Điều chỉnh cục bộ Khu đô thị Ciputra - Hà Nội: Cư dân phản đối tăng mật độ dân số
- Cập nhật: Thứ ba, 15/11/2022 | 3:59:20 Chiều
Vừa qua, UBND phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến cư dân khu đô thị Ciputra về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 giai đoạn II, III. Tuy nhiên, người dân phản đối quy hoạch này vì làm tăng mật độ dân số nơi đây.
Vừa qua, UBND phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến cư dân khu đô thị (KĐT) Ciputra về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 giai đoạn II, III. Tuy nhiên, người dân phản đối quy hoạch này vì làm tăng mật độ dân số nơi đây, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn phản ánh của cư dân khu Q, KĐT Ciputra phản đối việc điều chỉnh quy hoạch vì làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và không đồng tình với cách làm trong việc lấy ý kiến cư dân của UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Trước đó, Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xin điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KĐT Nam Thăng Long (KĐT Ciputra) giai đoạn II và giai đoạn III. Trong quá trình tổ chức niêm yết công khai và lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với Đồ án này, có một số ý kiến cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân đang sinh sống tại KĐT Ciputra.
Cụ thể, theo ý kiến của người dân, nội dung điều chỉnh chủ yếu tăng mật độ dân số, tăng diện tích sàn xây dựng, thay đổi các chức năng cây xanh và hàng loạt các tiện ích khác gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân.
Lý giải giải về vấn đề này, người dân cho rằng khi mua nhà ở KĐT Ciputra, chủ đầu tư (CĐT) cung cấp cho người mua đầy đủ hồ sơ bản vẽ đính kèm quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông... Trong đó quy định rõ vị trí từng tòa nhà, từng căn hộ, từng khu vực nhà cao tầng, thấp tầng và không gian cây xanh, cảnh quan, dịch vụ công cộng, đường giao thông cũng như các tiện ích khác... Các chỉ số quy hoạch đều rõ ràng về tỷ lệ cây xanh, mặt nước, giao thông, dân số.
Trong nhiều năm qua, cộng đồng dân cư KĐT Ciputra được thừa hưởng một không gian sống khá lý tưởng giữa Thủ đô. Cùng với sự "nhảy vọt” của thị trường bất động sản, đây là KĐT có giá bán cao nhất nhì thành phố.
Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng gần hết các căn hộ, khu biệt thự, nhà liền kề thì CĐT lại báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội xin điều chỉnh quy hoạch theo góc độ giảm tiện ích, giảm không gian cây xanh, mặt nước, giao thông và tất nhiên sẽ tăng mật độ dân số.
Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, theo Đề án điều chỉnh quy hoạch giai đoạn II, III của KĐT Cipucha, các chỉ tiêu điều chỉnh như mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất, diện tích sàn xây dựng... đều tăng gấp nhiều lần.
Cụ thể: tại giai đoạn III, khu cao tầng dịch vụ thương mại (IV.G.51-NO và IV.G52-NO) mật độ xây dựng điều chỉnh tăng từ 25,5% lên 50%; tầng cao điều chỉnh tăng từ 15 tầng lên 35 tầng. Hệ số sử dụng đất điều chỉnh tăng từ 3,8 lần lên 11 lần, dân số điều chỉnh tăng từ 2.046 người lên 4.013 người...
Tại giai đoạn III, khu chung cư cao tầng dịch vụ thương mại (CT07) mật độ xây dựng điều chỉnh tăng từ 25,5% lên 50%; hệ số sử dụng đất điều chỉnh tăng từ 6,4 lần lên thành 12,4 - 12,9 lần...
Theo ý kiến người dân, CĐT lý giải chỉ tăng về mật độ xây dựng, diện tích xây dựng nhưng không tăng về dân số là chủ quan, không đúng với thực tế diện tích xây dựng càng cao thì số căn hộ càng nhiều và số lượng dân cư chắc chắn không thể giữ nguyên. Vì vậy, việc tăng chung cư từ 15 lên 35 tầng (cao hơn 20 tầng) thì tương lại KĐT Ciputra sẽ gặp áp lực về dân số, giao thông, an ninh trật tự, thêm ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống không thể "lý tưởng” như giá chuyển nhượng.
Việc điều chỉnh sân Golf hiện nay sau khu nhà Q thành công viên cây xanh cũng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của khu nhà này do thiết kế cả khu nhà là không gian mở (không có tường rào vây quanh, hệ thống cửa sổ đa số là cửa kính, vách kính...) không đảm bảo an toàn khi sân Golf bị phá bỏ.
Theo đánh giá của PV, trong 10 năm trở lại đây, thành phố Hà Nội đã điều chỉnh rất nhiều khu vực xung quanh KĐT Ciputra, nhiều nhà cao tầng mọc lên gây lên sự "nhức nhối” về giao thông, gây ra hiện tượng kẹt xe liên tục trên đường Nguyễn Hoàng Tôn và nút giao với ngã tư Võ Chí Công. Nay KĐT Ciputra lại tiếp tục điều chỉnh quy hoạch với việc tăng mật độ dân số sẽ tiếp tục gây áp lực với giao thông khu vực này.
Liên quan đến việc cư dân KĐT Ciputra đã từng phản đối việc điều chỉnh quy hoạch giai đoạn II, được biết, ngày 16/5/2019, cư dân tổ dân phố Nam Thăng Long (KĐT Ciputra) có đơn kiến nghị gửi UBND thành phố Hà Nội và các Sở, ban ngành liên quan về việc sớm có văn bản thông báo chính thức không phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Nam Thăng Long giai đoạn II.
Theo đơn kiến nghị này, ngày 18/4/2019, cư dân đã họp bàn về phương án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Nam Thăng Long giai đoạn II. Theo đó, CĐT xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh các ô đất trong khu đô thị, vốn đã được phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 1114 ngày 28/7/2004 của UBND thành phố Hà Nội.
Tại cuộc họp này, cư dân chưa thống nhất với phương án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Ciputra giai đoạn II của CĐT. Tiếp đó, ngày 27/4, cư dân gửi đơn lên UBND thành phố Hà Nội và các Sở, ngành liên quan đề nghị không điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Ciputra giai đoạn II. Đầu tháng 8/2019, UBND thành phố Hà Nội có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc; UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND quận Tây Hồ liên quan đến việc chưa thay đổi quy hoạch tại KĐT Ciputra (KĐT Nam Thăng Long).
Gần đây, ngày 28/9/2022, các hộ dân khu P1, P2 khu Q, KĐT Ciputra đã gửi đơn lên các cấp chính quyền đề nghị xem xét lại việc điều chỉnh quy hoạch. Ngày 5/10/2022, UBND thành phố Hà Nội có buổi làm việc với các hộ dân có kiến nghị về vấn đề này.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, người dân vẫn không đồng tình với cách lý giải của CĐT về việc tăng diện tích xây dựng, điều chỉnh dân số nội khu, không làm tăng dân số trong khu vực...
Tiếp theo đó, ngày 7/10/2022, các hộ dân khu Q lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên các các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban ngành liên quan của UBND thành phố Hà Nội phản đối việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ KĐT Ciputra nhằm mục đích nâng tầng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng mật độ xây dựng vì mục đích tăng lợi nhuận, gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Đề nghị các cơ quan ban ngành của UBND thành phố Hà Nội vào cuộc làm rõ hơn những kiến nghị của người dân về vấn đề này.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...