Trộm lấy đồng hồ nước, người dân phải bồi thường?

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/2/2020 | 1:50:51 Chiều

Đồng hồ nước để bên ngoài nhà dân, đáng nói khi đồng hồ nước bị mất, người dân lại nhận thông báo phải đóng tiền bồi thường cho công ty cấp nước.

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, nhiều hộ dân sinh sống tại khu phố 5, đường Ni Sư Huỳnh Liên (phường 10, quận Tân Bình) cho biết trước tết Nguyên đán, khu phố 5 đã có hơn chục vụ trộm cắp đồng hồ nước. Đáng nói hơn, khi đồng hồ bị mất, người dân lại bị công ty cấp nước yêu cầu đóng tiền bồi thường để được cấp đồng hồ nước mới.

Đồng hồ nước để bên ngoài nhà, không quản lý được

Bị mất đồng hồ nước vào đêm 30-12-2019, ông Nguyễn Hòa (ngụ khu phố 5, phường 10) cho biết ông không chỉ bức xúc trước tình trạng trộm cắp hoành hành, gây rối an ninh vào những ngày giáp tết mà hơn thế là ông phải đóng gần 1,5 triệu đồng tiền bồi thường cho Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa (gọi tắt là Công ty Tân Hòa) để được cấp đồng hồ mới.

Cụ thể, sáng 31-12-2019, ngay sau khi bị mất đồng hồ nước, ông Hòa đã trình báo với Công ty Tân Hòa. Tại nhà ông Hòa, đại diện Công ty Tân Hòa đã lập biên bản kiểm tra, xác nhận đồng hồ nước bị lấy trộm.

Tuy nhiên, biên bản lại ghi rõ: "Yêu cầu khách hàng liên hệ Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa đóng tiền bồi thường 1.470.051 đồng trong vòng ba ngày. Nếu quá thời hạn trên, khách hàng không liên hệ, công ty sẽ xử lý theo quy định”.

Điều này đã làm ông Hòa vô cùng bất ngờ và bức xúc khi đồng hồ nước bị trộm lấy cắp nhưng người dân phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Đáng nói, đồng hồ nước lại được lắp đặt bên ngoài nhà của các hộ dân nên theo ông Hòa và nhiều gia đình khác bị mất cắp thì việc bắt người dân chịu trách nhiệm là rất vô lý.

"Đồng hồ lắp đặt bên ngoài đường thì chúng tôi làm sao quản lý. Nếu mất thì công ty phải có trách nhiệm cấp lại. Nay công ty bắt dân bồi thường rồi mới chịu cấp nước lại, chẳng lẽ trộm lấy cắp đồng hồ là lỗi của người dân sao?” - ông Hòa bức xúc nói.

Tuy không đồng ý với cách giải quyết của Công ty Tân Hòa nhưng để đảm bảo có nước sinh hoạt trong tết, ông Hòa đành chịu đóng số tiền bồi thường trên.

Theo ông Đinh Văn Bình, tổ phó an ninh khu phố 5, từ đầu tháng 12 nhiều hộ dân tại khu phố 5 liên tục bị mất cắp đồng hồ nước, chỉ tính riêng hai tổ 96, 97 do ông quản lý đã có sáu đồng hồ nước bị lấy trộm, dù khu vực này được UBND phường 10 và nhiều hộ dân lắp đặt camera an ninh.

"Hầu như cứ một đêm là một đồng hồ nước bị lấy cắp. Sáng thức dậy, người dân phải đi xem đồng hồ nước nhà mình còn hay mất” - ông Bình thở dài.

Ông Bình cho biết thêm nhiều khu phố khác thuộc phường 10 (quận Tân Bình) trên đường Ni Sư Huỳnh Liên cũng phải chịu chung nạn trộm cắp này. Theo ông Bình, tình trạng trên một phần do từ một năm trở lại đây, các đồng hồ nước được di dời ra bên ngoài nhà người dân; một phần do hộp nhựa bảo vệ đồng hồ lại được che chắn đơn giản nên các đối tượng xấu rất dễ lấy cắp.

