Tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2023 | 11:09:55 Sáng

Ngày 20/2, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 787/BYT-ATTP đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Trong thời gian vừa qua, vẫn còn nhiều vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ở công ty xảy ra trên cả nước. Điều này cho thấy, chất lượng, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn là nỗi lo lớn. Đặc biệt, là tại các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, nếu không quản lý chặt chẽ, nhất là khâu kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn cho công nhân sẽ luôn hiện hữu.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.

Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.

tm-img-alt
Chi phí suất ăn còn thấp, hầu hết khoán trắng cho đơn vị cung ứng dịch vụ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng bữa ăn của công nhân chưa bảo đảm. Trong ảnh: Khu bếp ăn của Công ty Canon Việt Nam - Khu công nghiệp Thăng Long. (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Phạm Hùng

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 394/TB-VPCP ngày 30/12/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học có hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai các nội dung sau:

 

Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó bảo đảm các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tại các trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhất là liên ngành Y tế - Giáo dục, phối hợp với các Ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ sở y tế trong giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm từ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận thực phẩm, kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho khu công nghiệp/khu chế xuất, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn.

 

Các địa phương phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đối với các cơ sở giáo dục, ngoài các quy định nêu trên, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 08/7/2008 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và đào tạo Hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về công tác y tế trường học.

Bộ Y tế cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng (công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường...), chú ý về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

 

Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, đặc biệt là Ban quản lý các khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ sở y tế để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng; biểu dương các cơ sở bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các địa phương, đơn vị huy động sự tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, công đoàn trong khu công nghiệp/khu chế xuất, các cơ sở y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh, Đoàn thanh niên tại nhà trường, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu nghiệp/khu chế xuất, các bệnh viện, trường học.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị; xử lý, kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.


Hải Vân



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...