Ngày 17/1, tại thành phố Đồng Hới, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án “Nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường cho phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành”.
Các đơn vị liên quan ký biên bản thỏa thuận hợp tác. Ảnh:TTXVN
Dự án có tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng do Liên minh châu Âu tài trợ, được triển khai trên địa bàn 2 xã Trường Xuân và Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong thời gian 12 tháng.
Theo khảo sát từ đơn vị chức năng, xã Vạn Ninh và xã Trường Xuân đang bị ô nhiễm không khí và tiếng ồn nghiêm trọng từ hoạt động khai thác của các mỏ đá và nhà máy sản xuất xi măng đóng trên địa bàn. Riêng tại xã Trường Xuân, trong bán kính chưa đến 10 km có tới 4 mỏ đá được cấp phép hoạt động (Khe Ngang, thôn Rào Trù và thôn Rào Đá). Cứ năm đến bảy ngày có một lượt nổ mìn, mỗi lần từ một đến hai tạ thuốc nổ và mỗi ngày có khoảng 500 lượt xe ô tô chở vật liệu chạy qua. Tại xã Vạn Ninh, có 3 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có 2 nhà máy xi măng công suất 300.000 tấn/năm nằm cạnh khu vực sinh sống của các hộ dân, nơi gần nhất chỉ cách bức tường rào và nơi xa nhất chỉ cách hơn 200m.
Từ thực tế đó, dự án sẽ tập trung vào hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý ban đầu cho người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn được hưởng lợi thông qua các hoạt động tập huấn truyền thông nâng cao kiến thức pháp luật giúp cho người dân hiểu về quyền và cách thức thực hiện quyền của công dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ đó thay đổi hành vi bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ dự án sẽ tổ chức các hội thi, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ để người dân trực tiếp tham gia ý kiến, nói lên tiếng nói phản ánh tình hình thực trạng và đề xuất những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường được hiệu quả.
Dự kiến sau khi triển khai dự án sẽ có ít nhất 1.500 người dân được nâng cao nhận thức, trong đó có 200 người dân tộc thiểu số, 200 người nghèo và cận nghèo; 50 người được tư vấn pháp luật; 10 người được hỗ trợ pháp lý và 2 người được đại diện bào chữa trước toà (nếu có). Các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí và tiếng ồn cũng như việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản pháp luật liên quan được theo dõi và giám sát chặt chẽ. Qua đó, đề xuất tham gia góp ý chính sách thực hiện văn bản dưới luật đến cơ quan chức năng về xây dựng quy trình phê duyệt các dự án trên địa bàn phải có bước lấy ý kiến của cộng đồng tại địa bàn, trong đó có phụ nữ được tham gia và có ý kiến…
Tính sáng tạo của dự án được thể hiện ở việc lồng ghép truyền thông nâng cao năng lực kết hợp tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý dựa vào các tổ chức cộng đồng, nhà trường, liên kết với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước của Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ nhằm đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn trong thời gian qua. Mặt khác, lồng ghép việc truyền thông gắn liền với việc áp dựng những mô hình, cách làm hay đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức thí điểm thành công và áp dụng trên địa bàn dự án nhằm chuyển đổi hành vi, hướng đến những việc làm cụ thể thiết thực để bảo vệ môi trường.
Tùng Lâm (T/H)
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...