Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, kỳ I: Khi nước “sạch” về bản
- Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2022 | 5:01:36 Chiều
Thái Nguyên: Không thể phủ định hiệu quả của một số sông trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong số 254 công trình đã được đầu tư xây dựng, có đến 149 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động.
Không thể phủ định hiệu quả của một số sông trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động là trong số 254 công trình đã được đầu tư xây dựng (chủ yếu theo Chương trình 134, 135), hiện có đến 149 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành và các địa phương cần có đánh giá cụ thể về địa hình, sự quản lý, nhu cầu của người dân khi đầu tư, tránh để những công trình tiền tỷ bị bỏ hoang gây lãng phí và thất thoát tiền của của Nhà nước.
Khi nước "sạch” về bản, bà con ai cũng mừng vui. Có công trình nước sinh hoạt tập trung đồng nghĩa với việc bà con không còn chịu cảnh gùi từng thùng nước từ khe suối về nhà. Cuộc sống vì thế cũng vợi đi những vất vả, lo toan. Chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh đang có 70 công trình hoạt động hiệu quả và bền vững, giúp người dân vùng khó khăn thỏa "cơn khát”.
Vùng khó thỏa "cơn khát”
15 năm trước, tôi đã từng đặt chân đến bản người Mông Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Hồi ấy, hơn chục nóc nhà ở bản đều trông cả vào nguồn nước từ khe nhỏ trong núi. Mỗi khi mùa Đông tới, trời không có mưa, nguồn sinh thủy ít đi, bà con phải chắt chiu từng giọt nước để phục vụ sinh hoạt. Vì thế, cả người lớn và trẻ nhỏ đều không được tắm, giặt thường xuyên. Bà con không tránh khỏi bị các bệnh như đau mắt, tiêu chảy…
Năm 2012, được Nhà nước đầu tư gần 500 triệu đồng theo Chương trình 135 để xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, người dân Lân Đăm đã không còn thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh nữa. Anh Lý Văn Ló, một người dân trong bản nói: Trước đây phải xếp hàng hứng từng can nước từ khe suối rồi gùi trên lưng mang về nhà dùng. Nước ít, nhà lại đông người nên chúng mình khổ vì thiếu nước. Giờ nước về tận nhà rồi, mọi người đều được dùng nước thỏa thuê…
Cũng giống như Lân Đăm, bản người Mông Khe Cạn (nay là Khe Mong), xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), từng là địa bàn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Năm 2011, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy tại đây nhưng sau gần 10 năm sử dụng, công trình xuống cấp, ngưng hoạt động, cảnh nhà nhà thiếu nước tái diễn. Vì lẽ đó, gần 200 nhân khẩu của 40 hộ dân trong bản gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.
Trước những nhu cầu bức thiết của bà con, năm 2020, từ nguồn vốn thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037), công trình nước sinh hoạt tập trung xóm Khe Mong đã được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng.
Vừa vặn vòi nước của gia đình để rửa tay, anh Hoàng Văn Sỉnh, Bí thư Chi bộ Khe Mong vừa chia sẻ với chúng tôi: Nước đã về đến tận nhà, nguồn nước dồi dào quanh năm, chúng mình không còn lo thiếu nước sinh hoạt nữa rồi.
Một công trình nước sinh hoạt tự chảy đang phát huy tác dụng nữa phải kể đến là công trình cấp nước ở xóm 11, xã Phú Xuyên (Đại Từ). Từ năm 2007, công trình cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư giúp hơn 150 hộ dân nơi đây (trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao) không phải chịu cảnh "khát” nước mỗi khi mùa Đông về.
Ông Phạm Hiếu Bường, một người dân ở xóm 11 nói: Thiếu nước là thiếu đi sự sống. Khi chưa có công trình nước, bà con phải dùng nước giếng khơi bị ô nhiễm do tạp chất như sắt, thuốc bảo vệ thực vật từ đồi chè theo nước mưa chảy xuống… Từ ngày có nước "sạch” bà con vui lắm. Xóm đã bầu ra Tổ quản lý để lắp đồng hồ, hàng tháng thu 1 nghìn đồng/khối nước (thường mỗi hộ dùng hết từ 30 - 40 nghìn đồng/tháng) để lấy kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình.
Thực tế chứng minh, việc đầu tư các công trình nước sinh hoạt tự chảy có ý nghĩa quan trọng đối với những hộ dân nông thôn. Không chỉ phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước "sạch” của người dân, từ khi có công trình cấp nước sinh hoạt, bà con còn thay đổi tư duy trong việc ăn sạch, uống sạch, ở sạch; bảo vệ môi trường sinh thái….
Thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân
Người dân nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng cao tại Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa… trước đây chỉ quen dùng nước khe mạch, sông, suối chưa qua xử lý phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, ở các bản người Mông như Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ); Lũng Luông, Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai)… bà con hầu như không có nhà vệ sinh. Bởi vậy, hơn 15 năm về trước, tỷ lệ trẻ em ở các xã miền núi, vùng cao trong tỉnh bị mắc bệnh tiêu chảy, các bệnh về đường ruột lên đến 60-70%. Khi nước sạch về bản, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ em đã được quan tâm nhiều hơn.
Anh Hoàng Văn Sỉnh, Bí thư Chi bộ bản người Mông Khe Mong thừa nhận: Từ ngày có các công trình cấp nước sinh hoạt, nhiều tập quán lạc hậu của người Mông chúng mình không còn nữa. Trước đây, bà con không có thói quen giữ gìn vệ sinh chung thì nay nhà nào cũng có nước sạch, có nhà vệ sinh… Vui hơn là lũ trẻ trong bản không còn mắc bệnh về đường ruột, bị nhiễm giun sán.
Đến nay, hơn 95% số dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ việc đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, cụm dân cư... Nước là nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Khi các công trình nước sinh hoạt được đầu tư, đưa nước về tận hộ đã giúp người dân miền núi, vùng cao, nhất là ở những địa bàn khó khăn cải thiện đời sống, hành vi cá nhân và nâng cao dân trí. Cùng với đó là sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao, các bệnh liên quan về nước giảm rõ rệt; tập quán lạc hậu ở nông thôn, miền núi trên địa bàn về sử dụng nước, chăn nuôi gia súc đã thay đổi theo hướng tích cực.
Những ích lợi từ công trình nước sinh hoạt mang lại cho người dân nông thôn, miền núi, vùng cao ở Thái Nguyên Nguyên là có thật. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình cấp nước sinh hoạt đang phát huy hiệu quả, vẫn còn rất nhiều công trình đang "đắp chiếu” từ nhiều năm nay...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 219 công trình do UBND xã và cộng đồng dân cư quản lý, 10 công trình do doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý, còn lại 25 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý.
(còn nữa)
Nguồn baothainguyen.vn
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...