Dấu hiệu tiền tiểu đường: Những biểu hiện dễ nhận biết
- Cập nhật: Thứ tư, 23/3/2022 | 11:24:11 Sáng
Tiền tiểu đường là dấu hiệu cảnh báo có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai gần. Nếu phát hiện sớm bị tiền tiểu đường thì có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách thay đổi lối sống.
Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu của bạn cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để được coi là bệnh tiểu đường.
Lượng đường trong máu của bạn có thể cao hơn bình thường vì bạn đã phát triển tình trạng kháng insulin.
Insulin là hormone cơ thể sản xuất để xử lý lượng đường trong máu, do đó nó có thể được các tế bào sử dụng để làm năng lượng.
Khi cơ thể trở nên đề kháng với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên.
Thông thường, tiền tiểu đường có thể được đảo ngược khi thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Nhưng các dấu hiệu của nó có thể tinh tế và không được chú ý, trừ phi bạn tỉnh táo theo dõi.
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất của tiền tiểu đường:
1. Lượng đường trong máu của bạn tăng cao
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, đây là mức đường huyết (được tính sau khi nhịn ăn) cho biết tiền tiểu đường hoặc tiểu đường:
Bình thường: Dưới 100 mg/dL
Tiền tiểu đường: 100 đến 125 mg/dL
Bệnh tiểu đường: Trên 126 mg/dL
Xét nghiệm máu A1C đo mức đường huyết trung bình của bạn trong 2 hoặc 3 tháng qua. A1C dưới 5,7% là bình thường. A1C từ 5,7 đến 6,4% cho thấy tiền tiểu đường và 6,5% hoặc cao hơn cho thấy bệnh tiểu đường.
Đường huyết của bạn cần được kiểm tra như lẽ tất yếu trong quá trình khám sức khỏe định kỳ.
Một phần vì tiền tiểu đường có thể có các triệu chứng tinh tế hoặc không có triệu chứng trong nhiều năm, người lớn nên kiểm tra bệnh tiểu đường thường xuyên.
2. Thấy điều này trên da
Những người bị tiền tiểu đường có thể phát triển các dấu hiệu nhận biết trên da của họ.
Theo Học viện Da liễu Mỹ, chúng bao gồm các mảng màu vàng, nâu hoặc hơi đỏ trên da có thể bắt đầu như những nốt sần nổi lên (bệnh hoại tử lipodica) hoặc một mảng da sẫm màu như nhung trên cổ, bẹn hoặc những nơi khác (acanthosis nigricans).
Bạn cũng có thể gặp phải các mảng da dày và cứng trên ngón tay hoặc ngón chân hoặc vết thương hoặc vết loét không lành.
3. Thay đổi ở mắt
Theo Phòng khám Cleveland, một số người bị tiền tiểu đường có thể phát triển các thay đổi về mắt có thể dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường.
Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu trong mắt hoặc làm phát triển các mạch máu mới, dẫn đến giảm thị lực. Nếu bạn nhận thấy tầm nhìn mờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa của bạn, theo Eat This, Not That!
4. Đi tiểu thường xuyên hoặc hay khát nước
Khát nước hơn bình thường hoặc đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, có thể là dấu hiệu của tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường.
Đó là do khi đường tích tụ trong máu, cơ thể sẽ cố gắng đào thải nó ra ngoài bằng cách tăng sản xuất nước tiểu.
Khi ra khỏi cơ thể, đường sẽ kéo chất lỏng từ các mô khác, điều này có thể khiến bạn mất nước và khát.
5. Mệt mỏi
Những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường có thể thấy mình mệt mỏi hơn bình thường. Đó là do các điều kiện ngăn cản các tế bào của cơ thể sử dụng lượng đường trong máu để cung cấp năng lượng, điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
"Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng về bệnh tiểu đường hoặc nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh tiểu đường loại 2. Hãy hỏi bác sĩ về việc kiểm tra lượng đường trong máu nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của bệnh tiểu đường", Mayo Clinic cho biết.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện dấu hiệu tiền tiểu đường
Yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tiền tiểu đường tương tự như của bệnh tiểu đường tuýp 2, bao gồm:
Cân nặng: Thừa cân là nguy cơ chính đối với bệnh tiền tiểu đường. Bạn càng có nhiều mô mỡ (đặc biệt bên trong và giữa các cơ bắp và da xung quanh vùng bụng) thì các tế bào càng trở nên kháng insulin hơn.
Kích thước vòng eo: Vòng eo lớn có thể biểu lộ sự đề kháng insulin. Nguy cơ bị bệnh sẽ tăng lên đối với nam giới có vòng eo lớn hơn 40 inch (102 cm) và phụ nữ có vòng eo lớn hơn 35 inch (89 cm).
Lối sống ít vận động: Bạn càng ít hoạt động, nguy cơ bị tiền tiểu đường sẽ càng cao. Hoạt động thể chất giúp bạn kiểm soát cân nặng, sử dụng bớt lượng đường trong máu để tạo thành năng lượng và làm cho các tế bào nhạy cảm hơn với insulin.
Tuổi tác: Mặc dù bệnh tiểu đường có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng thường thì nguy cơ tiền tiểu đường tăng lên khi bạn già đi, đặc biệt là sau tuổi 45. Điều này có thể là do mọi người có xu hướng tập thể dục ít, giảm lượng cơ bắp và tăng cân khi lớn tuổi.
Tiền sử gia đình: Nguy cơ tiền tiểu đường sẽ tăng lên nếu cha mẹ hoặc anh chị em có bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tiểu đường thai kỳ: Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau này của bạn sẽ tăng lên. Nếu bạn sinh con nặng hơn 9 pounds (4,1 kg), bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
Hội chứng buồng trứng đa nang: Đối với phụ nữ, nếu mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang (một tình trạng thường gặp đặc trưng bởi chu kỳ kinh nguyệt không đều, rậm lông và béo phì) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Giấc ngủ: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên kết giữa các vấn đề về giấc ngủ (chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ) làm tăng nguy cơ kháng insulin. Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ làm cho hơi thở bị gián đoạn nhiều lần trong khi ngủ, dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ. Những người làm việc thay đổi ca hoặc ca đêm có nguy cơ cao có các vấn đề về giấc ngủ, từ đó dẫn đến nguy cơ cao bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2.
Làm gì để kiểm soát dấu hiệu tiền tiểu đường?
Bạn có thể làm cho nồng độ đường trong máu trở lại mức bình thường bằng cách chọn lối sống lành mạnh. Mặc dù có một số người mắc phải tiểu đường tuýp 2 ngay cả khi họ đã giảm cân, nhưng nói chung đa số trường hợp thì nếu bạn giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Sau đây là một số khuyến nghị giúp bạn ngăn ngừa bệnh tiền tiểu đường tiến triển đến bệnh tiểu đường:
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh
- Giảm cân. Giảm 5–10% trọng lượng của bạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.
- Tập thể dục hàng ngày. Chọn một bài thể dục mà bạn thích, như đi bộ. Hãy thử hoạt động ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Bạn có thể bắt đầu tập với thời gian ngắn hơn rồi từ từ tập luyện kéo dài lên đến nửa giờ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi luyện tập.
- Bỏ hút thuốc.
- Điều trị huyết áp cao và cholesterol cao. Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ khác, bác sĩ có thể kê toa thuốc để hạ cholesterol hoặc huyết áp hoặc giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam (T/h)
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...