Đô thị di sản thích ứng với biến đổi khí hậu
- Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2022 | 2:26:36 Chiều
Với mô hình phát triển đô thị là “Tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan”, quy hoạch là một trong những công cụ căn bản để Thừa Thiên - Huế tổ chức quản lý hiệu quả và phát triển.
Thừa Thiên - Huế (Cố đô Huế khi xưa) là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử; nằm ở vị trí trung tâm của cả nước, trên trục giao thông chính Bắc Nam, tuyến hành lang Kinh tế Đông - Tây, là cực phát triển kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Là một trong những địa phương còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam; mang đậm đặc trưng của vùng văn hóa phương Đông. Đây chính là nguồn lực và tiềm năng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Về điều kiện tự nhiên, Huế xếp thứ 30 về với diện tích tự nhiên (5.033 km²), xếp thứ 36 về dân số (1,28 triệu người); Về đô thị tính đến 2021 có 14 đô thị: 01 đô thị loại I (TP Huế), 3 đô thị loại IV (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thị trấn Thuận An mở rộng) và 10 đô thị loại V; Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 54%; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, phân khu đạt 62,25%, chi tiết đạt 15,4%; quy hoạch xây dựng nông thôn mới 100%.
Với tiềm năng, vị thế đặc biệt, đặc thù và sự chuẩn bị các bước phát triển bền vững của Huế; trong thời gian rất ngắn gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Trung ương ghi nhận, dành sự quan tâm đặc biệt: Nghị quyết 54-NQ/ TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị đã tái khẳng định vị thế, vai trò của Huế trong tổng thể hệ thống đô thị quốc gia; đặt mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng "Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Ngày 26/11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành các Nghị quyết: số 35/2021/QH15, 36/2021/ QH15, 37/2021/QH15, 38/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Trong đó, tại Nghị quyết số 38/2021/QH15, Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý. Nghị quyết đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh Thừa Thiên - Huế, tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trong quá trình phát triển đô thị.
Xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hết sức quan tâm đến công tác quy hoạch nhằm định hướng phát triển một cách bền vững, lựa chọn "tăng trưởng xanh, phát triển bền vững” thay vì mục tiêu phát triển "nóng”. Điều này được đánh giá là hết sức phù hợp với đặc thù đô thị di sản, cảnh quan, sinh thái của Huế, đồng thời cũng là nền tảng để tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai các giải pháp phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Các giải pháp từ quy hoạch để phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế
Năm 2012, với định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch và phê duyệt quy hoạch tổng thể (tại Quyết định số 123/ QĐ-UBND ngày 03/02/2012) với mô hình phát triển đô thị là "Tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan”.
Mô hình này được cấu thành bởi đô thị hạt nhân Huế (đô thị di sản) và các đô thị văn hóa, sinh thái cảnh quan, thân thiện môi trường được phát triển bền vững trong mối quan hệ gắn kết đô thị - nông thôn - thiên nhiên.
Về bản chất, đô thị Thừa Thiên - Huế sẽ được hình thành bởi nhiều đô thị quy mô vừa và nhỏ (bao gồm khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh như Chân Mây - Lăng Cô, Phong Điền, A Lưới...); phát triển đan xen giữa các đô thị là sự chuyển tiếp hài hòa giữa khu vực làng xóm và các vùng nông nghiệp, bảo tồn sinh thái, cảnh quan thiên nhiên...; được liên kết với nhau bằng mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.
Trong giai đoạn tiếp theo, mô hình này tiếp tục được khẳng định trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Huế với tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014, trong đó đô thị Huế dự kiến được mở rộng theo hướng hình thành cụm đô thị di sản gồm khu vực đô thị trung tâm và 4 đô thị phụ trợ (Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An và Bình Điền). Vùng lõi TP Huế hiện hữu được bao quanh bởi hệ thống vành đai xanh (trong đó, quản lý nghiêm ngặt các vườn sinh thái như là lá phổi xanh cho Đô thị: Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Vườn Quốc gia Bach Mã, Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai…); hạn chế phát triển đô thị lan tỏa một cách tự phát; dành nhiều không gian cho cộng đồng, công cộng; tăng cường chức năng phòng tránh lũ lụt.
Việc quản lý chặt chẽ, duy trì yếu tố vành đai xanh (không gian xanh) bao quanh các đô thị nói trên là giải pháp quyết định cho việc nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo không gian thoát lũ, khắc phục các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra tại khu vực miền Trung.
1. Các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập các đồ án quy hoạch từ cấp độ quy hoạch chung (tỷ lệ 1/25.000) đến quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) và quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) để tăng cường giải pháp quản lý đô thị, trong đó bổ sung các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị nền xây dựng Tận dụng đất hoang hoá, kém hiệu quả nông nghiệp, khai thác quỹ đất có điều kiện thuận lợi vùng gò đồi để xây dựng đô thị. Trường hợp phát triển đô thị lan tỏa, mở rộng về phía khu vực có cao độ xây dựng thấp thì phải đảm bảo các giải pháp chống ngập úng, thoát nước tự nhiên tốt.
Thứ hai, quy hoạch đúng hướng và xây dựng kịp thời, vận hành và kiểm soát tốt các công trình trị thuỷ (thuỷ lợi, thuỷ điện, ngăn ngừa, thoát lũ,…). Hoàn thiện xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi hồ đầu nguồn, đập dâng, hồ thuỷ điện, đê bao để chống lũ; đã phát huy hiệu quả, tác dụng, hạn chế thiệt hại về tài sản và con người (được kiểm chứng trong hơn 20 năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm soát và khống chế được các đợt mưa lũ với tần suất và cường độ mưa vượt mức lũ lịch sử 1999, gần nhất là việc kiểm soát đợt mưa lũ năm 2020).
