Yêu cầu điều tra sự cố vỡ đập chứa chất thải quặng tại Nghệ An
- Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2017 | 3:31:00 Chiều
(capthoatnuocvietnam.vn)- Sau sự cố vỡ đập chất thải quặng, Tỉnh ủy Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo, kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc, đồng thời UBND tỉnh Nghệ An sẽ có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc điều tra sự cố vỡ đập chứa chất thải quặng của xí nghiệp thiếc Suối Bắc, thuộc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh.
Sự cố vỡ đập bùn thải ở Nghệ An ngày 9-3 tại khu vực khai thác, sơ chế quặng thiếc của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc thuộc Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Sự cố khiến nhiều m3 bùn, nước thải quặng thiếc đã tràn ra ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo khảo sát hiện trường của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), hiện có ba xã bị ảnh hưởng: xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang. Riêng xã Châu Quang có 22/26 thôn, bản bị ảnh hưởng, 300 ha lúa bị thiệt hại. Tại vị trí đập xã Châu Cường, trên suối Nậm Huống cách vị trí đập chứa thải, người dân địa phương phát hiện có hiện tượng cá chết; đồng thời ao hồ của một số người dân cũng có hiện tượng cá chết nổi lên. Thân đập bị vỡ chỉ được đắp bằng đất. Trước sự cố môi trường do Công ty Cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An gây ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã ký Quyết định số 377/QĐ-BTNMT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với công ty này. Tại Quyết định 337, thành viên Đoàn kiểm tra ngoài sự tham gia của Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường còn có Cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản miền bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam); đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường; Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh; đại diện UBND huyện Quỳ Hợp và hai xã Châu Thành, Châu Quang. Qua kiểm tra, bước đầu các thành viên của đoàn có nhận định, nước thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc không được sử dụng tuần hoàn như Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị tham gia lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường là Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Khi kiểm tra tại vị trí sàng tuyển thiếc của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc (Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh), đoàn kiểm tra phát hiện dưới hệ thống sàng tuyền có một bãi thải nối với một đập chứa bùn thải. Tại bãi thải và đập chứa, có nhiều bùn thải màu xám đen, bốc phùi Sunfua. Đoàn kiểm tra xác định bãi chứa và đập chứa thải này không có trong thiết kế và thực hiện việc lấy mẫu để giám định. Đoạn đê chắn đập chứa bị vỡ. Tỉnh ủy Nghệ An đã có văn bản số 1923/CV/TU, nội dung yêu cầu tiếp tục phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm, kiểm tra hiện trường, đánh giá sai phạm của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc; kiểm điểm thiệt hại của người dân, xây dựng phương án đền bù thiệt hại cho nhân dân và khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường. Nếu việc vi phạm là nghiêm trọng, xuất phát từ thái độ trách nhiệm kém, tổ chức khai thác không an toàn, có yếu tố khai thác khoáng sản không có phép, đề nghị thu hồi giấy phép khai thác. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND huyện Quỳ Hợp tiến hành rà soát tất cả các mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 15-4-2017. Trường hợp nào không khắc phục được hoặc không khắc phục thì phải thu hồi giấy phép. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản. Toàn bộ sự việc liên quan đến nội dung sự cố vừa qua và biện pháp xử lý, đề nghị báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 16-3-2017. Trong buổi làm việc của UBND tỉnh Nghệ An với Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong ngày 15-3, UBND tỉnh sẽ có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc điều tra sự cố vỡ đập chứa chất thải quặng vừa qua. Sau khi bể chính bị vỡ, đã có hàng trăm m3 bùn và chất thải tràn ra ngoài theo sông suối đổ xuống hạ lưu. Sau sự cố vỡ đập chất thải quặng, Đoàn công tác của Bộ Công thương đã có buổi kiểm tra thực địa, làm việc với chính quyền địa phương và Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh, đại diện Công ty kim loại màu Nghệ Tĩnh đã cam kết ngừng sản xuất để khắc phục thiệt hại đến khi nào cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng. Đại diện chính quyền huyện Quỳ Hợp cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác quặng thiếc của Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã xảy ra nhiều năm, nhân dân rất bức xúc. Cũng theo ông Vi Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp nhận định, việc Xí nghiệp sản xuất và đập thải nằm ở lưng chừng núi nhưng chỉ được đắp bằng đất là không bảo đảm an toàn. Phó Chủ tịch huyện Quỳ Hợp đề nghị công ty sớm di dời bùn thải sau tuyển quặng đến địa điểm khác cho an toàn. Đề nghị công ty có hỗ trợ ngay cho dân bị chết cá nuôi để tránh bức xúc, mất an ninh trật tự. Đồng thời, yêu cầu công ty rửa trong nước khe suối và không tiếp tục thải ra hồ chứa đã bị vỡ. Cá chết hàng loạt sau sự cố vỡ bể lắng chất thải. Qua rà soát các văn bản, hồ sơ thiết kế, tại cuộc họp, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã không cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan cho đoàn kiểm tra Bộ Công thương; chưa hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, chưa tuân thủ pháp luật trong quá trình xây dựng... Cụ thể, trong thiết kế, đánh giá tác động môi trường, thân đập bể chứa thải phải được gia cố bằng bê-tông, đá hộc. Tuy nhiên, thân đập vỡ chỉ được đắp hoàn toàn bằng đất. Đại diện Bộ Công thương đồng thời yêu cầu Sở Công thương Nghệ An triển khai kiểm tra, rà soát các bể chứa thải khác trên địa bàn để không xảy ra các vụ việc tương tự. |
THÀNH CHÂU - NGÂN PHẠM (nhandan.com.vn) |
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...