Tọa đàm: An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý
- Cập nhật: Thứ năm, 24/10/2019 | 10:00:52 Sáng
Sáng 23/10, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp cùng với Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm "An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý”. Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam xin tường thuật lại toàn bộ buổi tọa đàm trên.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đã khái quát lại: Qua sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà lần này cho thấy chúng ta có rất nhiều việc phải làm:
Thứ nhất: Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét trong các văn bản đã ban hành còn thiếu những nội dung gì liên quan đến vấn đề quản lý đặc biệt là quản lý rủi ro cũng như quản lý hoạt động giữa các cơ quan, chính quyền của các địa phương trong vấn đề cấp nước mang tính chất liên vùng khi có các sự cố xảy ra để phối hợp cùng giải quyết.
Thứ hai: Các đơn vị cấp nước, qua lần này cũng cần phải rút kinh nghiệm tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo đảm cấp nước an toàn và chất lượng nước cung cấp cho người dân, thông báo kịp thời những sự cố, các vấn đề về chất lượng nước cho người dân được biết, làm tăng thêm tính minh bạch trong sản xuất.
Thứ ba: Sản xuất cung cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, chính vì vậy cần phải có các điều kiện kinh doanh bắt buộc. Đề nghị trong Dự thảo Sửa đổi Luật đầu tư sắp tới, nên đưa ngành sản xuất cung cấp nước sạch là ngành kinh doanh có điều kiện.
Thứ tư: Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và ban hành Luật sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch. Ngoài quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, giá nước thì bảo đảm an ninh, an toàn và quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước là nội dung rất quan trọng. Tiếp sau đó là sự phân công, phân cấp quản lý, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đơn vị cấp nước trong xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cấp nước liên vùng, liên tỉnh.
11h30
GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam: Chất lượng nước phải được lựa chọn đảm bảo đúng quy định. Nếu như nguồn nước được đảm bảo thì không được chọn rồi. Cơ bản tất cả các quy định phải đảm bảo quy định, được xả vào nguồn nước phải được đảm bảo an toàn cho nguồn nước, không được xả chất độc vào nguồn nước. Có quy định rõ ràng khi mà lựa chọn nhà máy là không được gây ô nhiễm cho nguồn nước.
Phóng viên Doãn Kiên: Hiện nay ở Việt Nam việc quan trắc môi trường nước mặt cũng như nước ngọt các đơn vị cũng chưa làm được. Và như vậy đồng nghĩa với việc trong quá trình sản xuất công ty nước không thể có những phương pháp để đạt tiêu chuẩn sản xuất nước đầu ra. Tuy nhiên, việc kiểm tra nước sạch giữa nội kiểm và ngoại kiểm vẫn còn đang nhập nhèm, khó kiểm soát. Theo Thông tư 50/2015/TT- Bộ Y tế, sau đổi thành Thông tư 41/2018/TT- Bộ Y tế, nội kiểm do cơ sở cung cấp nước tự lấy mẫu đem đi xét nghiệm; ngoại kiểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp thực hiện kiểm tra, giám sát (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội). Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì nhiều đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch cho Hà Nội đã xoay sở và nhanh chóng ký hợp đồng dịch vụ giám sát vệ sinh chất lượng nước sạch (nội kiểm) trị giá hàng trăm triệu đồng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội. Và tất nhiên, lúc này Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội mặc nhiên "diễn hai vai” vừa là người làm báo cáo cho doanh nghiệp cũng vừa là người có chức năng kiểm tra. Các chuyên gia nhận định như thế nào khi đơn vị quản lý nhà nước đứng ra làm dịch vụ nội kiểm cho doanh nghiệp? Nó có được khách quan và minh bạch không? Và thưa các Luật sư, tính pháp lý của pháp luật nằm trong vấn đề này thì dựa vào đâu để phân biệt rõ cơ quan nào sẽ đứng ra làm trọng tài để làm rõ việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đang "diễn hai vai”?
PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam: Liên quan tới khung pháp lý, theo quy trình kiểm soát chất lượng nguồn nước thì cần phải qua rất nhiều bước: Thứ nhất kiểm soát đầu vào trách nhiệm của cơ quan quản lý Môi trường. Thông qua các trung tâm quan trắc môi trường là phải kiểm tra, đảm bảo lượng nước đầu vào để đảm bảo nguồn nước đầu vào A1 hoặc A2.
