thông tin, giải trí, đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú. Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài đã tăng lên đáng kể, nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận.
Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí; việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá, lượng hóa xu hướng thông tin, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông.
Kịp thời ban hành các đề án, kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị, hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước; chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin cho báo chí định hướng dư luận đối với những vấn đề dư luận quan tâm; bám sát cơ sở để nắm bắt, phối hợp chỉ đạo định hướng thông tin trên báo chí, nhất là đối với công tác tuyên truyền, phòng chống dịch COVID-19.
Năm 2021, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả giao ban công tác báo chí bằng hình thức trực tiếp, kết hợp linh hoạt với trực tuyến. Cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện; tạo điều kiện để báo chí, truyền thông phát triển "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên được tăng cường; xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng "báo hóa” tạp chí điện tử; chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết năm 2021 đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền gần 781 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền trên 467,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với một cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của ba trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Trong năm 2021, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, vào doanh thu quảng cáo. Nhận thức về chuyển đổi số báo chí đã chuyển biến rõ rệt, thể hiện bằng việc ban hành các kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số.
Chỉ rõ những tồn tại
Về những hạn chế thiếu sót, báo cáo chỉ rõ trong một số trường hợp khi xảy ra các vấn đề "nóng” được xã hội quan tâm, diễn biến nhanh, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc cung cấp thông tin cho báo chí còn lúng túng, chưa kịp thời, thiếu thống nhất gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí.
Việc xử lý tình trạng "báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc Hội đã đạt được kết quả cụ thể nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và báo giới.
Một số hội nhà báo các cấp chưa thực sự chủ động trong việc đưa ra những phán quyết về chuyên môn nghiệp vụ và xử lý kỷ luật hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, do đó chưa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa, cảnh tỉnh những trường hợp vi phạm.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản trong công tác báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời. Một số cơ quan báo chí có những vi phạm nghiêm trọng, đã được nhắc nhở, phê bình, đề nghị cơ quan chủ quản làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan nhưng cơ quan chủ quản thiếu quyết liệt chấn chỉnh, xử lý kỷ luật hoặc xử lý không nghiêm.
Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chưa làm tốt công tác tư tưởng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp trong cơ quan báo chí; vẫn để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; không kiểm tra, giám sát sinh hoạt Đảng, cá biệt có cơ quan chủ quản can thiệp trái quy định vào hoạt động của cơ quan báo chí...
Thông tin trên báo chí có thời điểm, có nội dung chưa bao quát, toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội, nhất là đối với một số tạp chí thuộc các hội, viện, còn nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; việc giật "tít” phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến. Một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; còn chạy theo mạng xã hội ở một số vụ việc cụ thể.
Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ, mục đích; xử lý tình trạng "báo hóa” tạp chí điện tử không đều, thiếu liên tục và bền vững gây dư luận xấu trong xã hội. Vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận...
Thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng
Năm 2022, đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả.
Cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội đổi mới công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo đảm có sự tham gia và phối hợp tích cực, chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng và báo chí; chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần của Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/5/2021.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và hệ thống báo chí để rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện những vấn đề phát sinh, những nội dung không còn phù hợp trong các quy định của Đảng, Nhà nước về báo chí để sửa đổi, bổ sung; chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; đổi mới, tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo, kho ứng dụng, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới; phát triển mạng xã hội trong nước, lành mạnh, định danh được người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài.
Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp người làm báo; thường xuyên quán triệt, kiểm tra, giám sát để người làm báo cả nước thực hiện tốt các quy định về đạo đức người làm báo, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người làm báo, đồng thời cũng xử lý nghiêm minh những hội viên vi phạm quy định, quy tắc, vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, quan tâm và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí; quan tâm, tạo cơ chế để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm.
Các cơ quan báo chí tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo; tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo;
Tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo. Đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội./.
Nguồn TTXVN
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...