Thông cáo báo chí: Về việc Tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017 tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
- Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2017 | 6:37:06 Chiều
Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Ngày Nước thế giới 2017 có chủ đề là “Nước thải” hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 chỉ ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, mục tiêu số 6 nhấn mạnh"Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người”. Theo đó, mục tiêu 6.3 đòi hỏi, đến năm 2030, tất cả mọi người đều có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh thông qua việc giảm tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn.
Trên thế giới:
- Hơn 80% lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động trong xã hội trên toàn cầu được thải vào các hệ sinh thái mà không qua xử lý hoặc tái sử dụng. (Tính trung bình, các quốc gia có thu nhập cao xử lý khoảng 70% lượng nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ này giảm xuống còn 38% ở các quốc gia có thu nhập trên trung bình và 28% ở các quốc gia có thu nhập dưới trung bình. Ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 8% (Nguồn: worldwaterday.org, 2017).
- Hiện có 1,8 tỷ người đang sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nguy cơ mắc các bệnh tả, lị, thương hàn và bại liệt. Mỗi năm có khoảng 842.000 người tử vong do sử dụng nguồn nước không an toàn và kém vệ sinh(Nguồn: worldwaterday.org, 2017).
- Có khoảng 663 triệu người hiện vẫn thiếu các nguồn nước uống an toàn (Nguồn: worldwaterday.org, 2017).
- Tới năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố, hiện nay tỷ lệ này là 50%. Hiện tại, hầu hết các thành phố ở các quốc gia đang phát triển không có cơ sở hạ tầng đầy đủ và nguồn lực để giải quyết vấn đề quản lý nước thải một cách hiệu quả và bền vững (Nguồn: worldwaterday.org, 2017).
- Khai thác nước thải như một nguồn tài nguyên mang lại cơ hội rất lớn vì khi nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn nước, nguồn năng lượng, nguồn dinh dưỡng và nguồn nguyên liệu tái tạo có chi phí hợp lý và bền vững (Nguồn: worldwaterday.org, 2017).
- Các chi phí về quản lý nước thải được cân nhắc nhiều hơn do những lợi ích mang lại về sức khoẻ con người, phát triển kinh tế và môi trường bền vững, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và các công ăn việc làm "xanh” (Nguồn: worldwaterday.org, 2017).
Tại Việt Nam:
Sự gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa trên khắp đất nước đã gây ra áp lực rất lớn đến môi trường và tài nguyên nước ở Việt Nam. Dân số tăng đồng nghĩa với lượng chất thải và nước thải cũng tăng, công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng cũng đồng thời với tăng lượng chất thải và ô nhiễm môi trường tăng.
Nhiều dòng sông bị ô nhiễm đến mức báo động nhưng dường như việc giảm thiểu ô nhiễm, khôi phục dòng sông hoặc đoạn sông diễn ra rất chậm, chậm đến mức người ta không nhận ra sự thay đổi. Có lẽ vấn đề ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối nhất, bức xúc nhất đòi hỏi phải được ưu tiên giải quyết sớm.
Trong ba loại ô nhiễm: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất thì ô nhiễm nguồn nước có tính nghiêm trọng nhất do đặc trưng lan truyền và tác động đến môi trường thủy sinh. Các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước chính do nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn từ sản xuất công nghiệp, làng nghề, chế biến nông lâm thủy sản; nước thải từ sinh hoạt; nước thải từ sản xuất nông nghiệp..v..v.
Sản xuất công nghiệp và làng nghề: hiện chúng ta có 316 khu công nghiệp và 16 khu kinh tế ven biển. Đóng góp vào kinh tế quốc gia từ các khu công nghiệp là rất đáng kể với tổng doanh thu tính đến cuối tháng 7/2016 đạt hơn 79,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2015. Tính đến tháng 7/2016, các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng đã tạo thêm hơn 250 nghìn việc làm mới. Tổng số lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế lũy kế đến hết tháng 7/2016 là hơn 3 triệu lao động. Hiện tại Việt Nam có khoảng 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Tổng lượng nước thải các khu công nghiệp toàn quốc khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm. Mặc dù đóng góp cho nền kinh tế là đáng kể nhưng với 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường đã gây hậu quả về môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và môi trường thủy sinh.
Nước thải đô thị: tính đến nay, do chú ý đầu tư cải thiện nước thải và vệ sinh đô thị nên hoạt động cung cấp dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được cải thiện đáng kể, 94% người dân sử dụng nhà vệ sinh. Tính đến 2012, có 17 nhà máy xử lý nước thải đô thị được xây dựng với công suất khoảng 600.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Nước thải bệnh viện phát sinh từ rất nhiều hoạt động của ngành y tế, là loại nước thải có chứa rất nhiều chất hữu cơ và là ổ vi trùng gây bệnh. Ngoài ra nguồn rác thải bệnh viện cũng là mối nguy cơ gây ô nhiễm rất cao cho môi trường nếu không được xử lý. Hiện nay cả nước có khoảng 13.674 cơ sở y tế trong đó 1253 bệnh viện, 1037 cơ sở dự phòng, 11.104 trạm y tế xã thải ra trung bình 150.000 m3/ngày đêm. Loại nước thải y tế gây ô nhiễm nặng về hữu cơ và hàm lượng vi sinh cao gấp 100-1000 lần tiêu chuẩn cho phép. Hiện tại mới có khoảng 54% các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải, trong đó bệnh viện trung ương chiếm 73%, hệ thống xử lý ở tuyến Tỉnh là 60%, ở Huyện chiếm 45%. Hầu như các bệnh viện đều có hoạt động phân loại chất thải rắn y tế. Các bệnh viện nói chung chưa có hệ thống phân luồng các nguồn nước thải, khi mưa xuống sẽ cuốn nước thải bệnh viện vào hệ thống kênh mương, ao hồ và ngấm xuống đất mang theo các chất ô nhiễm gây tác hại lớn cho con người và môi trường.
Hưởng ứng chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2017, tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình Mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới trong 2 ngày 21 và 22/3/2017 tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến sẽ bao gồm các hoạt động chính như sau: Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017, Hội thảo khoa học với chủ đề "Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải – Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững”, Trưng bày ảnh và sản phẩm công nghệ sử dụng tiết kiệm nước và một số hoạt động tuyên truyền khác được tổ chức song song.
Đặc biệt, Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2017 sẽ có đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự và phát biểu về các thông điệp về tài nguyên nước,. Tham dự Lễ mít tinh còn có sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu đại diện các Bộ, Sở ban ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân tỉnh Bắc Ninh.
Thông tin chi tiết liên hệ: Cục Quản lý tài nguyên nước, số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội; điện thoại: 04. 3944 0431; 0908.466.336 (Bà Nguyễn Thu Phương); Email: enteepee@gmail.com; ntphuong_ctnn@monre.gov.vn
Tác giả bài viết: dwrm
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...