Tin tức mới nhất vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m
- Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2023 | 3:30:47 Chiều
Thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ 11h đến 16h30 ngày 3/1, lực lượng cứu hộ vẫn sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để mang đất đá bên trong ống thép ra ngoài.
Khoảng 11h ngày 4/11, hai cần cẩu đã vào vị trí, đầu cọc bêtông nằm trong vách ống đã được lực lượng cứu hộ nối với cáp kéo từ xe cẩu. Cọc bêtông được cấu tạo từ 3 đoạn nên sẽ có ba sợi cáp kết nối nhằm tránh lệch, trượt hay đứt gãy trong quá trình kéo. Hàng chục công binh, nhân viên kỹ thuật túc trực tại chỗ cùng thiết bị chuyên dụng cưa, cắt.
Theo một thành viên trong ban chỉ huy cứu hộ, do phần dưới cùng phía trong vách ống đất đang rất cứng, bám dính cao, các máy khoan áp lực nước sau một đêm hoạt động đã không hiệu quả. Hiện các nhân viên kỹ thuật thay các mũi khoan lớn bằng mũi nhỏ hơn để dễ hoạt động trong phạm vi nhỏ hẹp.
Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết khi mũi khoan đến độ sâu 35-40 m, sẽ gặp những tầng đất rất phức tạp, có độ bám dính cao, chịu độ nén rất lớn. Các phương tiện thi công phải đưa lên đưa xuống nhiều lần nhiều lượt bằng phương pháp thủ công để rã đất ra.
"Trong điều kiện lồng ống chật hẹp, cứu hộ thao tác rất khó khăn. Công tác cứu hộ bắt buộc phải làm chậm để đảm bảo an toàn nên tiến độ chưa thể thực hiện như cam kết, dự tính ban đầu được", ông Bửu nói.
Trước đó lúc 8h, một thành viên ban chỉ huy cứu hộ cho biết thời gian cẩu cọc bêtông được tính toán mất khoảng 2 giờ. Sau khi cọc được cẩu lên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng thiết bị dò tìm chuyên dụng xác định vị trí cháu bé đang mắc kẹt, sau đó cắt ống trụ đưa nạn nhân ra ngoài.
Hiện, cứu hộ làm sạch những mét bùn đất cuối cùng trong lòng ống thép bằng phương án khoan xoáy nước áp lực lớn làm tơi đất và khoan guồng xoắn nhằm phá vỡ lớp đất có kết cấu chặt. Hệ thống neo, cáp gắn vào trụ bêtông cũng được lực lượng công binh chuẩn bị sẵn sàng.
7h30 sáng 4/1, lực lượng Công binh của Quân khu 9 đã thực hiện gắn cáp vào ống cọc bê tông.
Để đẩy nhanh tiến độ cứu nạn bé trai 10 tuổi rơi xuống ống cọc bê tông ở công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), suốt đêm 3/1 đến sáng nay (4/1) lực lượng tại hiện trường khẩn trương dùng phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn tạo độ tơi đất kết hợp khoan guồng xoắn.
Thành viên cứu nạn cho hay, càng khoan xuống sâu thì gặp phải lớp đất sét, kết cấu chặt nên khá gian nan. Tuy nhiên, đến sáng nay, đã tiến đến gần đáy ống cọc bê tông.
Dự kiến, sáng nay sẽ dùng thiết bị chuyên dụng kéo ống cọc bê tông lên theo hướng thẳng đứng, sau đó tiến hành cưa, cắt từng đoạn.
19 giờ ngày 3/1, thông tin từ lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp cho biết dự kiến đêm nay, rạng sáng mai (4/1) sẽ đưa bé trai bị kẹt trong trụ bê tông lên trên mặt đất.
Theo lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp, sau khi kết hợp 2 phương án thiết bị mũi khoan guồng xoắn để tách làm tơi rã đất, giảm áp lực ma sát và sử dụng thiết bị bơm xoáy bằng áp lực nước mạnh ở độ sâu tầng dưới để kết hợp phá vỡ làm tơi rã đất nhanh hơn, dự báo rạng sáng 4/1 sẽ đưa cột bê tông có bé trai lên trên mặt đất.
