Làm thế nào để đảm bảo an ninh nguồn nước?

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2019 | 2:25:31 Chiều

Những năm qua, nhiều con sông bị ô nhiễm do tình trạng xả thải vô tội vạ, từ đây đặt ra vấn đề bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân là hết sức cấp thiết

Trên hệ thống sông Đồng Nai, kết quả quan trắc mới nhất cho thấy tình trạng ô nhiễm hiện đang ở mức báo động.

Liên tục bị đầu độc

Trên hệ thống sông này, nhiều năm trở lại đây liên tục xảy ra những vụ đầu độc, bức hại sông khiến cá chết hàng loạt. Chấn động nhất là vụ Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải (năm 2008) đến Công ty Sonadezi bức hại rạch Bà Chèo (năm 2011), cùng nằm trên hệ thống sông Đồng Nai.

Một "điểm nóng" gây ô nhiễm bảo vệ sông Đồng Nai khác là Khu Công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã đề nghị đưa KCN này ra khỏi quy hoạch KCN nhằm bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Vai trò của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cũng được cho là chưa phát huy được hiệu quả do thiếu cơ chế hoạt động. Nhiều lần, đại diện 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã họp bàn, tìm giải pháp bảo vệ nguồn nước sông cũng như đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ ban hành thêm những chính sách cụ thể, đồng nhất để bảo vệ môi trường.

TP HCM: Nhiều phương án dự phòng sự cố

Hệ thống sông Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt cho gần 20 triệu người, trong đó có người dân TP HCM. Ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), cho biết việc kiểm tra chất lượng nước trước khi hòa vào mạng được Sawaco giám sát thường xuyên, chặt chẽ thông qua việc lấy mẫu thường xuyên định kỳ của các cơ quan độc lập và hệ thống quan trắc tự động giám sát từ đầu nguồn. Từ trước đến nay, ngoại trừ sự cố độ mặn tăng cao bất thường thì chưa có sự cố đáng tiếc nào liên quan đến tràn dầu hay hóa chất hòa vào nguồn nước. Tuy nhiên, Sawaco vẫn xây dựng nhiều phương án ứng phó khi sự cố xảy ra.

Về phương án ngắn hạn, hằng năm Sawaco ký hợp đồng với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An sẵn sàng xả nước ra sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai để đẩy mặn, pha loãng nếu tình trạng ô nhiễm tăng cao… Ngoài ra, hiện nay, tại các nhà máy nước như Tân Hiệp, Thủ Đức đều có bể chứa nước sạch dự trữ, có khả năng cung cấp nước từ 8-10 giờ cho người dân trong khu vực.

Đề phòng sự cố ô nhiễm dầu, ông Thạch cho biết tại các điểm lấy nước thô như trạm bơm Hóa An, Hòa Phú đều trang bị phao hút dầu, có biển cảnh báo tàu bè hạn chế qua lại. Ngoài ra, Sawaco luôn dự trữ lượng hóa chất xử lý nước nhiễm dầu đủ sử dụng cho 1 năm.

"Về lâu dài, để bảo đảm an ninh nguồn nước, ngành cấp nước đã đề xuất UBND TP xây dựng các công trình dự phòng, hồ chứa nước thô, các bể chứa phân phối trên mạng lưới, các dự án đổi mới công nghệ xử lý nước…" - ông Thạch cho biết.


 
Khu vực suối bị đổ dầu thải dẫn đến nước cấp cho Nhà máy Nước sông Đà bị nhiễm dầu. Ảnh: MINH CHIẾN

Phối hợp mới quản được, đơn lẻ thì thua!

Để bảo đảm an ninh nguồn nước sạch ở phía hạ lưu, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng đã thành lập Ban Điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ban điều phối đã giải quyết rất nhiều vướng mắc liên quan đến nguồn nước. Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hay những vấn đề có thể ảnh hưởng tới người dân địa phương đều được 2 bên tham vấn, xử lý.

Riêng TP Đà Nẵng đã xây dựng nhiều phương án để bảo đảm an ninh nguồn nước, trong đó có việc triển khai nâng cấp Nhà máy Nước Cầu Đỏ nhằm đưa khả năng cung cấp nước 210.000 m3/ngày - đêm lên 310.000 m3/ngày - đêm.

Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 243.000 người TP Tuy Hòa và một số huyện lân cận ở tỉnh Phú Yên dựa vào nguồn nước mặt của sông Ba. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên, hiện tỉnh này chưa có một phương án nào dự phòng xử lý nếu như nguồn nước sông Ba bị "đầu độc". "Chúng tôi cũng chỉ có thể vận động các địa phương bảo vệ nguồn nước được tốt thôi nhưng nguồn nước sông Ba đâu chỉ qua Phú Yên. Nó còn qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk nữa. Do đó, có bảo vệ thì cũng chỉ bảo vệ được ở tỉnh mình chứ các tỉnh khác thì làm sao bảo vệ?!" - ông Thuần nói.

Có tới 4 bộ quản lý

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, việc quản lý nguồn nước hiện thuộc thẩm quyền của 4 bộ: Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng có sự "giao thoa" nhất định về mặt quản lý nhà nước đối với nguồn nước và dẫn chứng: Quản lý chất lượng nước sạch cấp cho người dân sinh hoạt thuộc Bộ Y tế, quản lý về tài nguyên nước nói chung thì có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do vậy, đối với vụ việc nước Hà Nội có mùi lạ, ông Thức nhấn mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng để cùng làm rõ.

Về vấn đề bảo vệ nguồn nước sinh hoạt để tránh các sự cố như đổ trộm dầu thải như vừa qua, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Cục Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đã có những quy định khá cụ thể trong trong Thông tư số 24 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng. Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước thì phải kịp thời ngăn chặn và báo cáo ngay đến chính quyền địa phương.

Thủ tướng chỉ đạo tổng kiểm tra các nhà máy nước
 
Ngày 15-10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước ở Nhà máy nước sạch sông Đà. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo VIWASUPCO khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch. UBND TP Hà Nội phối hợp với tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho người dân.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân việc nguồn nước bị ô nhễm và việc cung cấp nước từ VIWASUPCO không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-10.

Theo Báo Người lao động

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...