Cần bảng lưu niệm để phố phường không mất ký ức
- Cập nhật: Thứ ba, 16/8/2022 | 4:10:24 Chiều
Việc “để sót” những phương tiện trực quan ghi nhớ lịch sử là một trong những triệu chứng rõ ràng của dịch bệnh “buông bỏ di sản” và lãng quên công sức của tiền nhân.
Không riêng TP.HCM, nhiều tỉnh thành khác rất thiếu vắng những tấm bảng lưu niệm thông tin lịch sử ở từng kiến trúc và cảnh quan độc đáo. Ngay cả trụ sở UBND TP.HCM - một tòa lâu đài phong cách Baroque tráng lệ, tuổi đời hơn 110 năm vẫn chưa có một bảng ghi ngoài cửa thông tin lai lịch của tòa nhà, dù chỉ ngắn gọn năm xây dựng và tên kiến trúc sư! Nói chi thương xá Tax, thương xá Eden, bồn nước giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, nhà máy Ba Son, nhà máy Chợ Quán, lò gốm Hưng Lợi - những dấu ấn xuyên thế kỷ của Sài Gòn đã "khuất núi”...
Dịch bệnh "buông bỏ quá khứ”
Đầu năm nay, bến Bạch Đằng sau chỉnh trang rất duyên dáng, thu hút đông đảo người dân và du khách dạo chơi. Nhưng không nhiều người biết nơi đây từng là điểm đặt chân khai phá đầu tiên của người Việt vào thế kỷ XVII. Càng không biết các địa danh xưa như Thủy Các, bến Ngự, trạm Gia Tân, cột cờ Thủ Ngữ, bến đò và bến phà Thủ Thiêm nằm ở đâu dọc theo bờ sông. Giá như tại bến Bạch Đằng có những tấm bảng chỉ dẫn nơi chốn và sự tích ra đời của những "cổ tích” ấy thì hồn cốt của khu vực sông nước linh thiêng này không rơi vào quên lãng.
Trong khi đó, phía trước bến Bạch Đằng có một công thự mỹ lệ là tòa nhà Thương Chính Đông Dương, nay là trụ sở Hải Quan, vừa được trùng tu - công phu và tốn kém. Tòa nhà này trông sang tòa nhà Rồng ở phía Khánh Hội, cả hai đều cùng niên đại xây dựng cách đây hơn 160 năm, đều là biểu tượng cho lịch sử giao thương và hàng hải của thành phố. Song cả hai đều thiếu vắng một bảng ghi "tiểu sử” đặt nơi cổng vào. Thêm nữa, từ bến Bạch Đằng ra đến cửa biển Cần Giờ có rất nhiều nơi chốn ghi dấu lịch sử hình thành và hoạt động giao thương của thành phố như mũi Đèn Đỏ, núi Chùa, mũi Gành Rái, mũi Đồng Tranh, Ngã Bảy… Hầu hết vẫn chưa có bảng lưu niệm hay bảng hướng dẫn để giải thích địa danh và các sự kiện lịch sử.
Với nội thị Sài Gòn, chúng ta không thể quên chợ Bến Thành - một biểu tượng thân quen được khai trương năm 1914, sửa mới vào năm 1952 và 1985. Nhưng đến nay, du khách "tìm đỏ mắt” cũng không thấy một tấm bảng thông tin cho biết quá trình kiến tạo của ngôi chợ nhà lồng nổi tiếng này. Đồng cảnh ngộ, chợ Bình Tây, khánh thành năm 1928, hiện cũng chưa có bảng kỷ niệm việc "sinh thành”. Trong sân chợ trước đây có bức tượng toàn thân của ông Quách Đàm - người có công dựng chợ nhưng nay chỉ còn lại chiếc bệ trắng. Càng ngậm ngùi hơn, bảng lưu niệm ở một số công trình xưa cổ đã bị gỡ bỏ và "mất tích”. Chẳng hạn chiếc bảng đồng khai trương công viên Pages năm 1935. Hai mươi năm sau, công viên đổi tên là Chi Lăng nhưng vẫn giữ chiếc bảng lưu niệm đầu tiên. Vậy mà vào năm 2009, công viên bị "cải tạo” rồi bỏ luôn chiếc bảng quý giá.
