Phú Quốc, Đà Lạt ngập lụt: Chuyện thật như đùa

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/8/2019 | 2:51:37 Chiều

Cứ nghĩ cảnh tượng lũ lụt chỉ ám ảnh người dân các tỉnh miền Trung, miền Tây vào mỗi mùa bão lũ, như chuyện phải đến, phải chung sống, không thể nào tránh được.


Thế nhưng, tháng 8 năm nay mưa lớn diện rộng. Từ Đà Lạt (Lâm Đồng) cho đến đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) - 2 khu vực những tưởng sẽ không bao giờ phải chịu cảnh ngập lụt, bỗng chìm trong biển nước.

Ngập lịch sử
 
Dao ngoc Phu Quoc, pho nui Da Lat chim trong bien nuoc - that nhu dua hinh anh 3

Phú Quốc gánh chịu trận mưa lịch sử trong 100 năm qua. Đó là lời khẳng định của ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang.

Ông cho biết lượng mưa trung bình ở Phú Quốc có ngày gấp 10-15 lần bình thường, tần suất mưa và lượng mưa quá lớn như vậy đã gây ra ngập nặng.

Từ ngày 8/8, sinh hoạt của người dân huyện đảo gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Đường sá ngập lênh láng, nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm không thể ở, đồ đạc trôi nổi, hư hỏng, người dân đi lại bằng xuồng, việc buôn bán ngưng trệ… Thậm chí nhiều người không có chỗ ngủ và cả đồ ăn, thức uống.
Phóng viên Zing.vn phải nhờ đến sự hỗ trợ của người dân, di chuyển bằng phao mới tiếp cận được rốn ngập.

Ông Phạm Văn Sỹ, chủ một khách sạn ở khu phố 7, thị trấn Dương Đông, cho biết mưa lớn kéo dài làm vợ chồng ông không thể ra chợ mua thực phẩm cho khách đặt ăn tại nhà hàng. Nhân viên của ông cũng không đi làm được, nước tràn cả vào phòng, du khách lưu trú không thể nào đi tham quan đảo ngọc vì đường đã thành sông.

Chị Hoàng Lê (28 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng vì chuyến đi mừng sinh nhật của chị bỗng biến thành chuỗi ngày ngồi trú mưa, tránh lụt trong khách sạn.
"Xưa giờ tôi chưa bao giờ nghe Phú Quốc bị ngập lụt như thế này. Quá khủng khiếp. Thời tiết mưa gió lạnh lẽo khiến tôi và 2 người bạn đi chung bị cảm, mong mưa sớm qua để cho người dân nơi đây trở lại cuộc sống bình thường”, chị Vy mong mỏi.

Nhiều nơi ở Phú Quốc bị ngập sâu khoảng 1 m, nặng nhất là thị trấn Dương Đông, xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Kiên Giang, yếu tố chủ quan gây ngập là có những công trình ở Bãi Trường do xây dựng không đạt tiến độ nên chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của toàn tuyến.

Chính những nơi chậm đấu nối đã gây ngưng chảy, tạo thành những "bụng nước". Những "bụng nước" này lâu ngày không có đường thoát đã tự phá vỡ, gây ảnh hưởng rất lớn.

Một yếu tố khác bắt nguồn từ trật tự xây dựng trước đây. Người dân vì lợi ích cá nhân, không nhận thức được tác hại của việc lấn chiếm các dòng suối tự nhiên.

Mưa bão không chỉ ảnh hưởng đến đời sống đường bộ, đường thủy mà còn ảnh hưởng đến đường không. Sân bay Phú Quốc có ngày buộc phải đóng cửa, nhiều chuyến bay không thể đáp xuống cảng hàng không quốc tế này vì thời tiết quá xấu.

Trong khi người dân Phú Quốc đang đối phó với nước ngập, cách đó khoảng 700 km về phía đông bắc, đêm 8/8, anh Lương Gia Huy (quê Đồng Nai) cùng bạn đến tham quan, thuê phòng nghỉ tại khu du lịch Ma Rừng Lữ Quán, thôn Đa Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nửa đêm, mưa lớn khiến nước tràn cả vào nhà, dâng lên một đoạn cầu thang khi Huy đang ngủ.

"Nước dâng lên đỉnh điểm cách chỗ tôi còn 3 bậc tam cấp, nếu tính từ suối thì đã dâng hơn 3 m. 5h30 nước bắt đầu rút, các anh trong Ma Rừng Lữ Quán di chuyển được đến nơi mình nghỉ và đưa về nơi cao hơn. 12h nước vẫn còn dâng hơn 1 m. Toàn bộ cầu treo đã bị lũ cuốn trôi, 2 đứa cùng toàn bộ mọi người trong khu du lịch bị cô lập, điện nước bị cắt, nước ngọt không còn, chỉ biết hứng nước mưa để dùng”, Huy chia sẻ và cho rằng đó là khoảnh khắc sinh tử mà anh không bao giờ quên.

Buổi sáng, nước rút bớt nhưng cả khu du lịch vẫn bị cô lập vì lối vào ngập nước, sình lầy. Cây cối, hoa lá bị tống đi hết, hồ nước yên bình nằm giữa trung tâm của khu du lịch cũng phá vỡ, cảnh quan nơi đây bị hủy hoại hoàn toàn.

