Bộ GD-ĐT: Đưa ra lộ trình giảm điểm ưu tiên với các thí sinh khi xét tuyển vào đại học
- Cập nhật: Thứ ba, 14/6/2022 | 11:12:54 Sáng
Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 vừa công bố có 8 điểm mới và điểm quan trọng nhất là việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Cụ thể có những điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi xét tuyển của các thí sinh như: thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến. Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của đợt xét tuyển 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định. Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây). Đây quy định thuận lợi cho các cơ sở đào tạo vì có thể lọc ảo gần như tuyệt đối.
Đáng chú ý hơn nữa, nếu như năm trước, các thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, xét các loại chứng chỉ, xét tuyển thẳng thì ngay sau khi biết điểm của kỳ thi, các em sẽ phải xác nhận nhập học ngay. Còn năm nay, các trường chỉ có trách nhiệm thông báo kết quả xét tuyển của các phương án nói trên, không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm.
Điều này sẽ giúp các thí sinh có thêm những lựa chọn khác phù hợp với mức điểm của mình. Đồng nghĩa với việc các cơ sở đào tạo sẽ không còn lượng chỉ tiêu "chắc chắn". Vì vậy việc chủ động phân bổ chỉ tiêu cho các phương án tuyển sinh là hết sức cần thiết. Ví dụ như Đại học Bách khoa Hà Nội dành đến 80% chỉ tiêu cho các phương án tuyển sinh khác ngoài phương án tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD-ĐT cho biết tại Quy chế tuyển sinh 2022, cách xác định điểm cộng ưu tiên từ năm 2023 đối với thí sinh từ 22,5 điểm trở lên sẽ giảm tuyến tính theo công thức: Điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng) = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Theo cách tính này, những thí sinh đạt điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30, thì với các em đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Đối với các em đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.
Đối với em đạt điểm càng cao điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.
Việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.
Bà Thủy cho hay qua phân tích phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm. Khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3). Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỉ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.
Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường ĐH cũng cho thấy: nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên; điều này cho thấy sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh trên, và các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.
Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, Quy chế tuyển sinh hiện hành đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023.
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng khẳng định việc áp dụng tính điểm ưu tiên giảm tuyến tính này áp dụng với tất cả các phương thức xét tuyển, các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.
An Hạ (T/h)
Nguôn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...