Cần quy hoạch tài nguyên nước một cách khoa học mà vẫn gắn với thực tiễn
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2020 | 8:22:53 Sáng
Chiều 13/2, tại trụ sở Bộ TN&MT, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia và một số đơn vị trực thuộc Bộ trong lĩnh vực tài nguyên nước tham gia xây dựng các Quy hoạch tài nguyên nước đã tổ chức cuộc họp Báo cáo về tình hình xây dựng các Quy hoạch tài nguyên nước.
Báo cáo quy hoạch tài nguyên nước lưu vực 2 sông Sê San và Srêpôk (2S), ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Qua quá trình thực hiện từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã thực hiện các nhiệm vụ phân chia tiểu lưu vực, phân vùng quy hoạch, có 16 tiểu vùng quy hoạch (trong đó Sê San: 6 tiểu vùng; Srêpôk: 10 tiểu vùng); thu thập tài liệu từ trung ương và địa phương và các nguồn khác; thu thập mạng lưới khí tượng thủy văn trên lưu vực 2S; phân vùng chức năng nguồn nước; điểm phân bổ nguồn nước…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, nội dung quy hoạch tài nguyên nước lưu vực 2S sẽ tập trung vào 3 nội dung chính gồm: phân bổ tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo về các dự thảo quy định đối với nội dung Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước là một trong những hoạt động của điều tra cơ bản tài nguyên nước và bao gồm mạng lưới của cả Trung ương và địa phương.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 90/2016/QĐ-TTg năm 2016 Quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên và môi trường (Quy hoạch 90). Theo Quy hoạch này đối với trạm quan trắc tài nguyên nước Trung ương gồm: 56 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt độc lập, 113 trạm tài nguyên nước mặt lồng ghép với trạm thủy văn; 71 trạm, 778 điểm và 1.557 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất; mạng địa phương chưa đưa vào Quy hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo
Về thực trạng triển khai xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên nước ở Trung ương: Đến thời điểm hiện tại đã và đang thực hiện xây dựng, đưa vào vận hành: nước mặt 27/56 (chiếm khoảng 48% so với quy hoạch); nước dưới đất 52/113 trạm, 469/778 (60%) điểm, 983/1.557 (63%) giếng quan trắc tài nguyên nước dưới đất.
Về mạng quan trắc do địa phương thực hiện, theo thống kê sơ bộ, hiện có 30 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng vận hành trạm quan trắc tài nguyên nước của tỉnh, các công trình quan trắc chủ yếu là quan trắc nước dưới đất với tổng số khoảng 500 công trình quan trắc nước dưới đất.
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, căn cứ đánh giá trên và để đảm bảo tiến độ nên Cục đã đưa nội dung quy hoạch xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước để làm cơ sở đầu tư xây dựng. Theo đó, duy trì việc vận hành các trạm đã xây dựng ở trung ương và địa phương; tiếp tục đầu tư các trạm chưa được xây dựng theo Quy hoạch 90; rà soát bổ sung mạng quan trắc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy vậy, Cục thấy rằng với quy định nêu trên chưa cụ thể để địa phương triển khai, và thực tế khi triển khai Quy hoạch 90 đối với các trạm Trung ương quản lý cũng còn bất cập về vị trí.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Cục Quản lý tài nguyên nước kiến nghị lãnh đạo Bộ 2 phương án xử lý. Theo đó, phương án 1 rà soát việc thực hiện Quy hoạch 90, các trạm chưa xây dựng tiếp tục đưa vào Quy hoạch giữ nguyên Danh mục trạm Trung ương Quyết định 90 và bổ sung mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của tỉnh trên cơ sở đề xuất của tỉnh.
Riêng danh mục trạm quan trắc tài nguyên nước kết hợp Thủy văn vẫn đưa vào mạng quan trắc tài nguyên nước. Phương án này dễ triển khai vì không phải xem xét đến các vị trí mới (thuộc mạng trung ương); đối với việc bổ sung mạng địa phương thì Cục gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất tổng hợp. Với phương án này, Cục sẽ trình Bộ, để Bộ trình Chính phủ vào đầu Quý 2 năm 2020.
Phương án 2 là rà soát việc thực hiện Quy hoạch 90, các trạm chưa xây dựng được rà soát điều chỉnh bổ sung thêm trạm vào Danh mục trạm trung ương QĐ90 và bổ sung thêm trạm vào Danh mục trạm trung ương Quyết định 90 và bổ sung cách chọn trạm, cách chọn thông số đo cho mạng quan trắc tài nguyên nước của tỉnh.
Riêng danh mục trạm quan trắc tài nguyên nước kết hợp Thủy văn vẫn đưa vào mạng quan trắc tài nguyên nước. Phương án này cần rà soát xác định vị trí quan trắc, lấy ý kiến các cơ quan, các địa phương có liên quan trước khi trình Bộ (đối với mạng trung ương); đối với việc bổ sung mạng địa phương thì Cục gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất để tổng hợp.
Đối với các trạm tài nguyên nước độc lập, Cục Quản lý tài nguyên nước kiến nghị khảo sát xác định vị trí các trạm chưa xây dựng; khảo sát một số vị trí mới và đánh giá và đề xuất trạm quy hoạch mới. Đối với các trạm thủy văn kết hợp, Cục kiến nghị rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định 90 đối với các trạm thủy văn kết hợp. Danh mục trạm này gồm các trạm thủy văn - tài nguyên nước đã và đang xây dựng.
Quang cảnh cuộc họp
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước lưu ý quá trình quy hoạch chỉ cần thu thập dữ liệu một lần (cho tất cả các loại quy hoạch), thu thập chi tiết nhất sau đó tổng hợp lại để quy hoạch rõ hơn.
Theo Thứ trưởng, hiện quy hoạch tài nguyên nước vẫn mang nặng tính kịch bản bởi quy hoạch tài nguyên nước chính là bộ dữ liệu, công cụ và quy tắc.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng cần quy hoạch một cách khoa học mà vẫn gắn theo thực tiễn để đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước hiện nay.
Theo Thứ trưởng, Cục Quản lý tài nguyên nước cùng các đơn vị liên quan cần xác định rõ nội dung quy hoạch nào cần cho công tác quản lý trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị lãnh đạo chủ chốt của Cục Quản lý tài nguyên nước lên danh sách những vấn đề về quản lý tài nguyên nước trong 10 năm vừa qua, sau đó gửi cho Thứ trưởng và những đơn vị liên quan, sau đó khoanh vùng những vấn đề có thể điều chỉnh bằng quy hoạch.
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...