Gần 6.000 nhà dân ở TP Vinh bị ngập: Làm đường quên làm cống
- Cập nhật: Thứ hai, 21/10/2019 | 2:16:53 Chiều
UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo về tình hình ngập lụt trên địa bàn sau 2 trận mưa vào ngày 15 và 16-10.
Báo cáo cho biết đợt mưa này gây thiệt hại 80 tỉ đồng về tài sản, hoa màu và làm 1 người chết. Mưa lớn còn khiến 5.680 hộ dân trên địa bàn TP Vinh bị ngập sâu, giao thông tê liệt, mất điện trên diện rộng khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn kéo dài trong nhiều ngày. Nguyên nhân gây ngập nặng là do lưu lượng mưa quá lớn.
Theo phản ánh của người dân ngụ khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, việc ngập úng không chỉ do mưa lớn mà chủ yếu là do có sự tắc trách trong thi công các công trình giao thông, làm đường quên làm cống. Điều này khiến hàng trăm hộ ở đây ngập chìm trong nước mưa và nước thải; hàng chục ha nuôi cá, nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả của người dân bị thiệt hại.
Cụ thể, vào đầu năm 2019, UBND phường Đông Vĩnh cho nâng cấp tuyến đường Trần Bình Trọng nhưng đến nay vẫn chưa làm hệ thống cống thoát nước, khiến tuyến đường như một con đê ngăn không cho nước thoát khi có mưa lũ. "Nhà ngập, đồ đạc hư hỏng, ao hồ nuôi cá mất trắng là do phường làm đường Trần Bình Trọng chắn ngang nhưng không làm cống thoát nước. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị làm cống, mương thoát nước nhưng không ai lắng nghe" - ông Vũ Trần Tuấn (ngụ khối Trung Nghĩa), bất bình.
Không chỉ làm đường quên làm cống thoát nước mà có xảy ra tình trạng trì trệ của các dự án. Cụ thể, công trình đường, mương thoát nước nối giữa đường Phan Thúc Trực với đường Trần Bình Trọng do phường Đông Vĩnh làm chủ đầu tư đang "án binh bất động", khiến việc ngập lụt của người dân khối Trung Nghĩa thêm trầm trọng. Ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh, thừa nhận do các dự án còn triển khai dang dở nên gây ra trận ngập nặng vừa qua.
Cũng như phường Đông Vĩnh, nhiều địa phương khác ở TP Vinh cũng có chung nguyên nhân nói trên. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất trống tự tiêu thoát nước ít dần, nhiều hồ chứa nước cũng bị san lấp để lấy đất bán, xây chung cư... Ngoài ra, hàng loạt công trình cầu đường được xây dựng như tuyến đường 35 m nối Quốc lộ 46 với đường ven sông Lam, đường Trần Bình Trọng..., nhưng chưa có hệ thống cống, mương thoát nước đã dẫn đến mỗi lúc có mưa lớn các tuyến đường trên đã thành con đê ngăn nước. Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Hưng Đông, TP Vinh) dẫn chứng: "Trước đây, nước mưa chảy thoát giữa đồng nên không ngập. Kể từ khi tuyến đường mới rộng 72 m nối từ phường Quán Bàu - TP Vinh đến xã Hưng Tây - huyện Hưng Nguyên làm xong, đường cao như con đê chắn nước khiến nhiều nhà dân phía Nam như ở trong hồ chứa".
Ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị TP Vinh, nhìn nhận hệ thống thoát nước lũ hiện nay của TP Vinh đã cũ, không theo kịp tốc độ phát triển đô thị hóa. Các phường có hệ thống kênh thoát nước nhưng mang tính nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ nên khi có mưa lớn, nước không có chỗ thoát.
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...