Quản lý vỉa hè: vì sao vẫn rối?

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/1/2022 | 3:10:17 Chiều

Để quản lý hè phố tốt thì phải có phương thức quản lý đúng và tổ chức quản lý phù hợp. Nhiều thất bại trong quản lý hè phố chỉ là do không tôn trọng các quy tắc này.

LTS: Trả lời các cơ quan báo chí ngày 31.12.2021 UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra văn bản số 2004/UBND-VP về "Thông tin sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh phục vụ du lịch” làm rõ một số chi tiết nội dung sử dụng tạm vỉa hè nhằm "tiếp nhận các ý kiến các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các sở ngành thành phố để hoàn thiện Đề án”.

Do vỉa hè thuộc loại không gian công cộng có tổng diện tích lớn nhất của bất cứ đô thị nào và cũng là nơi dễ xảy ra những xung đột kinh tế, xã hội nhất nên việc đưa vỉa hè vào diện "không gian kinh doanh được bảo hộ” đã và sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau. Người Đô Thị đăng tải một số bài, ý kiến về vấn đề này, trước hết từ góc nhìn của các chuyên gia.

TS Phạm Sỹ Liêm (nguyên Phó chủ tịch Tổng hội Xây Dựng Việt Nam, nguyên Viện trưởng,Viện Kinh tế xây dựng và đô thị) sinh thờilà người có nhiều công hiến trong lĩnh vực nghiên cứu quản lý đô thị. Bài viết dưới đây của ông tham dự tọa đàm "Xây dựng tuyến vỉa hè mẫu cho Thủ đô” (6.2016) thể hiện quan điểm khoa học, minh bạch về một loại không gian công cộng phức tạp nhất ở đô thị, có thể là cơ sở cho các thảo luận về vỉa hè.

* * *

 

Bài 1: Thế nào là hè phố đúng nghĩa?

"Hè phố” là cách gọi tắt "vỉa hè của đường phố”.

Vỉa hè nói chung chỉ có chức năng tách lối đi của người đi bộ khỏi lối đi của xe cộ, từ xe đạp, xe bò đến xe cơ giới, để giao thông trên lòng đường được thuận lợi hơn, an toàn hơn.

 

Vỉa hè làm chức năng như vậy khi ở bên cạnh mọi tuyến đường bộ, thế nhưng khi nó ở bên cạnh tuyến đường đô thị, kẹp giữa lòng đường và hai dãy nhà chạy dọc hai bên đường để hình thành đường phố (streets) thì gọi là "hè phố”. Lúc này nó có thêm nhiều chức năng khác ngoài chức năng cơ bản nói trên.

Nói chung, hè phố có bốn chức năng cơ bản sau đây: Làm lối đi riêng cho người đi bộ; Chứa đựng hạ tầng ngầm đô thị (cấp thoát nước, điện,cáp quang v.v.), kể cả kết nối hạ tầng với các ngôi nhà dọc phố, cột chiếu sáng hè đường, cây xanh; Lối ra vào các ngôi nhà, cửa hàng dọc phố; Không gian công cộng đô thị.

Ngoài ra, tại một số nơi, hè phố còn có thêm một chức năng phụ là làm không gian hoạt động của nền kinh tế không chính thức.

 

Sau đây lần lượt thảo luận về từng chức năng của hè phố.

Làm lối đi riêng cho người đi bộ

Tiêu chuẩn thiết kế hè phố được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị QCVN 07: 2010/BXD. Chiều rộng tối thiểu của hè phố như sau:

Quản lý vỉa hè: vì sao vẫn rối?

Để phân cách rõ hè phố với mặt đường, hè phố phải cao hơn mặt đường. Hè phố phải đánh độ dốc từ mép nhà tới mép đường để thoát nước mưa. Đỉnh bó vỉa phải cao hơn mép phần đường xe chạy ít nhất là 12,5 cm, tại các lối rẽ vào khu nhà ở phải cao 5-8cm và dùng bó vỉa dạng vát. Bề rộng một hè phố phải thống nhất, mép hè phố sát nhà phải thẳng chứ không được thòi ra thụt vào tùy tiện.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, mặt hè phố cần được lát rất phẳng bằng các vật liệu chịu nước có độ chống mài mòn cao và độ nhám chống trơn trượt. Dọc hè phố có lối đi lát gạch đặc thù có khía để người mù có thể dò đường bằng gậy. Bó vỉa tại một số lối đi cần rất vát để tiện xe lăn người tàn tật lên xuống.

