Tìm hiểu về các loại nước muối trong y tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2022 | 4:00:55 Chiều

Nước muối y tế, mà người dân quen gọi là 'nước muối sinh lý' - là sản phẩm rất thông dụng trong mỗi gia đình.

1.Nước muối y tế có bao nhiêu loại?

Tùy vào nồng độ muối trong dung dịch nước muối, sẽ chia làm 3 loại dung dịch nước muối chính:

- Nước muối đẳng trương: Là dung dịch nước muối được pha chế với tỷ lệ muối tinh khiết/nước cất là 0.9%. Nghĩa là dung dịch pha với nồng độ 1lít nước và 9g natri chloride tinh khiết.

Dung dịch này được gọi là nước muối 0.9%, hay còn gọi là nước muối sinh lý. Nồng độ của dung dịch này đẳng trương với nồng độ của dịch sinh lý của cơ thể nói chung, cân bằng với dịch thể và cũng cân bằng với dịch tế bào của hầu hết các loại vi khuẩn. Chính vì thế, nước muối nồng độ này không có khả năng kháng khuẩn.

 

- Nước muối ưu trương: Là dung dịch nước muối có tỷ lệ muối tinh khiết/nước cất cao hơn 0.9%. Nồng độ muối càng cao, đậm đặc, thì độ ưu trương càng mạnh, càng háo nước. Nếu tiếp xúc với tế bào sống thì nước muối "ưu trương mạnh" sẽ "rút" nước từ tế bào, khiến cho tế bào bị mất nước, biến dạng, teo nhỏ, bất hoạt hoặc bị tiêu diệt theo kiểu "chết khô". Cho dù đó là tế bào của cơ thể người hay của vi khuẩn thì cũng chịu chung số phận như vậy.

Cho nên, nếu để có tác dụng kháng khuẩn hay diệt khuẩn, thì dung dịch nước muối phải có nồng độ muối đậm đặc hơn dung dịch đẳng trương rất nhiều.

Chỉ nên sử dụng nước muối để vệ sinh mũi họng khi bị viêm nhiễm.

- Nước muối nhược trương:Là dung dịch nước muối có tỷ lệ muối tinh khiết/nước cất thấp hơn 0.9%. Nồng độ muối càng thấp hơn nhiều thì dung dịch càng nhược trương. Trên thị trường, nước muối nhược trương hiện nay đa số được pha chế với nồng độ 0.65%, thường dùng để xịt rửa vệ sinh mũi họng hằng ngày. Tuy nhiên sản phẩm này không phổ biến như nước muối đẳng trương và nước muối ưu trương.

 

2.Cách dùng nước muối

Nước muối đẳng trương và nước muối nhược trương không gây hại cho tế bào nên cũng không diệt được vi khuẩn, mà chỉ có tác dụng "rửa trôi" vi khuẩn, nếu như khi ta dùng để súc miệng, súc họng, rửa vết thương...

2.1 Nước muối đẳng trương

 

Còn gọi là nước muối sinh lý, được sử dụng nhiều nhất trên thị trường. Do nồng độ của dung dịch này đẳng trương với nồng độ của dịch sinh lý của cơ thể và cân bằng với dịch thể, nên dung dịch tiêm truyền NaCL 0.9% được lựa chọn đầu tay để bổ sung dịch cho cơ thể qua đường tĩnh mạch vào máu trong trường hợp mất nước (tiêu chảy, sốt cao, nôn nhiều…). Tuy nhiên, các sản phẩm dịch truyền phải đạt tiêu chuẩn khắt khe theo quy định riêng của tiêu chuẩn "thuốc tiêm truyền".

Nếu là dung dịch nước muối rửa vết thương, thì phải đạt giới hạn nhiễm khuẩn cấp độ 2, tức là gần bằng tiêu chuẩn vô khuẩn của thuốc tiêm và cao hơn tiêu chuẩn về giới hạn nhiễm khuẩn các loại dung dịch thuốc uống rất nhiều.