"Nhiều gia đình đã phải đóng đinh, bắt ốc vào nắp hộp bảo vệ hay dùng gạch đá đậy hộp bảo vệ lại để tự bảo vệ đồng hồ nước. Nhưng việc đặt đồng hồ nước ngoài đường là không an toàn” - ông Bình nói.

Trộm lấy đồng hồ nước, người dân phải bồi thường? - ảnh 1
Ông Nguyễn Hòa bức xúc khi nhận thông báo phải đóng tiền bồi thường vì bị trộm lấy cắp đồng hồ nước. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Không yêu cầu người dân đóng tiền bồi thường

Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đảm, Trưởng phòng Thương vụ, Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa, cho biết Công ty Tân Hòa không hề có yêu cầu các hộ gia đình bị mất đồng hồ nước phải đóng tiền bồi thường để được cấp đồng hồ nước mới.

Biên bản được lập có ghi số tiền khách hàng phải bồi thường là cơ sở để Công ty Tân Hòa trình báo đến lực lượng công an.

"Các trường hợp mất cắp đồng hồ đang được trình lên ban giám đốc để xem xét, giải quyết hướng có lợi nhất cho người dân. Chúng tôi đảm bảo người dân luôn có nước sinh hoạt khi bị lấy cắp đồng hồ nước. Đồng thời, chúng tôi hy vọng người dân hiểu và chia sẻ những thiệt hại của công ty khi bị mất đồng hồ. Dù đồng hồ nước được đặt bên ngoài nhưng người dân vẫn cần có trách nhiệm bảo quản tài sản này” - ông Đảm nói.

Cũng theo ông Đảm, trước phản ánh của báo về việc nhiều hộ dân phải đóng tiền bồi thường để cấp đồng hồ nước mới, công ty sẽ tiến hành kiểm tra và trả lời cho người dân.

Riêng việc đưa đồng hồ nước ra bên ngoài nhà người dân, ông Đảm cho biết là chủ trương chung của TP, đảm bảo việc ghi số nước được trung thực và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Ông Đảm cho biết thêm, chỉ tính riêng khu vực các hộ dân trên đường Ni Sư Huỳnh Liên đã ghi nhận 12 trường hợp bị mất cắp đồng hồ nước. Trên địa bàn hai quận Tân Bình và Tân Phú do Công ty Tân Hòa chịu trách nhiệm cấp nước, tính trung bình bị mất hai đồng hồ/ngày. Tình trạng này xảy ra từ giữa tháng 11-2019 đến nay.

Hiện Công ty Tân Hòa đang phối hợp cùng chính quyền địa phương để sớm tìm ra đối tượng trộm cắp, đồng thời đưa ra các cảnh báo cho người dân.

Trước tình trạng đồng hồ nước liên tiếp bị mất cắp, ông Nguyễn Trân Lam, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Tân Hòa, cho biết đang đề xuất công ty tiến hành cấp lại, thay mới các đồng hồ có vỏ ngoài bằng nhựa nhằm tránh các đối tượng xấu lấy lớp vỏ bằng đồng của đồng hồ để bán.

Ông Lam cũng cho biết đồng hồ bằng vỏ nhựa vẫn đảm bảo về các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng.

Giả nhặt ve chai, trộm đồng hồ nước

Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công an phường 10 (quận Tân Bình) cho biết qua thông tin phản ánh của người dân, lực lượng công an đã trích xuất camera an ninh. Theo các hình ảnh trích xuất, đối tượng là một người đàn ông, đi xe đạp mang theo các bao tải nhỏ, giả dạng người nhặt ve chai để đánh lừa sự cảnh giác của người dân.

Mới đây, đối tượng này đã bị Công an phường 2, quận 11 bắt giữ khi đang thực hiện hành vi trộm cắp đồng hồ nước của một hộ dân trên địa bàn phường 2, quận 11. Tuy nhiên, đối tượng không khai nhận có hành vi trộm cắp đồng hồ nước tại phường 10, quận Tân Bình.

Hiện Công an phường 10, quận Tân Bình đang phối hợp cùng Công an phường 2, quận 11 để làm rõ hành vi của đối tượng trên.
 
Theo Pháp Luật TP.HCM
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...