Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, kỳ IV:Để không còn những câu chuyện buồn về lãng phí

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2022 | 5:01:36 Chiều

Đảng ta luôn nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung.

tm-img-alt
Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý đang phát huy hiệu quả, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 2.700 hộ dân.

Đảng ta luôn nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung. Giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số… là một trong những giải pháp thực hiện chủ trương đó.

Từ ý nghĩa nhân văn

Trước tiên, phải khẳng định rằng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quan tâm chăm lo thiết thực tới đời sống người dân miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi bà con còn khó khăn vì thiếu nguồn nước sạch là hết sức đúng đắn. Nếu như bỏ qua số công trình nước đã dừng hoạt động và hoạt động kém hiệu quả, chỉ nhìn vào 70 công trình nước đã, đang mang lại hiệu quả như mong muốn, có thể thấy các công trình này đã làm rất tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước "gửi gắm” là phục vụ nước sạch cho nhân dân.

Nhiều công trình nước đã thực sự làm thay đổi đời sống, thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân. Khẳng định điều này, bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên (Đại Từ) cho biết: Toàn xã có 1.600 hộ dân. Trước năm 2000, nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, 100% người dân địa phương sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh và thiếu nước sinh hoạt. Năm 2002, xã được đầu tư 3,7 tỷ đồng xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy phục vụ cho trên 400 hộ dân, 3 trường học, trạm y tế và khu trung tâm UBND xã. Từ hiệu quả mang lại, hằng năm công trình tiếp tục được nâng cấp giúp các hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch.

 

Sau 20 năm hoạt động, đến nay Hợp tác xã Dịch vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường xã Mỹ Yên đang quản lý 1.350 hộ dân sử dụng nguồn nước. Hiện, 100% số hộ dân của xã đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, kỳ IV: Để không còn những câu chuyện buồn về lãng phí
Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên (Võ Nhai): Từ thực tế tại địa phương, chúng tôi nhận thấy, những công trình cấp nước sinh hoạt được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý đều hoạt động rất hiệu quả. Do đó, việc đưa một số công trình có vốn đầu tư lớn về cho Trung tâm quản lý, vận hành là rất phù hợp.

Thực tế này cho thấy, việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng cao - nơi địa bàn rẻo cao đang thiếu nguồn nước sạch trầm trọng là cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, trước thực trạng 149 công trình đang hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động trên địa bàn, không ít người trăn trở là làm thế nào để giải quyết những tồn tại đang hiện hữu nêu trên?

Đến các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả

 

Để giải bài toán nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, chắc chắn cần đến sự góp sức của nhiều cấp, ngành, địa phương và cả người dân. Thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp đồng bộ chính là lời giải cho bài toán "nước sạch - sạch nước”. Ông Lương Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên (Đại Từ) cho rằng: Trước hết là cần một cuộc tổng rà soát chi tiết, cụ thể các công trình đã xây dựng. Phần việc này đã được thực hiện trong suốt những tháng qua.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thông tỉnh cho rằng, đối với các công trình hư hỏng ngừng hoạt động hoặc hiệu quả thấp, thì UBND các huyện tổ chức khảo sát, đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Từ đó có giải pháp sửa chữa, nâng cấp theo hướng: Công trình nào ngừng hoạt động, không thể khắc phục được hoặc nếu khắc phục đòi hỏi tốn kém nguồn kinh phí lớn thì lập phương án thanh lý. Riêng đối với các công trình có nguồn nước ổn định, người dân thực sự có nhu cầu thì xem xét cho phép lập phương án nâng cấp, sửa chữa để sử dụng.

Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, việc quản lý vận hành là khâu hết sức quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các công trình nhằm đem lại hiệu quả cao cho mỗi công trình cấp nước. Vì vậy, cần thực hiện việc giao, nhận công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo phân cấp cho các xã, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn tổ chức bộ máy quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo đúng quy định. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý khai thác phù hợp với đặc điểm, quy mô của từng loại hình công trình theo hướng bền vững, hiệu quả và tham mưu cơ chế hỗ trợ đối với công tác quản lý khai thác công trình.

 

UBND các huyện có hướng dẫn củng cố, kiện toàn các ban quản lý khai thác công trình, bảo đảm hiệu quả bền vững. Ban quản lý có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước, hệ thống đường ống… để có cách xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố hỏng hóc, xuống cấp.

tm-img-alt
Ông Khúc Kim Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Đồng Hỷ): Quang Sơn được đầu tư đầu tư xây dựng 2 công trình cấp nước sinh hoạt. Công trình cấp nước ở bản người Mông Lân Đăm hoạt động rất hiệu quả, tuy nhiên, công trình cấp nước Viến Ván, xóm Đồng Tâm, đã ngừng hoạt động nhiều năm nay do đường ống dẫn nước bị tắc. Chúng tôi mong muốn công trình này sớm được sửa chữa để cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân.

Cuối cùng là giải pháp nâng cao ý thức người dân trong sử dụng, bảo vệ, vận hành công trình nước. Cụ thể là, các địa phương tăng cường vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tham gia nạo vét, sửa chữa đường ống, cụm đầu mối, bể lọc nước và nạo vét các giếng đào, giữ vệ sinh khu vực giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Sử dụng một cách tiết kiệm, khoa học, không lãng phí nguồn nước từ công trình, không sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt để canh tác hay các mục đích khác ngoài phục vụ đời sống sinh hoạt, đặc biệt là không để nước chảy lãng phí ra môi trường.

Đã đến lúc cần nghiên cứu đến việc xây dựng khung giá nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn để đảm bảo cho các công trình đủ kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên, chống xuống cấp, nâng cao ý thức cho người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân làm công tác quản lý, vận hành…

Chỉ có làm được như vậy mới khai thác hết lợi ích mà các công trình nước đem lại, phục vụ đời sống người dân một cách hiệu quả, lâu dài và mỗi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không trở thành một câu chuyện buồn về lãng phí…

Thái Nguyên hiện có 98 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có tổ quản lý vận hành, trong đó có 54 công trình thu tiền sử dụng nước. Tuy nhiên, mức thu tiền nước giữa các địa phương không đồng nhất, thu không đủ bù chi, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng và trả công cho tổ quản lý vận hành.


Nguồn baothainguyen.vn

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...