Bàng hoàng. Chật vật. Khổ sở. Người dân Phú Quốc và Đà Lạt không ngờ rằng có những ngày họ phải sống trong cảnh nước ngập tới cổ, xe máy thay bằng xuồng.

Chèo bè xốp vào rốn ngập ở Phú Quốc Mưa đã tạnh, nước rút dần nhưng nhiều địa điểm tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) vẫn bị cô lập. Sinh hoạt của người dân đảo lộn, tài sản hư hỏng nặng.

Hệ quả phát triển đô thị tham lam
Dao ngoc Phu Quoc, pho nui Da Lat chim trong bien nuoc - that nhu dua hinh anh 5

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá tình hình ngập lụt ở 2 thành phố du lịch này là hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lý đô thị của chính quyền.

Đà Lạt là thành phố cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic khi xét đến yếu tố địa hình.

Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân ngập xuất phát từ công tác quy hoạch chưa bền vững, thiếu không gian dành cho nước. Không chỉ Đà Lạt hay Phú Quốc mà nhiều đô thị ở Việt Nam cũng bỏ qua chỉ tiêu này dù nó rất quan trọng.

"Hai thành phố du lịch bị ngập do phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Chừng đó chưa đủ, họ còn lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước”, kiến trúc sư Nam Sơn dẫn chứng.

Riêng ở Đà Lạt, việc vỡ quy hoạch nhà kính là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt ở thành phố này.

"Khu nhà kính phủ bạt nylon, hệ quả như bê tông hóa, vì mái không thiết kế hệ thống thoát nước. Khi diện tích nhà kính quá lớn mà không quy hoạch không gian dành cho nước như kênh, hồ chứa... thì có thể hình dung nguyên vùng đó bê tông hóa hết, bề mặt không thấm nước, không thoát nước được thì ngập là điều tất yếu", vị KTS nhận định và cho rằng nếu làm nhà kính thì phải có tỷ lệ cây xanh tương xứng.

KTS Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, đồng tình với quan điểm về việc ngập lụt ở địa phương này bắt nguồn từ vỡ quy hoạch nhà kính. Theo ông, ngoài việc quy hoạch không tốt, kèm lượng mưa lớn thì việc các nhà kính che diện tích đất khiến không đủ độ thấm, đổ thẳng ra suối tạo nên áp lực rất lớn cho hạ nguồn TP Đà Lạt.

"Hệ thống thoát nước của TP Đà Lạt được xây dựng tốt. Tuy nhiên, để hệ thống thoát nước này hoạt động hiệu quả thì phải quy hoạch lại mật độ hệ thống nhà lưới, nhà kính, khi đó mới giảm thiểu lượng nước đổ dồn ra suối như vừa qua”, KTS Tứ nói.

Còn ở Phú Quốc, ông Nam Sơn cho rằng nơi đây tuy không có nhà kính nhưng lại bê tông hóa quá nhiều, "tham" xây nhà mà không làm hạ tầng nên từ cao dồn về chỗ trũng sẽ gây ngập.

"Có thể lúc quy hoạch có vẽ nhưng khi thực hiện thì chỉ lo xây dựng nhà cửa chứ không lo chuyện thoát nước. Đáng lẽ cơ quan quản lý đô thị phải kiểm soát, xây mà không có hệ thống thoát nước thì không cho đưa vào hoạt động, phải làm xong mới cho phép hoạt động", KTS Nam Sơn nêu.

Ông nhận định xu hướng Phú Quốc và Đà Lạt phát triển theo tư duy mét vuông rất nguy hiểm bởi nó không chỉ hình thành nên những khu du lịch rẻ tiền mà các tác động sống đến môi trường, chất lượng sống người dân.

"Dường như nhà quản lý luôn chiều lòng nhà đầu tư, du khách mà không quan tâm đến sức chịu đựng của đô thị. Cách làm này không bền vững bởi để vận hành tốt một đô thị thì cần có không gian xanh, cây xanh mặt nước chứ không thể xây dựng bất chấp. Nhà đầu tư thường suy nghĩ ngắn hạn, họ đầu tư rồi bán kiếm lời chứ ít khi nghĩ về lâu dài cho đô thị”, vị chuyên gia phân tích.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng chính sự phát triển nóng của hai thành phố du lịch đang làm cho đô thị quá sức chịu đựng dẫn đến ngập lụt ngày càng nhiều. Lẽ ra hạ tầng kỹ thuật phải đầu tư trước rồi mới xây dựng nhà cửa nhưng các thành phố này lại chưa đáp ứng được.

Vị chuyên gia này cho biết Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên những cơn mưa có vũ lượng lớn sẽ tiếp tục xuất hiện trong các năm tới. Do vậy, chính quyền phải xác định các giải pháp khắc phục ngay lúc này để giúp cho nước mưa tiêu thoát nhanh hơn.

Còn KTS Nam Sơn khẳng định tình trạng ngập lụt lần này là lời cảnh báo để chính quyền xem lại cách phát triển thiếu bền vững của mình. Do đó, nếu không xử lý từ quy hoạch, quản lý đô thị thì những năm tới, Phú Quốc và Đà Lạt vẫn còn ngập nặng hơn.
 
Theo Zing.vn
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...