Cùng nằm trong "danh sách buồn”, phải kể đến những địa điểm hay ngôi nhà là nơi khai sinh hoặc làm việc của các danh nhân nhiều thời đại. Chẳng hạn Nhà Văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch) từng là trường thi Gia Định, nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng nhiều sĩ tử Nam kỳ lui tới. Hay "Dinh Thượng thơ” ở số 59-61 Lý Tự Trọng, là nơi đặt tòa soạn Gia Định Báo - tờ báo quốc ngữ "thủy tổ”, vẫn còn in bóng các cây bút Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký... Mặt khác, cũng hiếm thấy những tấm bảng ghi nhớ ngày khởi công và hoàn thành, tên tác giả thiết kế và hãng thầu xây dựng ở nhiều công trình lớn như cầu cống, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, nhà ga. Hay ở nhiều trường học, bảo tàng, bệnh viện, nhà hát, sân vận động cũ và mới.
Có lẽ việc "để sót” những phương tiện trực quan ghi nhớ lịch sử nêu trên là một trong những triệu chứng rõ ràng của dịch bệnh "buông bỏ di sản” và lãng quên công sức của tiền nhân. Từ lúc bước vào thế kỷ XXI, "dịch bệnh” này đã và đang gây tác hại rất lớn khiến cho nhiều công thự, đền đài, công viên, phố chợ, nhà dân, nhà máy, bến tàu… mang dấu ấn lịch sử địa phương hay quốc gia tan biến hoặc phôi pha. Những công trình mới toanh được dựng lên thay thế, phần lớn ngập tràn tính thương mại và vô hồn. Thật đáng giận, chủ đầu tư không hề nghĩ đến việc đặt những chiếc bảng lưu niệm và tri ân con người cùng những câu chuyện đã ra đời tại không gian trước đó!
Bảng lưu niệm di sản và lịch sử bắt đầu từ đâu?
Có dịp la cà thực tế hay trên mạng, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy hình ảnh những bảng lưu niệm với tên gọi Heritage Plaque hay Commemorative Plaque, hoặc các tên gọi khác với nhiều hình thức đa dạng ở các phố phường Âu, Mỹ như Paris, London, Washington DC; hay tại các nước châu Á gần gũi như Singapore và Nhật Bản. Trong đó, nước Anh từ cuối thế kỷ XIX là một trong những nơi đầu tiên khai sinh những chiếc bảng lưu niệm đặt trên các tòa nhà xưa để tôn vinh danh nhân và di sản. Vào năm 1867, Hội Nhân văn Hoàng Gia - Royal Society of Arts gắn bảng lưu niệm nhà thơ Byron tại ngôi nhà nơi ông chào đời ở London. Sau đó, mở đầu thế kỷ XX, Hội đồng Nghị viện vùng London đưa ra khái niệm Houses of Historical Interests - những ngôi nhà thể hiện lịch sử - và gắn bảng lưu niệm tại những kiến trúc này.
Từ năm 1921 đến nay những tấm bảng hình tròn có chữ trắng trên nền màu thiên thanh đã trở thành tiêu chuẩn chung cho các bảng lưu niệm lịch sử và di sản khắp nước Anh. Hiện chỉ riêng London đã có hơn 900 bảng lưu niệm ghi dấu địa điểm liên quan các danh nhân của Anh và thế giới. Ngoài ra, kinh đô của "xứ sương mù” còn có gần 4.000 tòa nhà được gắn bảng Historic Sites - di tích lịch sử - bởi Hội đồng Thư viện công cộng, hoặc bảng Heritage Properties - tài sản di sản - của Hội đồng Di sản thành phố.
Người Anh đã "xuất khẩu” nét văn hóa tinh tế ấy qua các thuộc địa của mình, tiêu biểu là Singapore. Ngày nay đến "đảo quốc sư tử”, du khách trông thấy sự chung sống sinh động, hài hòa giữa các di tích cổ điển thời kỳ Anh và các công trình hiện đại của thời kỳ độc lập. Điều đó thể hiện ngay qua các bảng, bia lưu niệm ở nhiều kiến trúc và cảnh quan. Đặc biệt, chính quyền cho dựng những bảng lưu niệm với nhiều quy mô khác nhau ở nhiều góc phố và tòa nhà xưa trên các đại lộ tấp nập, hay các khu dân cư cao tầng. Các khu phố cổ như Little India, China Town, Boat Quay, Clark Quay đều có những tấm bảng kể chuyện lịch sử sinh hoạt rất chi tiết.
Thật trân quý, các cổ thụ quý hiếm đều được đặt bảng Heritage Trees - cây di sản - để không những bảo vệ mà còn thông tin chi tiết lịch sử liên quan. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hội đồng Di sản quốc gia và Hiệp hội Nhân dân của Singapore đã lập ra nhiều Interpretive plaque - bảng diễn giảng, với kích thước lớn như một cánh cửa hai mặt, được dựng lộ thiên ở nhiều góc phố hay trước những tòa nhà di sản. Trên các bảng có đầy đủ thông tin, hình ảnh, bản đồ - đóng vai trò của một hướng dẫn viên về cả lịch sử và du lịch.