Bước 2, nước lấy nguồn nước đầu vào phải đảm bảo chất lượng, anh đã quy hoạch cho người ta lấy nước ở đấy, thì anh phải sử dụng nước đó để sản xuất cấp nước cho người sử dụng. Vậy theo quy trình anh phải thực hiện quy trình công nghệ để đảm bảo an toàn. Mà sản phẩm đó đên tay người dân cơ quan phải chịu trách nhiệm cơ quan y tế mà ở đây là Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và phải đảm bảo theo quy định QCVN- 2008 đảm bảo chất lượng. Ngoại kiểm là quá trình kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Trung tâm kiểm soát bệnh tật, nội kiểm là bên trong nhà máy phải đảm bảo công nghệ, quá trình sản xuất nước. Như vậy nguyên tắc là các cơ sở sản xuất nước phải có đầy đủ các phương tiện, công cụ và thực hiện nội kiểm.
Tất nhiên trong thực tế anh chưa có đủ điều kiện, chưa đủ năng lực thì anh còn phải thuê đơn vị đủ điều kiện, vì hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm chịu trách nhiệm ngoại kiểm của trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi vì không có năng lực. Còn chuyện khách quan hay không là trách nhiệm và cái tâm của người ta, mình cũng không nói là không khách quan.
11h18
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Sự cố nước sông Đà nhiễm dầu vừa rồi là không mong muốn. Bởi hầu hết các công ty cấp nước có hệ thống quan trắc online. Ngành cấp nước Việt Nam vẫn được các nước trong khu vực đánh giá có tiến bộ từ tổng công suất, chống thất thu. Rất nhiều chuyên gia Việt Nam đã đi giới thiệu cấp nước an toàn cho các nước trong khu vực.
Tại Bình Dương, TP.HCM, Huế… họ có hệ thống quan trắc online rất đảm bảo. Cả Chi hội cấp nước miền Trung Tây Nguyên họ đã áp dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống cấp nước rồi.
Qua sự cố này, ngành nước cần rút kinh nghiệp để làm tốt hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện chính sách.
11h00
TS. Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập Tạp Chí Môi trường và đô thị Việt Nam: Được biết, PGS.TS Trần Đức Hạ đang có công trình nghiên cứu về các hồ chứa nước an toàn, rất mong ông có những chia sẻ về vấn đề này?
PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam: Đây là đề tài nghiên cứu khoa học được tiến hành từ năm 2017. Đề tài trên tập trung nghiên cứu việc khai thác nước mặt thông qua hồ chứa là các hồ đa chức năng. Tuy nhiên, là hồ đa chức năng nên chủ yếu quan tâm đến chức năng thủy điện, chức năng cấp nước sinh hoạt bị hạn chế, sự quan tâm của các đơn vị đối với nước hồ chứa nước có hạn chế.
Chương trình quốc gia về cấp nước an toàn từ hồ chứa nước này rà soát lại các văn bản pháp lý, các quy chuẩn liên quan liên quan quy hoạch xây dựng, trong đó có các tiêu chuẩn về nước.
Về trách nhiệm, để đảm bảo chất lượng nước, nước đạt các quy chuẩn, nghiên cứu này cần sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý địa phương, đơn vị cũng cấp nước phải có sự phối hợp. Đồng thời, các giải pháp kỹ thuật để xử lý các sự cố, có barie để ngăn ngừa, kiểm soát sự ô nhiễm cũng được đề cập tại dự án.
Ngoài ra, công tác quan trắc, kiểm soát cũng được làm rõ, hiện Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn liên quan đến tiêu chuẩn nước sinh hoạt, có những thông số, quy định bắt buộc, quan trắc như thế nào cũng sẽ được hướng dẫn cụ thể.
10h50
Phóng viên Thế Anh, Báo Dân Việt: Thưa các Luật sư, người dân có thể khởi kiện công ty cấp nước bằng cách nào. Và công ty cung cấp nước sạch có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Luật sư Trương Xuân Hải: Trong trường hợp cụ thể như thế này, người sử dụng nước là khách hàng. Quyền của khách hàng quy định rất rõ trong nghị định 117, quy định về bồi thường thiệt hại.
Trong vụ việc này, thiệt hại rõ ràng là có. Cơ sở pháp lý đòi bồi thường là có nhưng thực tiễn thì không khả thi. Vì về nguyên tắc, thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu, lỗi đến đâu bồi thường đến đó. Giờ xác định lỗi của cơ quan cấp nước là thế nào, lỗi của người đổ trộm dầu thế nào, rất khó xác định. Hiện vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra về sự việc này, tòa sẽ không thụ lý.