Mặc dù công tác cứu hộ được các lực lượng chức năng tiến hành khẩn trương, tuy nhiên theo lực lượng chức năng cháu bé có thể bị đa chấn thương nên tiên lượng xấu.
Chiều 3/1, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ 11h đến 16h30 cùng ngày, các đơn vị cứu hộ vẫn sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để mang đất đá bên trong ống vách ra ngoài.
Theo đó, đến 14h30, đơn vị cứu hộ đã làm sạch lượng bùn đất sâu 23m trên 35m bên trong lòng ống.
"Công tác khoan guồng xoắn vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27m, sau đó tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống trụ bê tông. Đơn vị cứu hộ vẫn tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu cọc, khi không còn ma sát thì nhổ cọc lên”, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt.
"Tuy nhiên đơn vị thi công vẫn giữ các nhóm, tổ thực hiện xuyên đêm rút ngắn thời gian để nhanh chóng cứu hộ cháu bé. Bên cạnh đó, đang nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn được nhanh hơn”, tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm.
Tỉnh Đồng Tháp cũng dự trù tình huống xảy ra mưa lớn trong đêm nay, sẽ sử dụng các biện pháp che chắn, đồng thời áp dụng thoát dẫn tự nhiên và sử dụng máy bơm.
Trước đó, xuyên đêm 2 rạng sáng 3/1, lực lượng cứu hộ với khoảng 350 người chia nhiều tổ luân phiên làm việc liên tục. Mục tiêu là sẽ nhổ được trụ bê tông mà bé trai rơi vào trong sáng sớm 3/1.
Đến khoảng 3h sáng, lực lượng cứu hộ sử dụng một ống thép đường kính 1,5m đặt xuống bao quanh trụ bê tông mà cháu bé rơi lọt vào.
Sau đó, lực lượng này thực hiện công đoạn bóc tách, làm rỗng phần đất trong ống thép bao quanh trụ bê tông; rồi dùng các dây kéo để rút dần trụ bê tông lên mặt đất.
Đội cứu hộ đã hàn ống vách xuyên đêm, đến khoảng 3h thì tiến hành đóng đoạn ống vách trên xuống mặt đất, vị trí nằm bao bọc bên ngoài lòng trụ bê tông nơi bé trai bị kẹt lại. Đoạn ống vách có chiều dài 19m, đường kính 1,5m được nhiều thiết bị, phương tiện hỗ trợ đóng xuống mặt đất.
Hiện lực lượng cứu nạn, cứu hộ đang sử dụng nhiều thiết bị, phương tiện chuyên dụng để tiến hành phương án cứu hộ nạn nhân.
350 người trong hơn 60 giờ qua đã sử dụng nhiều phương án khác nhau để cứu bé trai, song việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn do "địa chất, địa hình; phương tiện tham gia giải cứu phải điều động từ nơi xa tới”.
Trưa 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu.
Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam rơi xuống ống trụ bê tông đường kính 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m. Nhóm bạn của Nam hô hoán, nhờ người đến cứu bé trai.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp đã có mặt ở hiện trường, triển khai nhiều phương án cứu hộ, đồng thời bơm liên tiếp ô-xy và truyền nước xuống để bé Nam cầm cự.
Trên miệng trụ bê tông, lực lượng cứu hộ bảo vệ, không cho đất đá rơi xuống. Nước được tiếp xuống cho Nam, song không nhận được phản ứng của bé trai.
Chiều tối 1/1, máy khoan cọc nhồi được lực lượng cứu hộ đưa từ huyện Tháp Mười đến hiện trường.
Sáng 2/1, công tác cứu hộ tiếp tục diễn ra khẩn trương. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu huy động chuyên gia hỗ trợ, giải cứu cháu bé rơi xuống ống trụ bê tông.
Đến trưa, Quân khu 9 cử lực lượng công binh cùng thiết bị chuyên dụng nội soi thăm dò, thiết bị cưa cắt bê tông... đến hiện trường.
T.Anh
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...