Trên các tuyến đường cấp đô thị, thường bố trí cầu vượt hoặc hầm đi bộ để người đi bộ có thể sang đường an toàn. Nên đặt thêm quầy bán hàng dọc hầm đi bộ và nhà vệ sinh công cộng hai đầu hầm. Như vậy việc mua bán vẫn có thể diễn ra khi thời tiết xấu, còn tình trạng vệ sinh, chiếu sáng và an ninh công cộng của hầm thì được đảm bảo suốt ngày đêm.

Quản lý vỉa hè: vì sao vẫn rối?
Vỉa hè phố Hai Bà Trưng. Ảnh: VOV

Chứa đựng hạ tầng đô thị

Khi dưới nền đường không có tuy nen và hào kỹ thuật thì không gian ngầm dưới hè phố là nơi chứa đựng nhiều hạ tầng theo tuyến như đường điện, đường cáp quang, đường ống cấp nước, cống thoát nước, để việc lắp đặt và sửa chữa ít ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Cơ quan quản lý hè đường cần có bản đồ (số hóa) đầy đủ về hệ thống ngầm đó để phục vụ việc cho phép đào bới hè đường khi cần thiết.

Hè phố còn là nơi đặt các cột điện chiếu sáng công cộng và trồng cây xanh. Cần chú ý khả năng rễ cây làm hỏng hạ tầng ngầm.

Lối ra vào các ngôi nhà và cửa hàng dọc phố

Hè phố là không gian đệm giữa nền đường và các ngôi nhà và cửa hàng dọc phố, bảo đảm an toàn cho việc ra vào các nơi này. Tại những công trình có nhiều người ra vào như nhà cao tầng, trường học v.v. thì không gian đệm này cần được mở rộng đến mức cần thiết, tức là chỉ giới xây dựng phải lùi vào so với lộ giới.

Khi hè phố thực hiện chức năng lối ra vào thì nảy sinh vấn đề chỗ đỗ các loại xe đạp, xe máy trên hè phố. Nếu trong phạm vi khoảng 5 phút đi bộ gần đó không có chỗ gửi xe thì việc cho phép xe đỗ trên hè phố là cần thiết, vấn đề là phải bố trí việc đỗ tạm đó như thế nào cho có trật tự, không cản trở việc đi lại của người đi bộ. Tôi nghĩ Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của các thành phố Đài Loan: cách mép đường một đoạn bằng chiều dài của xe người ta đặt một thanh sắt dọc phố cách mặt đất khoảng 30cm để ngăn xe không được vào sâu hơn, mỗi xe có một ô đỗ riêng.

Quản lý vỉa hè: vì sao vẫn rối?
Vỉa hè phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Trần Vũ

Không gian công cộng đô thị

Hè phố là nơi mọi người có thể lui tới, nhìn ngắm người qua lại, hẹn hò gặp gỡ nhau hoặc đi lại tản bộ trò chuyện, tóm lại là không gian công cộng đô thị rất có giá trị, giúp người dân đô thị tăng "cảm nhận cộng đồng”, "cảm nhận quy thuộc” khách vãng lai có được "cảm nhận nơi chốn”. Tư duy của các nhà quy hoạch theo trường phái của Le Corbusier trong thế kỷ trước rất bài xích đường phố (bao gồm cả hè phố), loại bỏ đường phố ra khỏi giáo trình quy hoạch. Đấy là một sai lầm lớn bị nhiều chuyên gia đô thị học phê phán gay gắt. Tư duy này thông qua lý luận quy hoạch Xô Viết đã có ảnh hưởng lớn đến quy hoạch đô thị Việt Nam, ngay cả trong thời điểm hiện tại.

Mong đường phố nước ta sớm trở thành đối tượng của thiết kế đô thị. Ở một nước nhiệt đới như nước ta, các nhà dọc phố cần có mái hiên để che mưa nắng cho người đi bộ và thuận lợi cho kinh doanh của các cửa hàng khi thời tiết xấu. Việc thống nhất độ cao và chiều rộng mái hiên để đảm bảo mỹ quan đô thị chắc còn quan trọng hơn việc thống nhất biển hiệu cửa hàng như đã làm trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.

Là không gian công cộng, dọc phố cần bố trí nhà vệ sinh công cộng ở nơi thích hợp và đặt các thùng đựng rác. Ở những nơi thuận tiện có thể đặt thêm ghế cho người già hay trẻ nhỏ nghỉ chân. Để tăng tính hấp dẫn cho hè phố, ở những nơi đông khách du lịch có thể bố trí một số công trình nghệ thuật đường phố như graffiti, ghép gốm, điêu khắc v.v.