Thứ ba, từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu, thoát do mưa lũ. Hiện nay TP Huế đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 dự án cải thiện môi trường nước, đảm bảo khả năng thoát nước cho khu vực phía Nam TP Huế và đang tiếp tục triển khai khu vực phía Bắc, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Các hệ thống này được tính toán đảm bảo lưu lượng thoát nước, sẵn sàng ứng phó với lượng mưa lớn cục bộ trong các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Thứ tư, các giải pháp kỹ thuật khác: Tăng cường quản lý và trồng rừng đầu nguồn tăng độ che phủ cho rừng phòng hộ để chống xói lở và lũ quét, cải tạo đất trống đồi núi trọc. Không xây dựng, xây dựng hạn chế hoặc xây dựng phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho dân cư và các công trình tại các khu vực cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các vùng gò đồi, vùng núi có độ dốc lớn.
Thường xuyên củng cố các đoạn đê biển, đồng thời chống bão biển, sóng biển làm xói lở các điểm dân cư ven biển, khẩn trương di dời dân cư tại các vùng xung yếu, nâng cao năng lực phòng chống với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt lưu ý đối với việc đầu tư hệ thống hạ tầng tại các khu vực ven biển có khả năng bị ngập do nước biển dâng, khi xây dựng cần nghiên cứu tính toán kỹ điều kiện biến đổi khí hậu để đưa ra giải pháp hợp lý hạn chế ngập lụt.
2. Quy hoạch sắp xếp, phân bố mật độ dân cư:
Đô thị hóa gắn liền với việc chuyển dịch cơ cấu dân số từ nông thôn ra thành thị. Trong bối cảnh diện tích đô thị hạn hẹp dẫn đến mật độ dân số quá cao sẽ tạo nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho tình hình an ninh trật tự, đặc biệt trong điều kiện diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trên nền tảng Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1264/NQ- UBTVQH14 ngày 27/4/2021 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế, hiệu lực từ 01/7/2021. Diện tích tự nhiên của TP Huế sau khi được mở rộng là 265,99 km2 (tăng 3,76 lần), dân số 652.572 người (tăng 1,8 lần), tuy nhiên mật độ dân số giảm từ 7.222 người/km2 xuống còn 2.453 người/km2. Đây là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành sắp xếp, phân bố lại dân cư theo hướng giãn dân tại các khu vực đô thị trung tâm, đẩy mạnh phát triển về các khu đô thị mới phía Đông Nam và phía Bắc vùng lõi hiện hữu.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bổ sung các quy định về giãn dân, quy định về hạn chế tách thửa (như tại khu vực Kinh thành Huế, khu vực trung tâm phía Nam TP Huế...), kiểm soát chặt chẽ mật độ xây dựng ở các khu vực được định hướng phát triển đô thị sinh thái, các khu vực thoát nước được quản lý nghiêm ngặt, giữ gìn cảnh quan khu vực sông, suối…
Ngoài việc đảm bảo đô thị phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, điều này góp phần không nhỏ trong kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid vừa qua, đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh thành dẫn đầu trong cả nước về số lượng ca dương tính cộng đồng thấp nhất.
3. Quy hoạch gắn liền với các giải pháp phục hồi kinh tế:
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế (Chân Mây - Lăng Cô), hạ tầng kho bãi, dịch vụ logistics, kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp năng lượng... Ngoài ra, đẩy mạnh quy hoạch để khai thác, phát triển kinh tế biển và hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, quy hoạch các vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
4. Quy hoạch gắn liền với các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai: Việc bảo tồn hệ thống sông, hành lang thoát lũ là yếu tố then chốt giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là đô thị Huế giảm thiểu rất nhiều tổn thương, thiệt hại do mưa lũ gây ra, trong đó có hệ thống sông Hương qua đô thị Huế, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được bảo tồn gần như nguyên vẹn; ngoài ra, các công trình trị thuỷ đầu nguồn (điểm hình là Hồ Tả Trạch) đã được tỉnh và Trung ương quan tâm từ rất sớm, các đây 15 năm (khởi công năm 2005) đến nay đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, tác dụng, đạt đa mục tiêu: chống lũ cho mùa mưa bão và giữ để cấp nước mùa khô.
5. Quy hoạch gắn liền với các giải pháp thích ứng phòng chống dịch bệnh:
Với tầm nhìn, mục tiêu chiến lược quy hoạch theo hướng phát triển xanh và bền vững; với đô thị, việc tạo ra vành đai xanh; quản lý nghiêm ngặt các vườn sinh thái; dành nhiều không gian cho cộng đồng, công cộng đã phát huy tác dụng, hiệu quả; bởi không gian đô thị thông thoáng, đảm bảo khoảng cách an toàn hơn, điều kiện để dịch được kiểm soát, khó lây lan hơn/các đô thị nén; được kiểm chứng 04 đợt vừa qua; Huế luôn giữ vững, duy trì chuổi hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, đảm bảo sức khoẻ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch là một trong những công cụ căn bản để tổ chức quản lý và phát triển. Tuy nhiên, quy hoạch chỉ được triển khai thực hiện có hiệu quả khi nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như cung cấp các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, từ đó nhận lấy lợi ích nhiều mặt về cải thiện môi trường sống, chính là nền tảng để hướng đến mô hình đô thị phát triển bền vững, sinh thái, nhân văn.
Nguồn tapchixaydung.vn
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...