Hơn nữa, đo đếm sao được thiệt hại đến sức khỏe của người dân. Máy lọc nước cũng thế, để đền bù thì máy lọc cũ hay mới, có phải hỏng do nước nhiễm dầu hay do sự cố khác. Đây là vấn đề rất khó.
Phóng viên Gia Chính, Báo điện tử VneXpress: Liệu có phải Styren là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước tại sông Đà hay không? Trong hơn 100 chỉ tiêu kiểm nghiệm nước thì có những chỉ tiêu nào dài hơn 15 ngày mới ra kết quả hay không? Vừa rồi Hà Nội thông báo hằng ngày cần phải công bố các chỉ tiêu vậy có chỉ tiêu nào có thể quan trắc hằng ngày được hay không?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Theo quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế có 08 chỉ tiêu mức A bắt buộc đối với các đơn vị cấp nước phải xét nghiệm. Tôi cho rằng việc công bố kết quả quan trắc Công ty cấp nước phải có trách nhiệm công khai kết quả phân tích và công bố kết quả phân tích theo quy định để người dân nắm được. Đồng thời cấp chính quyền cần phải thanh tra, kiểm tra các Công ty cấp nước có làm đúng với quy định của nhà nước hay không.
Tôi cho rằng qua sự cố lần này không phải chỉ các công ty nước ở Hà Nội cần kiểm tra mà tất cả các Nhà máy nước trên toàn quốc cần kiểm tra lại quá trình cấp nước của mình. Tất cả công ty cấp nước cần rà soát lại quy trình của mình. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát và kiểm tra theo chất lượng theo đúng quy định.
10h20
Phóng viên Hà Ngọc Anh, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử: Qua vụ việc trên, mọi người chỉ nhắc đến Sông Đà, tuy nhiên tôi muốn hỏi trách nhiệm của các công ty tiếp nhận nguồn nước để bán cho người dân, các công ty này có trách nhiệm kiểm tra, quan trắc đảm như thế nào? Ví dụ như công ty nước sạch Hà Đông, khi chúng tôi trao đổi họ rất băn khoăn, lúng túng, không nắm được trách nhiệm của mình khi nguồn nước của họ đấu nối nước với sông Đà, họ có trách nhiệm liên đới như thế nào?
Ths Nguyễn Trọng Dương, chuyên gia Cấp nước an toàn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam: Theo quy định, trách nhiệm quản lý được phân công cho từng đơn vị, việc này phức tạp rất nhiều, tuy nhiên vai trò nhạc trưởng chính là cơ quan quản lý nhà nước, tại các địa phương là UBND cấp tỉnh, nếu phạm vi liên tỉnh liên tỉnh thì cơ quan quản lý Trung ương phải tham gia vào. Theo quy chuẩn bộ y tế, chất lượng được quản lý dựa trên109 chỉ tiêu, có những nhóm chỉ tiêu phải kiểm tra hàng ngày, có nhóm kiểm tra 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng… một lần.
Rõ ràng ở đây là dự quản lý lỏng lẻo, tại nhiều quốc gia, họ có có hệ thống quản lý online, chất lượng nước dao động theo biểu đồ hàng ngày để cơ quan nhà nước quản lý.
Việc kiểm tra, quan trắc chất lượng nước khá hạn chế, vì quá trình thực hiện tốn kém. Do đó, các đơn vị đấu nối, nhận nguồn nước cấp cho dân rất ít chỉ động kiểm tra chất lượng.
Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật LT& Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội); Giảng viên Học Viện hành chính Quốc gia: Trách nhiệm được xác định thông qua hợp đồng giữ người dân với đơn vị cấp nước, đơn vị cấp 1, đơn vị cấp 2, các bên có quan hệ hợp đồng, do đó, quy trách nhiệm căn cứ trên hợp đồng.
10h15
Chuyên gia Nguyễn Hồng Dương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam: Bản chất về cấp nước an toàn đó là sơ đồ logic tính từ lưu vực các nguồn cấp nước cho tới các đường ống truyền tải, đến nhà máy xử lý nước cho tới đường ống truyền tải nước sạch cho khách hàng.
