Chuyện về một nữ lao công ở Sài Gòn
- Cập nhật: Thứ hai, 7/3/2022 | 11:09:26 Sáng
“Có những ngày được thương cho thùng mì, mình mừng lắm giấu trong góc nhỏ bên đường, gần xe rác. Nhưng lúc lấy rác xong, chuẩn bị về thì mới phát hiện bị ai đó lấy đi rồi. Buồn dữ lắm...”.
Đều đặn mỗi ngày, cứ khoảng 8 giờ sáng là người dân ở các con hẻm phường 2, quận 4 thấy vợ chồng chị Chương chia nhau đẩy xe đến từng nhà lấy rác.
Mùa dịch này biết nhiều hiểm nguy nhưng vợ chồng chị Chương chưa dám nghỉ ngày nào, bởi "Một phần là vì có làm thì mới có thu nhập lo cho con ăn học, trả tiền trọ. Một phần là mình mà không dọn rác ở các nhà F0, rác thải sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng”, chị Chương trải lòng.
Theo chân chị làm việc, nhìn cách chị thu gom rác, người viết không khỏi xúc động. Dù biết gia đình đó có người đang là F0, chị vẫn dọn vệ sinh, tuyệt nhiên không bỏ qua bất kỳ nhà nào. Nhà nào để rác vương vãi, tràn ra khỏi những túi ni-lông, chị dùng tay lùa vào, thu gom sạch sẽ.
Có một số túi rác nhà dân làm không kỹ, khẩu trang sử dụng rồi để chung vỏ chai nhựa và đủ thứ rác linh tinh khác, có cả miễng chai, chị Chương cũng dọn dẹp đàng hoàng. Sau đó chị lật đật xịt khử khuẩn lên tay và mớ rác vừa chất lên chiếc xe công cụ của mình. Chị nói: "Mình sợ, phải làm kỹ chút để bảo vệ mình, nhà còn con nhỏ nữa”.
Khi người viết gợi ý "sao chị không góp ý với các hộ dân”, chị thiệt đến thương: "Mình có nhắc, xin để khẩu trang xài rồi vào cái bao ni-lông, cột cẩn thận để mình gom cho an toàn. Nhưng có người mình dám nói, có người mình sợ họ la, không dám nói nên âm thầm làm”.
Chỉ tầm 30 phút vào hẻm, chị đẩy ra một xe rác nặng trịch, rác còn cao hơn người của chị. Mỗi lần nhìn chị đẩy xe rác từ trong hẻm đi ra, chị dùng hết sức kèm chiếc xe để không bị tuột dốc xuống những chỗ trũng, lồi lõm, người gác chốt phòng chống dịch ai cũng thương. Cũng có người xót cho chị: "Người thì nhỏ xíu, không biết lấy đâu ra sức mà đẩy cái xe to gấp ba, bốn lần thân mình như thế”.
Thương chị hiền lành và tỉ mỉ, nhiều hộ để dành cho chị thùng giấy và các thứ có thể bán ve chai, để chị kiếm thêm vài đồng lo cho con. Có người cho chị chai nước, vài cái bánh hay mớ trái cây, chị mừng lắm nhưng gói lại, không dám ăn để chiều về làm quà cho hai đứa con đang trông mong ở nhà.
Ước muốn giản dị của chị Chương cũng gắn liền với hai đứa trẻ: "Chỉ một mong ước duy nhất là cả nhà bình an trong dịch bệnh, đừng gặp rủi ro gì, để vợ chồng có sức khỏe lo cho các con”.
Hỏi ra mới biết, vợ chồng chị thu gom rác thải người dân trả tiền, mỗi hộ một tháng gửi bốn mươi ngàn đồng, ngoài ra chẳng nhận được tiền gì thêm. Bình quân một tháng vợ chồng chị kiếm được tầm 7 triệu đồng, nhưng số tiền đó chỉ đủ để trả tiền trọ và gói ghém cho con ăn học.
Chị kể nước mắt rưng rưng: "Có những ngày được thương cho thùng mì, mình mừng lắm giấu trong góc nhỏ bên đường, gần xe rác. Nhưng lúc lấy rác xong, chuẩn bị về thì mới phát hiện bị ai đó lấy đi rồi. Buồn dữ lắm...”.
"Cũng có những ngày được cho một phần đồ chay kho, có tàu hủ, rau củ quả kho chung. Mình cẩn thận đậy nắp lại để không bị vi khuẩn xâm nhập vào. Đến chiều về nhà, mở ra thì bị ôi thiu. Ba mẹ con nhìn nhau vừa tiếc, vừa thèm ...”, chị thiệt thà chia sẻ.
Khi người viết ngỏ ý tặng chị môt phần quà, được mạnh thường quân gửi gắm, trong đó có gạo, đầy đủ gia vị, có trái cây và có thịt. Chị nhận, cảm ơn và xin được nhanh chóng về nhà, nấu bữa cơm ngon nhất từ đầu mùa dịch đến nay cho các con. Lúc này, chị không đi, mà chạy, niềm vui đang dâng trào trong lòng chị.
Điều làm cho người viết bất ngờ, đó là sau bữa cơm cho con, tầm 7 giờ tối, chị Chương điện thoại khoe về bữa ngon của hai đứa nhỏ. Chị khoe "nhìn tụi nhỏ ăn thôi mà mình đã sung sướng ngập tràn, lâu lắm rồi mới có bữa cơm ngon như vậy". Chị vẫn không quên nói thêm một lần nữa lời cảm ơn đến những người thương đã cho mẹ con chị khoảnh khắc hạnh phúc, bữa cơm ấm lòng trong lúc khó khăn của dịch bệnh./.
Nguồn giacngo.vn
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...