Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/12/2021 | 10:59:23 Sáng

Đó là chủ đề cuộc hội thảo do Bộ Xây Dựng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây Dựng Việt Nam đồng chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 31.12 tới tại Hà Nội.

Theo đó, hội thảo sẽ tập trung nêu rõ thực trạng quá trình quy hoạch, đầu tư và phát triển khu công nghiệp gắn với quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội của khu vực, của địa phương; thực trạng về công tác quản lý, tổ chức đời sống tinh thần, vật chất của công nhân tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang lan rộng, tác động mạnh mẽ đến đời sống của những người công nhân.

Đồng thời các chuyên gia cũng sẽ giới thiệu một số mô hình quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp gắn với quản lý, tổ chức đời sống công nhân của các nước trên thế giới, đề xuất một số giải pháp quy hoạch phát triển công nghiệp, gắn với đô thị công nghiệp và quản lý, tổ chức đời sống của công nhân.

Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân
Người dân từ TP.HCM, Bình Dương được cảnh sát giao thông dẫn đường qua Bình Phước về Tây Nguyên, nhằm hạn chế tối đa việc dừng đỗ dọc đường. Ảnh: Minh Hiếu

Hội thảo "Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” được tổ chức trong bối cảnh mặc dù nhà nước đã có hàng loạt cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 9.2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020).

Đặc biệt đại dịch COVID-19 trong lần bùng phát thứ 4 đã tấn công mạnh mẽ vào các vùng kinh tế, thành phố trọng điểm công nghiệp của đất nước làm hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.

 

Hình ảnh hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ phải tháo chạy khỏi các khu công nghiệp để trở về quê, hoặc buộc phải ở trong các túp lều " thời chiến” để thực hiện "3 tại chỗ” cho thấy những bất cập và tồn tại trong chính sách và thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp liên quan đến đảm bảo đời sống công nhân, và xa hơn nữa là việc giải bài toán đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển công nghiệp và đô thị, giữa phát triển kinh tế và đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân
Nhiều gia đình công nhân đã sinh sống nhiều năm tại các khu công nghiệp nhưng vẫn thiếu các điều kiện sống thiết yếu để tin cậy gắn bó, trụ lại. Ảnh: Quỳnh Danh

Liên quan đến chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, từ số báo ngày 9.8 đến nay, Người Đô Thị đã có loạt bài nhận diện đại dịch COVID-19 khốc liệt đã và đang xuất lộ, làm rõ nhiều hiện tượng xã hội rất lớn, mà làn sóng công nhân "rút chạy khỏi vùng dịch tại các khu công nghiệp” cùng sự cư trú tạm bợ của gia đình họ thuộc số các sự kiện tiêu biểu.

Từ thực tế nóng bỏng bức thiết đó, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đã tập hợp nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực xã hội, kinh tế, quy hoạch đô thị… thảo luận chủ đề chung: "Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”, để nhận thức rõ hơn về thực trạng các không gian sản xuất công nghiệp đang bị chia cắt, những chốn định cư chất lượng rất kém của công nhân hiện nay, và bước đầu xác lập những quan điểm về hình thành các chính sách cho "mô hình đô thị công nghiệp”, nhằm khắc phục các nhược điểm nêu trên, góp phần xây dựng những không gian đô thị công nghiệp bền vững ở nước ta.

 

Trong bài viết "Đồng bộ quá trình phát triển khu công nghiệp và khu đô thị”, TS. Đặng Việt Dũng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho biết, theo kết quả khảo sát gần đây, đại đa số công nhân hoặc thuê nhà ở bên ngoài khu công nghiệp hoặc ở tại quê, chỉ có một số lượng rất ít được bổ trí ở theo mô hình nhà tập thể, nhà ở xã hội. Đã có hiện tượng cả một làng lân cận khu công nghiệp trở thành khu ở cho công nhân, biến làng quê nông nghiệp thành khu dân cư công nghiệp tự phát, làm biến đổi cấu trúc cảnh quan nông thôn.

