Trăm cái khó của công nhân môi trường

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2022 | 2:31:45 Chiều

Công việc của một công nhân vệ sinh môi trường vốn đã gặp nhiều khó khăn, vất vả thì nay giá xăng liên tục tăng - giảm, giá thực phẩm tăng khiến đồng lương của họ ảnh hưởng nghiêm trọng.


Thu không đủ chi, họ phải làm nhiều việc cùng một lúc để vượt qua cơn bão giá này.
Không còn cách nào khác
Bà N.T.H (sinh năm 1970, quê ở Bắc Kạn) - làm công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội đã nhiều năm nay. Vóc dáng vốn nhỏ bé, công việc vất vả nên trông bà H già hơn nhiều so với tuổi.
Bà H và chồng thuê trọ ở đường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Căn phòng mà 2 vợ chồng thuê chỉ có giá 500.000 đồng/tháng. Trong nhà, chiếc quạt là vật dụng giá trị nhất. Những ngày hè nóng nực, bà H phải dùng nước hắt lên mái nhà để đỡ oi nóng.
"Trước kia tôi được trả mức lương khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, giờ làm giảm đi, lương cũng thấp hơn chỉ còn hơn 3 triệu đồng/tháng. Tôi đã xin được một công việc dọn vệ sinh cho một nhà dân với mức lương 6 triệu đồng/tháng nên xin nghỉ chỗ cũ” - bà H cho biết.
Làm nhiều việc một lúc
Căn nhà nằm trong một con ngõ nhỏ ngoằn nghèo trên đường Hữu Hưng, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là nơi chị Vũ Thị Hòa (sinh năm 1980) - công nhân vệ sinh môi trường sinh sống. Chị được người thân cho mượn đất, rồi cả gia đình chị dựng căn nhà "tạm” để có nơi trú mưa, tránh nắng.
Làm công việc vệ sinh môi trường nhiều năm nay, tiền lương của chị Hoà chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề lái xe ôm, thu nhập rất bấp bênh.
Với đồng lương công nhân ít ỏi, giá cả tăng chóng mặt nên gia đình chị Hòa sống rất chật vật.
"Đi làm tiền ăn còn chẳng đủ không biết bao giờ mới đủ tiền sửa nhà” - chị Hòa than thở. Căn nhà của chị Hòa rộng chừng 20m vuông, căn bếp lụp xụp ngay cạnh, mái thấp đến mức chạm đầu. Những ngày nắng, để nấu một bữa cơm cho gia đình với chị Hòa không khác nào "cực hình”.
Ngoài làm công nhân dọn vệ sinh, chị Hòa cũng nuôi gà, trồng rau để cải thiện cuộc sống gia đình. Không chỉ vậy, chị còn nhận đi dọn nhà thuê theo giờ vào thời gian không phải đi làm. Trong thời kỳ "bão” giá, chị Hòa tìm mọi cách để trang trải cuộc sống, cải thiện bữa ăn gia đình. Chị nói: "Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân môi trường thì không sống nổi”.
Chị Hoà còn có 2 người con trai. Con trai đầu của chị đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, đậu 2 trường đại học, nhưng lại quyết định theo học một trường cao đẳng. Theo chị Hoà, lý do con chọn học cao đẳng vì có thể ra trường đi làm sớm, học phí rẻ hơn so với các trường đại học. Nhiều lần chị tâm sự với con, con cứ học những cái con thích, nếu không đủ tiền, chị có thể vay mượn thêm. Cậu con trai thứ 2 của chị năm nay lên lớp 9, tiền học phí đầu năm của con chị sẽ xin đóng từng đợt nhỏ.
Dù khó khăn chồng chất nhưng chị Hoà cho biết: "Tôi sẽ cố gắng để các con được học hành tử tế. Sau này có công việc ổn định để không khổ như bố mẹ”.
Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Thanh Trì Nguyễn Văn Thụy cho biết, để duy trì công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hoàng Mai, mỗi ngày các đơn vị trên địa bàn phải chi thêm hơn gần 34 triệu đồng tiền nhiên liệu, tương đương hơn 1 tỉ đồng/tháng. Tình trạng trên kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống cán bộ công nhân, đặc biệt là những lao động phổ thông, những người hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn./.


Nguồn Báo Lao động
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...