Chế phẩm nước muối sinh lý nhỏ mắt, phải đạt cấp độ vô khuẩn và không gây kích ứng mắt. Sản phẩm nhỏ mắt, trên bao bì sẽ in hình con mắt.

Nếu là dung dịch nước muối "nhỏ mũi" thì chỉ dùng để nhỏ mũi, không được nhỏ mắt do không đạt tiêu chuẩn của thuốc nhỏ mắt, có thể gây hại cho mắt.

Sản phẩm dịch tiêm truyền có thể sử dụng cho cả nhỏ mắt, nhỏ mũi và rửa vết thương. Tuy nhiên dung dịch truyền có giá thành cao hơn và không thuận tiện trong việc rút dung dịch ra để nhỏ mắt/mũi hoặc vệ sinh, rửa trôi vết thương. Do đó lại ít được người dân mua về sử dụng.

Còn các sản phẩm dung dịch nước muối rửa vết thương có giá thành rất rẻ nên ít được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư sản xuất. nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, nhất là các sản phẩm không đăng ký là thuốc. Vì thế, khi mua nước muối sinh lý (đặc biệt là các chai to, loại 500ml-1000ml) cần lưu ý tới xuất xứ, nhãn hàng và mã số cấp phép.

Trong vệ sinh mũi họng, nước muối sinh lý 0.9%, thường dùng với mục đích vệ sinh lấy sạch mũi nhầy, nhỏ mắt, trộn với thuốc giãn phế quản để xông… Nước muối đẳng trương vì có nồng độ muối sinh lý với mũi/họng nên có thể dùng nhiều lần, dài ngày tùy theo nhu cầu vệ sinh khi viêm nhiễm.

Dù vậy cũng không nên lạm dụng hằng ngày, khi cơ thể (đặc biệt là trẻ em) bình thường, không có dấu hiệu của viêm mũi họng thì không nên dùng.

2.2 Nước muối ưu trương

Là loại có nồng độ muối cao hơn 0.9%.

Do nồng độ muối cao, khi tiếp xúc với tế bào sống, dung dịch nước muối ưu trương sẽ rút nước ra khỏi tế bào, khiến tế bào vi khuẩn bị mất nước mạnh và bị chết hoặc bị bất hoạt.

Loại nước muối ưu trương này có thể tự pha do không phải lo ngại bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, xét theo góc độ khoa học thì có thể gây lợi bất cập hại. Bởi dù tiêu diệt được vi khuẩn, virus, nhưng đồng thời cũng gây tổn thương niêm mạc miệng họng, làm suy yếu lớp hàng rào bảo vệ tế bào, dẫn đến tăng nguy cơ cho virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Do đó đây không phải là loại nước muối dùng để vệ sinh mũi họng hoặc vệ sinh vết thương thường xuyên được.

Loại nước muối này chỉ được khuyên dùng trong trường hợp nghẹt mũi do phù nề cuốn mũi.

Nước muối ưu trương chỉ nên dùng tối đa trong 1 đợt cảm 5-7 ngày, không nên dùng quá 7 ngày liên tục vì có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc mũi.

Tuyệt đối không dùng loại nước muối này để nhỏ mắt, vì có thể làm tổn thương niêm mạc mắt, giác mạc và hỏng mắt.

Trường hợp bị nghẹt mũi, có thể phối hợp sử dụng nước muối ưu trương và đẳng trương như sau:

Khi cuốn mũi đang phù nề quá mức gây nghẽn đường thở, dùng nước muối ưu trương xịt hoặc nhỏ vào mũi rồi nhay nhẹ cánh mũi. Nồng độ muối mặn sẽ làm cuốn mũi co lại, để ống mũi hở ra một khe, qua khe đó dịch mũi bên trong có thể chảy ra.

Lúc này chuyển sang dùng nước muối đẳng trường xịt/nhỏ để làm loãng nhầy nhớt, dễ chảy ra và dễ vệ sinh sạch mũi hơn.

Tiếp đó có thể nhỏ hoặc xịt thêm 1 lần nước muối ưu trương nữa để tăng hiệu quả chống nghẹt mũi./.

An Na (T/h)


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...