Hơn 75% học sinh của cả nước sẽ được quay lại trường sau Tết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/1/2022 | 4:45:16 Chiều

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết tất cả địa phương đã có kế hoạch đưa học sinh bậc trung học đến trường học trực tiếp chậm nhất là ngày 14/2.

Tại cuộc họp về phòng, chống dịch dịp Tết Nhâm Dần sáng 27/1, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết tất cả địa phương đã có kế hoạch đưa học sinh bậc trung học đến trường học trực tiếp chậm nhất là ngày 14/2. Tuy nhiên, hiện mới 51% địa phương có kế hoạch với trẻ mầm non và 53% với cấp tiểu học. Ông Sơn đề nghị tập trung chuẩn bị cho các em trở lại trường, đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận cao nhất giữa nhà trường và phụ huynh, nhất là với bậc tiểu học và mầm non.

Theo Bộ GD-ĐT, tính đến 25/1/2022 cả nước có 14 tỉnh, thành phố cho học sinh trực tiếp đến trường; 30 tỉnh, thành dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình; 19 tỉnh, thành phố dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Tổng số học sinh được đến trường là hơn 15,6 triệu em, chiếm 69,3% học sinh cả nước.

Theo dự kiến, đến ngày 7/2/2022, tổng số học sinh được đến trường là hơn 17,1 triệu học sinh (75,71%). Trong đó, có 51 tỉnh, thành cho trẻ mầm non đến trường với hơn 3,7 triệu em; 53 địa phương cho học sinh tiểu học đến trường với hơn 6,2 triệu học sinh. Ở khối THCS, có 57/63 tỉnh, thành cho học sinh đến trường với hơn 4,45 triệu em (78%). Còn với khối THPT, toàn bộ tỉnh, thành phố đã cho học sinh đến trường.

Riêng khối Đại học, Cao đẳng, theo Bộ GD-ĐT, khoảng 91 trường có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.

 
tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Để hướng dẫn việc cho học sinh trở lại trường, ngày 27/1/2022, Bộ GD-ĐT đã ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Tổ chức Y tế thế giới.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc mở cửa trường học, trong đó, căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2/2022.

Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục về phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.

 

Chỉ đạo các địa phương (cấp huyện, cấp xã) hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy và học phù hợp đối với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ,...).

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường. Tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; tiếp tục triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết thúc năm học phù hợp.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến với các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, y tế về phương án đưa trẻ trở lại trường, và nhận được các ý kiến đồng thuận, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực về tâm sinh lý khi trẻ ở nhà quá lâu. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai kế hoạch đưa trẻ trở lại trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch đang được kiểm soát tốt trên toàn quốc, số ca nhiễm khoảng 15.000 mỗi ngày, nhưng số ca chuyển nặng và tử vong giảm rất sâu. Diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp ở một số nước trên thế giới, do chủng Omicron lây lan nhanh gấp 7 lần so với chủng Delta.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Sơn, hiện Việt Nam đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn như: Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới, tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp, kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức của người dân được nâng cao, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết) và tăng cường tiếp cận vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Các địa phương cho biết sẽ giảm quy mô hoặc tạm dừng nhiều sự kiện dịp Tết, không bắn pháo hoa. Đặc biệt, từ 29/1 đến hết 28/2, chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định được thực hiện trên toàn quốc.

Thanh Mai (T/h)


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam


  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...