Sốt xuất huyết: Không phải hết sốt là khỏi bệnh

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2022 | 2:50:12 Chiều

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết thường lầm tưởng rằng hết sốt là khỏi bệnh, nên tự ý tăng giảm liều thuốc điều trị, chủ quan không thăm khám… khiến bệnh nhân sốt huyết điều trị tại nhà dễ trở nặng hơn.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Sai lầm khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng hơn

Tại sao nhiều trường hợp điều trị tại nhà, đã ngắt cơn sốt nhưng bệnh lại trở nên nặng hơn? Có 3 nguyên nhân khiến các bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị dễ trở nặng, đó là:

Tự ý dùng thuốc điều trị: Khi mới bắt đầu, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau… Điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…

Hoặc nhiều trường hợp nhân viên nhà thuốc để giúp người bệnh đỡ đau nhức, hạ sốt nhanh đã kê thêm các loại thuốc có thành phần corticoid, loại thuốc này dễ dẫn đến rối loạn đông máu, càng nguy hiểm cho người bệnh.

 

Với sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng ibuprofen và aspirin để hạ sốt vì dễ gây xuất huyết tiêu hóa.

Khi có vấn đề về sức khỏe phải đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân, kiểm tra kỹ các dấu hiệu cảnh báo… Khi bị sốt cần uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng liều, không tự ý tăng hay bớt liều, sốt xuất huyết chống chỉ định với corticoid do vậy không được tự ý sử dụng loại thuốc này, 

Hết sốt là khỏi bệnh, chủ quan không thăm khám lại: Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

 

Phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Việc thăm khám muộn rất nguy hiểm, bởi giai đoạn sau sốt (từ ngày 3-7), bệnh bắt đầu diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, mắt…), trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa… đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu, người có bệnh nền rất nguy hiểm gây máu cô đặc…  có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Như trường hợp bệnh nhân 57 tuổi tại Thanh Oai đang điều trị tại viện, mặc dù trong vùng dịch sốt xuất huyết, lại có bệnh lý nền là tăng huyết áp và Gout biến chứng nhưng khi có dấu hiệu bệnh không thăm khám.

 

Đến ngày thứ ba bắt đầu có tình trạng chảy máu lợi ồ ạt lúc này mới tức tốc đến viện. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân bằng 0,  bắt đầu có dịch dạ dày.... Với bệnh nhân này nếu không nhập viện truyền tiểu cầu kịp thời có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết não… nguy hiểm đến tính mạng.

Do vậy khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.

Sốt xuất huyết chỉ mắc một lần: Nhiều bệnh nhân sốt cao đến viện thăm khám khi bác sĩ thông báo bị sốt xuất huyết thì rất ngỡ ngàng vì cho rằng họ đã từng mắc rồi nên sẽ không mắc lại nữa, nên coi thường các biện pháp dự phòng. Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. 

Sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau được ký hiệu (D1, D2, D3, D4) nếu mắc chủng loại này rồi vẫn có thể mắc loại khác, tức mỗi người vẫn có thể mắc tới 4 lần sốt xuất huyết trong đời. Thực tế tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa các bác sĩ đã ghi nhận những bệnh nhân mắc 2, 3 lần sốt xuất huyết. 

Do vậy, khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế  để được  khám, xét nghiệm chẩn đoán phù hợp, trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định  theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ./.


Bảo My (T/h)



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...