Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, kỳ III: Lãng phí kép từ các công trình “đắp chiếu”
- Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2022 | 5:01:36 Chiều
Được đầu tư xây dựng với số tiền không hề nhỏ, nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang “đắp chiếu” hoặc hoạt động kém hiệu, quả gây lãng phí nguồn lực và kéo theo nhiều hệ lụy.
Được đầu tư xây dựng với số tiền không hề nhỏ, nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đang "đắp chiếu” hoặc hoạt động kém hiệu, quả gây lãng phí nguồn lực và kéo theo nhiều hệ lụy. Đây là một thực trạng đáng buồn chưa có hướng giải quyết nhiều năm nay.
Công trình "đắp chiếu”, nguồn lực lãng phí
Có thể thấy, khi các công trình cấp nước sinh hoạt bị "đắp chiếu” đồng nghĩa với việc nhiều tỷ đồng của Nhà nước bị "chôn vùi” trong lòng đất. Một trong những công trình có vốn đầu tư lớn, gây lãng phí tiền của của Nhà nước phải kể đến là công trình cấp nước sinh hoạt xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa (Phú Bình). Năm 2007, công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 140 hộ dân trong xóm, 2 trường học và trạm y tế xã. Tuy nhiên, nhiều năm nay, công trình trị giá tiền tỷ này chỉ để cho rêu, cỏ mọc.
Ngoài ra, công trình nước ở xóm Giếng Mật của xã Tân Hòa cũng đang nằm "bất động” làm lãng phí gần 1 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Cách đó không xa, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành (Phú Bình), cũng có số vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng đang trong tình trạng tương tự. Công trình được đầu tư xây dựng năm 2007 bằng nguồn vốn Chương trình 134, nhưng chẳng bao lâu sau khi khánh thành, người dân "khát” lại hoàn "khát” và số tiền đó cũng đang bị chôn vùi dưới lớp rong rêu.
Ông Nguyễn Hữu Duy, Trưởng xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành (Phú Bình), xót xa nói: Nếu không có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân chúng tôi không thể có điều kiện đầu tư xây dựng, lắp đặt công trình cấp nước sinh hoạt có giá trị như thế này. Giờ, công trình bị bỏ hoang, nhìn mà xót…
Như chúng tôi đã thông tin, các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phần lớn được thực hiện theo Chương trình 135, Quyết định 134/QĐ-TTg, Quyết định 1592/QĐ-TTg, Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 135 có 10 công trình, với tổng kinh phí đầu tư là trên 15 tỷ đồng; thực hiện theo Quyết định 134 có 80 công trình, tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng; thực hiện theo Quyết định 1592 gồm 37 công trình, tổng vốn đầu tư trên 27 tỷ đồng; thực hiện theo Quyết định 755 gồm 3 công trình, tổng đầu tư trên 2,7 tỷ đồng…
Các công trình này đều được thực hiện cách giao vốn là: Hằng năm, Ban Dân tộc chủ trì họp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để thống nhất. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh giao số lượng công trình và tổng vốn cho UBND cấp huyện, UBND cấp huyện giao kế hoạch vốn chi tiết cho từng công trình.
Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay: Ngoài thực hiện theo các chương trình nêu trên, số công trình cấp nước sinh hoạt còn lại được đầu tư xây dựng bởi nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Theo kết quả kiểm tra, khảo sát của cơ quan chức năng, trong tổng số các công trình đã đầu tư trên địa bàn tỉnh, hiện có 70 công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động bền vững và hiệu quả; 149 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động. Trong số đó có không ít công trình được xây dựng tiền tỷ. Nếu tính bình quân 800 triệu đồng/1 công trình thì số tiền lãng phí đã lên tới trên 100 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, nhất là khi nguồn ngân sách hạn hẹp, cần đầu tư nhiều việc để phục vụ an sinh - xã hội, phục vụ phát triển kinh tế.
Và nhiều hệ lụy kéo theo
Không chỉ lãng phí tiền của, các công trình kém hiệu quả còn gây lãng phí nguồn sinh thủy. Lần theo đường ống dẫn nước của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xóm Đèo Xá, xã Yên Lãng (Đại Từ), chúng tôi thấy, đường ống dẫn từ bể chứa trên núi chạy dọc theo khe nước xuống núi chỉ còn vài đoạn ngắn nhưng đã bị đứt gẫy, nguồn nước sạch từ trong ống róc rách đổ ra lênh láng trên mặt đất.
Ông Lưu Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng cho biết: Đường ống này được làm bằng kim loại, bởi vậy, không ít lần bị các đối tượng xấu lấy trộm để đem bán. Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, rà soát đối tượng, từ đó phát hiện và thu giữ một số đoạn ống. Hiện, tang vật vẫn đang được cất giữ tại nhà Trưởng xóm Nguyễn Văn Tú.
Không riêng ở Đèo Xá, quá trình đi khảo sát các công trình cấp nước sinh hoạt khác, chúng tôi thấy, trường hợp đường ống hư hỏng, vỡ, mất… không được xử lý khiến nguồn nước chưa đến được hộ dân đã trở lại lòng đất không phải là hiếm. Đơn cử như các công trình cấp nước: Yên Thịnh - Yên Lạc (Phú Lương), Khuổi Mèo - Sảng Mộc (Võ Nhai), Liên Phương - Văn Lăng (Đồng Hỷ)…
Ngoài ra, ở những công trình hoạt động kém hiệu quả, do chưa được quan tâm quản lý nên đã xảy ra tình trạng người dân sống ở khu vực gần công trình cấp nước thấy có nguồn nước dồi dào đã sử dụng song hành vào hai mục đích: Sinh hoạt và phục vụ sản xuất như tưới chè, đưa nước vào ruộng để cấy lúa.
Thậm chí, có hộ còn mở van nước liên tục không đóng, để nước chảy lênh láng ra môi trường. Trong khi đó, những hộ phía cuối nguồn, nước chảy rất yếu, không đủ nước sinh hoạt, dẫn đến giữa các hộ dân nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có.
Để vận hành các công trình nước này, nhiều địa phương thành lập các ban, tổ quản lý (mỗi công trình có ít nhất 4 người tham gia quản lý). Có nhiệm vụ giám sát, vận hành và kịp thời xử lý khi công trình xảy ra sự cố trục trặc, hư hỏng, tuy nhiên, khi công trình "đắp chiếu” sẽ gây lãng phí nguồn lực con người (thực tế nhiều công trình đã ngừng hoạt động nhưng tổ, ban quản lý vẫn phải trông coi như công trình cấp nước Đèo Xá, Yên Lãng).
Ông Lê Văn Hải, xóm Tân Yên, xã Quân Chu (Đại Từ), bày tỏ: Năm 2011, sau khi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng, xóm đã thành lập Tổ quản lý do tôi làm Tổ trưởng. Do lâu ngày không được bảo dưỡng và một số người dân đục đường ống để lấy nước sản xuất nên đến nay công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, đồng hồ nước bị hư hỏng, cỏ mọc um tùm, nước lúc có lúc không, lượng nước không đủ để cung cấp cho các hộ dân. Vì thế, đến nay chỉ có khoảng 10 hộ sử dụng nguồn nước này, các hộ còn lại phải khoan giếng hoặc gánh nước từ khe, suối về dùng. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải thường xuyên trông nom để phòng kẻ xấu lấy cắp, hoặc những người thiếu ý thức đập phá.
Có thể thấy, công trình cấp nước ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả đã gây lãng phí các nguồn lực. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này không phải là chuyện của một sớm, một chiều.
(Còn nữa)
Nguồn baothainguyen.vn
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...