Bộ Y tế triển khai nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết ở phía Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 14/6/2022 | 11:12:54 Sáng
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tốt nhất các tỉnh thành phía Nam trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, tại Việt Nam, 80% ca mắc và 100% ca tử vong (36 ca) vì sốt xuất huyết ghi nhận tại khu vực phía Nam.
Chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM nhận định, sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. Cụ thể, qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo tuần, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt huyết chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay.
Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Cũng theo bác sĩ Lương Chấn Quang, mọi năm, khu vực miền Tây chiếm 10% số ca tử vong. Tuy nhiên, năm nay, dù mới 5 tháng đầu năm, số ca tử vong đã lên đến 25%.
Qua giám sát thường xuyên, chủng virus Dengue gây ra sốt xuất huyết năm nay là là DEN-1, type DEN-2. Nhiều năm qua, ngành y tế không ghi nhận DEN-3 lưu hành ở phía Nam. Qua giám sát, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai, chủ yếu ca bệnh là type DEN-2. "Chưa thể nói dịch gây điểm nóng là type nào, nhưng chúng tôi ghi nhận sự lưu hành 2 type DEN-1 và DEN-2", ông Quang cho hay.
Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết tự đến cơ sở tư nhân trước khi nhập viện
TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, dịch sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp, số ca mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn mọi năm. Tại TP.HCM, số ca mắc mới cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tính riêng tháng 5/2022, số ca bệnh nhập viện cao bằng tổng số tích lũy từ đầu năm.
TS. Ánh Dương cho biết, qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết. Các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân, cho đến khi chuyển nặng mới nhập viện.
Đại diện TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho hay, vấn đề sốt xuất huyết ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam năm nào cũng "nóng". Tuy nhiên, năm nay, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát nếu ngành y tế không có các biện pháp quyết liệt.
Theo ông Hưng, trong hai năm chống dịch COVID-19, số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM rất thấp, khiến người dân lơ là, chủ quan.
Để hạn chế số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết, ngành y tế TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, kiểm tra trực tiếp các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, đồng thời vận động các cơ sở y tế tư nhân tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cũng có khuyến cáo đối với các phòng khám tư trên địa bàn thành phố chỉ có thể tư vấn hướng dẫn cũng như làm các xét nghiệm đơn giản nhưng tuyệt đối không được giữ các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lại để điều trị. Bởi làm vậy sẽ mất thời cơ "vàng" theo dõi, bệnh nhân rất dễ có nguy cơ chuyển nặng .
Theo đại diện Sở Y tế An Giang, địa phương này có số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tăng 387% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, An Giang gặp khó khăn lớn trong việc thiếu hóa chất diệt muỗi. Mặc dù địa phương đã đấu thầu mua hoá chất diệt muỗi nhưng phải huỷ thầu làm lại do không có đủ, hiện khoảng 1,5 tháng nữa mới có. Trong thời gian chờ mua sắm hóa chất số lượng lớn, địa phương đang đề nghị các cơ sở chỉ định thầu rút gọn dưới 100 triệu đồng để giải quyết nhanh nhưng các cơ sở cũng sợ sai phạm, nhiều nơi chưa thực hiện.
Là địa phương cũng có tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết rất cao, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.200 ca (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 176 ca bệnh nặng (chiếm 4,1%).
Theo đại diện Sở Y tế Bình Dương, địa phương này có 91 trạm y tế xã phường nhưng đang thiếu 550 biên chế tại trạm y tế xã, phường do nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài vất vả chống dịch COVID-19. Ba tháng đầu năm, khoảng 300 người nghỉ việc, vậy nên số nhân viên mới thay đòi hỏi phải tốn thời gian đào tạo, tập huấn.
Hiện ngành y tế tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai hết các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh và được UBND tỉnh cấp 8 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ là in tài liệu truyền thông nhưng chưa dám làm, còn đấu thầu thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) lo sợ sai phạm.
Tăng cường biện pháp triển khai phòng chống sốt xuất huyết
Kết luận tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, ngành y tế các tỉnh thành phía Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất các tỉnh thành phía Nam trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như dịch COVID-19.
Liên quan đến công tác phòng chống sốt xuất huyết, Thứ trưởng Liên Hương cho hay, cần phải có sự tham mưu đề UBND tỉnh, thành ủy vào cuộc. Theo đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí cũng như nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống sốt suất huyết, tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông giám sát xử lý ổ dịch, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy tại cộng đồng, hiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động...
Hiện nay theo phân cấp phân quyền, tất cả các tỉnh thành phố đều tự đảm bảo chủ động về hóa chất cũng như kinh phí. Không thể lấy lý do là đấu thầu chưa được hoặc sợ không dám đấu thầu. Bộ Y tế không thể đấu thầu thay các địa phương.
Cũng theo Thứ trưởng Liên Hương, cần phải tham mưu để các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp cùng ngành y tế trong việc triển khai công tác giám sát, truyền thông phòng chống sốt suất huyết. Sở Y tế nên thành lập các đoàn kiểm tra để triển khai công tác phòng chống dịch đến huyện, đến xã và ngay tại cộng đồng và nên phối hợp truyền thông phòng chống dịch COVID-19 lẫn xuất xuất huyết cũng như các dịch bệnh khác để tiết kiệm nguồn lực.
PGS.TS Liên Hương cũng đề nghị Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế tăng cường truyền thông hơn nữa về công tác phòng chống sốt xuất huyết để đảm bảo công tác truyền thông tốt hơn. Đồng ý thành lập Ban chuyên môn kĩ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam để hỗ trợ các địa phương.
Trước thực tế còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc và dịch truyền, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp cùng Cục Quản lý Dược khẩn trương giải quyết việc mua thuốc và dịch truyền để cung cấp cho các tỉnh thành phố. Đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh tăng cường đào tạo về công tác điều trị sốt xuất huyết thông qua các bệnh viện trung ương, Sở Y tế tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn. Riêng vấn đề phê duyệt kinh phí, mua sắm hóa chất, dịch truyền điều trị sốt xuất huyết, các địa phương phải tự chủ động.
Báo cáo của các địa phương cho thấy đến hết ngày 12/6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Các chuyên gia dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7/2022./.
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam (T/h)
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...