Vậy lý luận của cấp nước an toàn là sẽ tạo ra các rào chắn an toàn từ nguồn tới các nơi tiêu thụ và mỗi khi qua các rào chắn này thì nguy cơ nguy hại sẽ giảm dần đi cho tới khi người dân sử dụng là an toàn nhất. Chính cấp nước an toàn không phải là làm các biện pháp để xử lý các vấn đề đó, đó chính là logic. Xem lại chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì.
Cấp nước, quản lý nguồn nước ở Việt Nam hiện đang rất phức tạp bởi vì quản lý nguồn nước có rất nhiều cơ quan tham gia ở đây. Hôm trước có nhắc tới nguồn nước hồ Đồng Bài, trước đây nữa thì nhắc tới hồ Bà Đen ở Bà Rịa Vũng Tàu có những trại lợn được nuôi và xả chất thải ra môi trường vậy chúng ta làm sao có thể bảo vệ được nguồn nước. Vậy rõ ràng có các cơ quan cần phải tham gia vào đây.
Thế thì nếu chúng ta giảm thiểu được các trại nuôi động vật như thế thì rõ ràng nguy cơ đối với người dân cũng giảm thiểu.
Chính sách quốc gia về cấp nước an toàn, rõ ràng về mặt cơ sở pháp lý an toàn như GS Tiến đã nói tới Thông tư 08 đã được ban hành từ rất lâu, năm 2012. Trước đó có quyết định xây dựng nguồn nước và sau này là chương trình quốc gia về cấp nước an toàn của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt vào năm 2016.
10h00
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nước của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong thời gian qua?
Kỹ sư Trần Quang Hưng, chuyên gia ngành nước: Trước hết, an ninh nguồn nước là 2 vấn đề được gộp lại đó là: An ninh nguồn nước và an toàn cấp nước. Trong đó, an ninh nguồn nước là đảm bảo sự trong sạch, phân phối nước từ đầu nguồn. Đối với nước ta, phần lớn các con sông lớn đều bắt nguồn từ nước ngoài, chính bởi vậy việc đảm bảo nguồn nước như thế nào được trong sạch là trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của địa phương. Chính bởi vậy, việc nước sông Đà bị nhiễm dầu vừa qua thuộc về trách nhiệm của cả tỉnh Hòa Bình, chứ không riêng gì công ty nước sạch Sông Đà.
Nói đến an ninh nguồn nước là nói đến sự chặt chẽ giữa các địa phương, các bộ và các cấp chính quyền. An toàn cấp nước đây là lĩnh vực của từng địa phương.
Sau này chính phủ đã có chương trình quốc gia về cấp nước an toàn, liên tục có những văn bản thông tư về cấp nước an toàn. Vậy nên cấp nước an toàn là làm sao tổ chức được hệ kiểm soát chặt chẽ từ đầu nguồn đến người tiêu dùng, luôn luôn đảm bảo tính chất của nước sạch, phát hiện ra bất cứ các nguồn ô nhiễm và các biện pháp xử lý kịp thời.
Việt Nam đã làm rất tốt việc cấp nước an toàn cho các tỉnh như: Vũng Tàu, Bình Dương… nhưng riêng Hà Nội, cách thực hiện không được chặt chẽ như các địa phương khác. Đúng là Công ty sông Đà vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân. Nạn nhân là nguồn nước của các anh bị người khác đổ trộm chất thải. Còn nguyên nhân là khi có chất độc hại Công ty xử lý rất vội vàng, thiếu thông minh, để cho nó xâm nhập cả 1 hệ thống, vẫn không biết, vẫn bảo là nước sạch được đảm bảo. Cho đến khi người dân kêu lên thì mới biết. Công ty cần phải biết nguyên nhân tại sao bị ảnh hưởng. Chính bởi vậy việc đầu tiên cần xin lỗi và vào cuộc ngay với chính quyền để tìm nguyên nhân. Đó chính là ý thức của doanh nghiệp và với ý thức này rất kém. Chính bởi vậy chúng ta phải chỉnh lại toàn bộ công tác từ sản xuất nước và phân phối.
Luật sư Trương Xuân Hải - Giám đốc CN Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội): Dư luận những ngày qua chỉ trích đơn vị cấp nước, yêu cầu doanh nghiệp ít nhất có lời xin lỗi. Tuy nhiên tôi thấy không ổn.