Phần lớn các khu ở tự phát được đầu tư tối thiểu nhằm giảm giá cho thuê nên rất khó đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn, an ninh. Việc ở tự do, phân tán đã gây ra rất nhiều khó khăn về quản lý xã hội cho chính quyền địa phương do tính linh động, tạm thời của lực lượng lao động...

"Cần xây dựng cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu công nghiệp, các công trình hạ tầng kết nối, các công trình nhà ở, thiết chế văn hóa, phúc lợi cho người lao động, các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp.

 

Đồng thời với các chính sách đầu tư bắt buộc nhằm đồng bộ quá trình đầu tư, vừa khai thác hiệu quả yếu tố tạo thị của quá trình phát triển khu công nghiệp vừa đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân…”, TS. Dũng đề xuất.

Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân
Loạt bài viết của các chuyên gia về vấn đề đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhânđã đăng trên Người Đô Thị.

Ông Trần Trung Chính (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng) trong hai bài viết công phu: "Tìm đô thị công nghiệp trong cuộc công nghiệp hóa” và "Bao giờ công nhân thoát phận ngụ cư?” đã nhìn thấy cuộc di tản khổng lồ, đầy đau khổ của những người công nhân và gia đình họ ra khỏi TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ đang đặt ra nhiều câu hỏi cấp thiết.

Trong số các câu hỏi, là: Vì sao nhiều gia đình công nhân đã sinh sống nhiều năm tại các khu công nghiệp nhưng vẫn thiếu các điều kiện sống thiết yếu để tin cậy gắn bó, trụ lại với nó? Tại sao trong số hơn 850 các loại đô thị được xếp hạng hiện nay cùng nhiều khu đô thị mới bỏ hoang, lại vắng bóng loại đô thị công nghiệp, khu đô thị công nghiệp, và đa số công nhân vẫn ở trọ trong nhà nông dân?…

"Nếu công nhân được ở gần nơi làm việc, trong các khu định cư tốt (theo mô hình đô thị công nghiệp), thì cả ba chủ thể tạo nền công nghiệp hóa đều có lợi: 1. Chính quyền nơi cho thuê/bán đất được thu các loại thuế, mà tránh phải quản lý "xã hội công nhân” đông gấp bội dân số địa phương. 2. Giới chủ thu được nhiều tư bản hơn từ các lợi ích rút ngắn cự ly, thời gian di chuyển của người lao động và tránh được các rủi ro. 3. Cuộc sống của công nhân chắc chắn được cải thiện nhiều mặt, họ "an cư lạc nghiệp” thì đồng thời xã hội cũng hưởng lợi ích...”, ông Chính nhận định.

TS. Nguyễn Minh Hòa (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM) trong bài viết: "Sau đại dịch COVID-19: Nhìn nhận lại về lao động nhập cư” cũng đã cho rằng các thành phố lớn nơi tiếp nhận nhiều lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… phải thực hiện cho được ba chính sách lớn: Thứ nhất là nhà ở. Thứ hai là đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội ngang bằng người dân có hộ khẩu thường trú. Thứ ba là phải cải tiến chế độ tiền lương, thu nhập.

"Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất, là những người có trách nhiệm cần nhìn nhận lại giá trị của lực lượng lao động nhập cư một cách nghiêm túc và sáng rõ hơn. Họ không phải là bộ phận gắn tạm lỏng lẻo (luôn trong tình trạng bị thay thế), là công dân hạng hai, mà thực sự là bộ phận quan trọng đóng vai trò quyết định của nền kinh tế dựa trên công nghiệp hóa và dịch vụ”, TS. Hòa nhấn mạnh.

Hội thảo "Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” có sự tham gia của  nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, kinh tế, xã hội... đến từ các Ban, Bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia quốc tế.

Thời gian : 8h-11h30 thứ sáu ngày 31.12.2021

Hình thức: - Trực tiếp tại Công ty CP Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng – CONICO ( Địa chỉ:  số  4A Tôn Thất Tùng, Đống Đa , Hà Nội).

- Trực tuyến trên nền Polycom: https://join.vnmeeting.com/orY7d6r227

Trân trọng kính mời các tổ chức, cá nhân, các phóng viên báo chí tham dự  và dành sự quan tâm cho hội thảo.


Nguồn Người Đô Thị

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...