Trước Singapore, các Interpretive plaque hiện đại và phong phú về chất liệu kiểu dáng đã ra mắt tại Anh, Úc, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Ở Budapest - thủ đô Hungary, có rất nhiều Interpretive plaque dẫn dắt du khách trở lại với thời kỳ khởi tạo của từng tòa nhà và các địa điểm đầy ấn tượng trên con đường đi bộ dọc bờ sông Danube huyền thoại. Kỳ công hơn nữa, ở trung tâm Melbourne của "xứ sở kangaroo”, người ta phóng to những tấm ảnh chụp từng tòa nhà hay góc phố xưa, đặt chúng ở đúng vị trí của những địa điểm ấy để cho thấy sự biến đổi của khung cảnh giữa hai chiều thời gian.
Kinh nghiệm các nước cho thấy các bảng lưu niệm lịch sử và di sản đều xuất phát từ tinh thần nhân văn, quý trọng tiền nhân và sự nghiệp quá khứ. Chúng được thực hiện một cách rất thực tế, không cầu kỳ và tốn kém, không những đem lại mỹ cảm cho công chúng và bài học "uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mà còn đóng góp quan trọng vào các hoạt động kinh tế, nhất là du lịch.
Tiết kiệm và xã hội hóa việc tri ân danh nhân và di sản
Vào năm 2008, một chiếc bảng lưu niệm đã được Hội hữu nghị Việt - Anh gắn trên mặt tường bên ngoài tòa nhà nguyên là khách sạn Carlton ở London, để ghi nhận sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc ở đây năm 1913. Ở Vương quốc Anh, tổ chức English Heritage trước đây là cơ quan nhà nước nhưng từ năm 2013 đã trở thành tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ giữ gìn và tôn vinh di sản. Trong đó, có việc đặt bảng lưu niệm, nhưng không độc quyền việc này. Nhiều hội đoàn ở các nước tiên tiến vẫn có quyền đề xuất và chủ động làm công việc tưởng nhớ, tri ân người xưa, bắt đầu từ việc làm những chiếc huy hiệu, bảng lưu niệm.
Thiết nghĩ, việc trân trọng và kính lễ tiền nhân là công việc chung của mọi thành viên trong xã hội. Theo chúng tôi, mỗi tỉnh thành rất nên thành lập các hội đồng di sản bao gồm các chuyên gia và đại diện hội đoàn sử học, mỹ thuật, kiến trúc hợp cùng đại diện HĐND, UBND và các sở liên quan để tăng cường "xã hội hóa” việc giữ gìn và tôn vinh di sản. Hội đồng định kỳ khảo sát để thông qua danh sách các tòa nhà và địa điểm công cộng cần gắn bảng lưu niệm, đồng thời tổ chức thi thiết kế các bảng lưu niệm hay bia lưu niệm, vận động tài trợ. Kể cả đưa ra quy định và nhắc nhở các chủ đầu tư công trình mới phải xây dựng bảng lưu niệm để ghi nhận lịch sử hình thành, xây dựng ở mỗi công trình.
Mặt khác, chính quyền cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đang sử dụng các tòa nhà và địa điểm là nơi lưu dấu hoạt động của danh nhân, hay sự kiện lịch sử, hoặc có kiến trúc độc đáo làm và đặt các bảng lưu niệm theo hướng dẫn chung của hội đồng di sản. Các trường đại học, trung học cùng các hội đoàn chuyên môn và thiện nguyện sẽ có thêm cơ hội chung tay "nhà nước và nhân dân” trong công việc đầy tính nhân văn đó. Các doanh nghiệp về mỹ thuật cũng sẽ có thêm dịch vụ tư vấn, thiết kế bảng lưu niệm công cộng và tư nhân. Trong thời đại kỹ thuật số, chắc chắn các bảng lưu niệm sẽ được thể hiện bằng nhiều hình thức kỳ thú.
Tưởng nhớ và tri ân người xưa không nhất thiết phải làm bia đá, tượng đài hay cổng chào "hoành tráng”. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những chiếc bảng lưu niệm lịch sử và di sản, như cách làm của các nước tiên tiến. Chính quyền và những người yêu di sản cần có thêm nhiều hành động thiết thực để phố phường và đô thị đang thay đổi vùn vụt không mất đi ký ức, không mất đi trí nhớ về quá khứ và bản sắc hay, đẹp!
Nguồn nguoidothi.net.vn
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...