Trong trường hợp này, công ty cấp nước có lỗi được quy định theo Nghị định 117, chậm cung cấp thông tin cho người dân. Ở đây nếu nhân dân không phát hiện, tôi cho rằng cả công ty cấp nước và cơ quan nhà nước cũng không biết, rồi thông tin sẽ bị giấu nhẹm đi. Lỗi ở đây do cả nhà máy cấp nước và cơ quan quản lý nhà nước. Cần có lời xin lỗi của cả công ty và cơ quan nhà nước vì không cung cấp kịp thời thông tin chính xác cho người dân.
Theo tôi có mấy điểm kiến nghị như sau, thứ nhất, trong công tác bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước hiện được giao cho doanh nghiệp, nhà nước có trách nhiệm phối hợp. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sức khỏe tính mạng người dân, do đó, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, còn doanh nghiệp ở vị trí phối hợp.
Thứ hai, việc cổ phần hóa là chính đáng nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển, tuy nhiên, khi cổ phần hóa hoàn toàn, doanh nghiệp chỉ chú trọng kinh doanh, cắt giảm các chi phí. Do đó, theo tôi, cổ phần hóa công ty hoạt động trong dịch vụ công cần giữ vai trò chi phối của nhà nước, doanh nghiệp công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng.
Thứ ba, thông qua sự cố trên đã bộc lộ nhiều lỗ hổng. Từ sự việc trên đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng chiến lược ứng phó, có các biện pháp thay thế, xây dựng thêm các nguồn dự phòng để đảm bảo cuộc sống ổn định, chất lượng cho người dân.
Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật LT& Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội); Giảng viên Học Viện hành chính Quốc gia: Xét về quy định pháp luật hiện hành, đơn vị cấp nước ký hợp đồng với người dân phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, nhà nước cũng phải có trách nhiệm đảm bảo cho người dân, theo Nghị định 117, chính quyền địa phương ký hợp đồng đầu tiên với đơn vị cấp nước,lựa chọn đơn vị cấp nước đảm bảo chất lượng cho ngừi dân. Do đó, UBND các cấp có trách nhiệm liên đới, chứ không thể đổ hết cho doanh nghiệp.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ: Qua sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu, dư luận đang tập trung trách nhiệm vào công ty cung cấp nước sạch, các chuyên gia đánh giá về trách nhiệm của đơn vị cấp nước như thế nào? Trong câu chuyện này liệu có phải chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp khi lơi lỏng trong bảo vệ nguồn nước, thiếu kiến thức xử lý tình huống, vận hành nhà máy hay không?
Sự cố nước sông Đà, UBND địa phương không thể ngoài cuộc
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Buổi tọa đàm này rất thiết thực. Tôi cho rằng, buổi tọa đàm này rất quan trọng và bổ ích, sẽ rút được kinh nghiệm gì sau sự cố này. Các ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm góp phần nêu lên các đề xuất, kiến nghị một cách tốt hơn đối với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp nước đến người dân.
Về chức năng quản lý nhà nước, trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ. Trong Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, khu công nghiệp Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước nông thôn, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về ban hành các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt. Đối với bảo vệ nguồn nước, tài nguyên nước trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, tài nguyên nước theo quy định. Những vấn đề này đều có sự phân công rõ ràng.
Trong sự cố này, UBND địa phường phải chịu trách nhiệm liên đới, doanh nghiệp cung cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp. "Rất nhiều UBND địa phương nói rằng trách nhiệm chính của đơn vị cấp nước. Nhưng theo tôi, UBND địa phương không thể đứng ngoài cuộc được".
PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng: Nhà máy nước sông Đà cũng là "bị hại" bởi chính nguồn gây ra ô nhiễm không phải là nhà máy nước. Tuy nhiên, dù nói thế nào thì Nhà máy nước sạch sông Đà cũng phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước cho dân.
Sự việc đã xảy ra rồi, người ta nói đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Tuy nhiên, chúng ta phải làm chuồng nhanh chóng để không mất thêm bò, không để xảy ra sự cố nữa.
Chúng tôi và các chuyên gia cho rằng, cổ phần hóa ngành nước phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Nước là an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm, còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền và người dân.
Hiện nay quy định về kiểm soát nước, cung cấp nước của chúng ta còn chưa đầy đủ, có lỗ hổng. Việc này cần thải có các quy định chặt chẽ hơn.
TỌA ĐÀM BẮT ĐẦU
Sáng 23/10, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp cùng với Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm "An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý”. Buổi tọa đàm với sự góp mặt của một số chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cấp thoát nước và các chuyên gia pháp lý.
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...