Dịch sốt xuất huyết vẫn chưa 'giảm nhiệt', nhiều ca nặng, tử vong

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2022 | 11:19:33 Sáng

Hiện nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh; số ca nặng, tử vong tăng cao so với năm trước.

Diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương

Dù đã sang tháng 10, nhưng dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt", thậm chí vẫn tiếp tục gia tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực phía Nam.

Tại Hà Nội, tuần vừa qua, đã ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết; tuy có giảm nhẹ so với tuần trước, nhưng số mắc vẫn rất cao. Bệnh nhân sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đống Đa, Thanh Oai, Hà Đông, Thanh Trì, Phúc Thọ...

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 4.700 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), đã có 5 ca tử vong. Tuýp virus Dengue lưu hành trên địa bàn thành phố được xác định là tuýp D1; D2 và D4.

 

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng cảnh báo: Năm 2022 là năm chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết; bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn, do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Thậm chí, dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh dịch vào tháng 10 như mọi năm, mà có thể vào giữa tháng 10 và tháng 11.

Còn tại TP Hồ Chính Minh, nơi đang là điểm nóng về sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến tuần vừa qua, đã ghi nhận trên 62.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021; số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca.

Đáng lo ngại, số ca tử vong do sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh năm nay khá cao. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Nhiều trường hợp đến bệnh viện chậm trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

 

Một số tỉnh phía Nam cũng đang gia tăng mạnh số ca mắc sốt xuất huyết, như tại tỉnh An Giang, từ đầu năm đã ghi nhận 13.200 ca sốt xuất huyết, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021; đến nay đã có 3 ca tử vong do mắc sốt xuất huyết. Tại Tiền Giang, chỉ trong tuần vừa qua đã ghi nhận thêm 7.096 ca mắc sốt xuất huyết; đến nay đã có 4 ca tử vong. Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, phải tiếp tục tăng cường kiểm soát.

Tại Quảng Trị cũng đã ghi nhận trên 1.050 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 19 lần so với cùng kỳ năm trước…

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận trên 236.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 98 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc sốt xuất huyết tăng 4,6 lần, số tử vong tăng 78 trường hợp.

 

Bộ Y tế cũng đánh giá, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao; khu vực miền Bắc, nhất là tại Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Cảnh giác ngăn dịch lây lan mạnh

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, các địa phương cũng đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của dịch, nâng cao năng lực đáp ứng với dịch bệnh.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền ý thức phòng bệnh, tại TP Hồ Chí Minh hiện đã phải áp dụng mô hình tháp 3 tầng vào điều trị sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Còn tại Hà Nội, cơ quan chức năng cũng liên tục chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn; tuyệt đối không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Riêng ngành y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố; tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân…

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài, khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lây lan, ý thức phòng bệnh của người dân là vô cùng quan trọng.

Bộ Y tế khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Mỗi người dân cũng cần có ý thức loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Để phòng muỗi đốt, người dân cần ngủ màn phòng ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Mỗi người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra./.


An Na



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...