Để khách hàng được tiếp xúc với môi trường đường phố, một số nước cho phép cửa hàng cà phê, giải khát được mở rộng không gian phục vụ ra cả một phần vỉa hè.

Không gian hoạt động của nền kinh tế không chính thức trong đô thị

Tại nước đang phát triển như nước ta, nền kinh tế không chính thức khá mạnh, có chuyên gia nghiên cứu cho biết là cung cấp đến một nửa số việc làm trong đô thị, nhất là cho những người nhập cư từ nông thôn ra, dưới dạng bán hàng rong, xe ôm, giúp việc nhà, bốc vác, xây dựng v.v. Nhiều hoạt động kinh tế không chính thức như vậy cần có không gian thuận tiện và rẻ tiền, đó là hè phố. Hiển nhiên các hoạt động này đem lại tình trạng mất trật tự và xả rác hè phố, thế nhưng cấm đoán hoàn toàn là rất khó, vì là đó nhu cầu kiếm sống của những người này. Vậy cách tốt nhất là chỉ cho bán ở đâu, vào giờ giấc nào mà thôi, và người bán phải đem theo giỏ đựng rác từ hàng hóa của mình.

Quản lý vỉa hè: vì sao vẫn rối?
Tình trạng vỉa hè phố Ngô Quyền trông không kém vỉa hè 5 tuyến được cấp phép kinh doanh. Ảnh: Trần Vũ

Quản lý hè phố

Quản lý hè phố bao gồm quản lý cơ sở vật chất của hè phố, kể cả hạ tầng ngầm, và quản lý các hoạt động trên hè phố.

Ngành xây dựng Trung Quốc đúc kết được quy tắc vàng: "Ba phần xây dựng, bảy phần quản lý”. Thực vậy, công trình xây dựng ra mà không bỏ nhiều công sức tiền của để quản lý thì hiệu quả, tính năng kỹ thuật, và tuổi thọ kinh tế sẽ rất kém cỏi. Thế nhưng tình hình ở nước ta hình như ngược lại, "bảy phần xây dựng, ba phần quản lý”, đó là vì chính quyền chỉ coi trọng thành tích xây dựng, xem đó là "chính tích” của nhiệm kỳ, còn quản lý là công việc thầm lặng, thành tích ít ai biết đến.

Để quản lý hè phố tốt thì phải có phương thức quản lý đúng và tổ chức quản lý phù hợp. Về phương thức quản lý, có hai quy tắc rất quan trọng sau đây: thứ nhất là quy tắc 3i, gồm information (thông tin), incentive (khuyến khích) và interdiction (cấm đoán), cứ theo trật tự đó mà làm việc; còn thứ hai là "chỉ tiến hành cấm đoán khi chi phí cho việc cấm đoán thấp hơn lợi ích mà việc cấm đoán đó đem lại”. Nhiều thất bại trong quản lý hè phố chỉ là do không tôn trọng các quy tắc này.

Tổ chức quản lý hè phố cần coi trọng nguyên tắc tổng hợp (comprehensive), vì bản thân hè phố chính là một công trình tổng hợp, nếu không có một vị "tổng quản” thì sẽ nảy sinh hiện tượng chồng chéo, cản trở nhau. Hiển nhiên phần hạ tầng do ai đầu tư thì bên đó phải quản lý và bảo trì sửa chữa, còn trật tự vệ sinh trên hè phố thì phải do chính quyền và công an sở tại (phường) quản lý.

Vậy ai là "tổng quản” để điều phối mọi hoạt động đó lại? Đây là vấn đề rất khó, chúng ta cùng suy nghĩ tìm giải pháp. Có thể áp dụng giải pháp "kỹ sư trưởng thành phố” do một phó giám đốc Sở Xây dựng đảm nhiệm chăng?

Quản lý vỉa hè: vì sao vẫn rối?

UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH Bất động sản Mặt trời Thủ đô, Công ty CP Prodigi Pacific Việt Nam và Công ty CP tư vấn đầu tư Tài chính Toàn cầu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh.

Vị trí sử dụng, hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của toà nhà kết nối với không gian tầng 1. Thời gian cấp phép 6 tháng/ lần, sử dụng tạm thời hè phố với 45.000 đồng/m2/tháng.

___________________

Sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh, gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu.

Thời gian hoạt động từ 6h hôm trước đến 2h sáng hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6h đến 22h.

Cố TS Phạm Sỹ Liêm

Nguồn Người Đô Thị

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...