Di chuyển các phương tiện trên Hồ Tây về Đầm Bẩy trước 10/3
- Cập nhật: Thứ bảy, 4/3/2017 | 8:46:35 Sáng
Ngày 3/3, nguồn tin từ Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ cho biết hiện các lực lượng chức năng liên quan đã hoàn thành việc tháo dỡ các bến nổi, nhà chờ, phá dỡ toàn bộ các cầu dẫn, sàn cứng tại khu vực từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi (Thụy Khuê, Tây Hồ).
Lượng chức năng tiến hành tháo dỡ bến nổi, nhà chờ khu vực từ số 2 phố Nguyễn Đình Thi. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)
Từ nay đến trước ngày 10/3, sẽ di chuyển toàn bộ các phương tiện thủy nội địa, các phương tiện nổi tạm thời về khu vực tập kết tại khu vực Đầm Bẩy (Nhật Tân), theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh tại khu vực này, Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ cũng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân phường Thụy Khuê, Nhật Tân, Quảng An, Yên Phụ, Xuân La chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Hồ Tây và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để các bến thủy nội địa tiếp tục hoạt động và xử lý vi phạm, đề xuất xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Điện lực Tây Hồ, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Ba Đình thường xuyên kiểm tra các dịch vụ cấp điện, cấp nước cho hoạt động bến thủy nội địa.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 3/3, tại khu vực từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi, các nhà thuyền đã dừng kinh doanh và hầu hết cầu dẫn, sàn nổi đều đã được tháo dỡ. Tuy nhiên, sau tháo dỡ mặt nước khu vực này khá bẩn, nhiều rác nổi bồng bềnh kết thành mảng trên mặt nước, thậm chí có nơi nồng nặc mùi hôi thối. Đặc biệt hơn, khung sắt rỉ sét, gỗ, biển quảng cáo... sau khi tháo dỡ đang chất chồng trên vỉa hè đoạn qua khu vực này, gây mất mỹ quan đô thị, nguy hiểm cho khách qua đường do phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị "chiếm" mất.
Trước đó, ngày 17/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng đã có công văn số 35/KH-UBND thông báo về việc tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây. Trong công văn cũng nêu rõ những vi phạm của các đơn vị kinh doanh tại khu vực bên thủy nội địa Hồ Tây.
Cụ thể, có sáu đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép đóng cọc cố định xuống lòng hồ không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận theo quy định và có đến 10 đơn vị hoạt động bến thủy nội địa, sử dụng phương tiện thủy, các công trình khác tham gia kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định.
Đáng chú ý, có bốn đơn vị đang tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa và công trình khác tham gia kinh doanh, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, văn hóa thể thao trên Hồ Tây. Tuy nhiên, các đơn vị này vẫn sử dụng mặt nước Hồ Tây để neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác. Tất cả những đơn vị này đều được lập hồ sơ để xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...