Khuyến cáo những việc cần làm ngay khi phát hiện nhà bị cháy
- Cập nhật: Thứ hai, 15/5/2023 | 5:04:12 Chiều
Trước những vụ cháy nhà dân xảy ra thời gian qua, nhất là hai vụ cháy mới đây tại Hà Nội và Hải Phòng làm 7 người tử vong, ngày 14-5, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân một số kỹ năng cần thiết để thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn.
Mới đây Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo với người dân, khi xảy ra hỏa hoạn, người dân cần bình tĩnh tìm nơi có lửa và khói. Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát hoặc chăn ướt. Nếu đám cháy quá lớn, không thể dập lửa thì phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại tới số máy 114.
Người dân cần nhanh chóng ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy bởi điện gây cháy nổ sẽ dẫn đến lửa bùng phát nhanh hơn. Bên cạnh đó, người dân phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề gồm lối ra cửa chính của căn nhà, lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng, lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.
Người dân tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để lính cứu hoả tìm ra bạn; không xông qua đám cháy. Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…
Bộ Công an khuyến cáo, người dân không cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy. Nếu thấy lửa và khói chặn mất lối thoát nạn chính, người ở tầng thấp có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ hoặc ban công. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng, ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Kêu cứu từ cửa sổ.
Trong lúc thoát ra ngoài chỉ mở một cửa và đóng tất cả các cánh cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh. Khi cháy, người dân tuyệt đối không sử dụng thang máy; khi di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng. Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lính cứu hoả tiếp cận và cứu người mắc kẹt một cách nhanh nhất.
Trước khi mở cửa, người dân kiểm tra bằng cách đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, không dùng lòng bàn tay để tránh bị bỏng. Nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa, có thể mở cửa chậm và cẩn thận tránh người, mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt.
Bộ Công an khuyến cáo, khi quần áo bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa; tuyệt đối không quay lại khi đã thoát ra ngoài; không quay vào khu vực bị cháy. Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm vật dụng như búa, rìu hoặc vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để có thể di chuyển tới nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, mỗi gia đình cần phải có phương án thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn nếu có trẻ nhỏ trong nhà. Bởi trẻ em có thể trở nên rất hoảng loạn, cần được hướng dẫn rõ ràng và giúp ra khỏi nhà.
Trẻ em có thể không biết cách thoát nạn hoặc phải làm gì trừ khi có người lớn chỉ cho các em. Mỗi gia đình phải có phương án cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không thể tự ra ngoài. Bên cạnh đó, gia đình cần dạy trẻ nên biết phải làm gì khi nghe thấy chuông báo động khi không có người lớn xung quanh; giúp các em tập đi đến điểm an toàn bên ngoài của ngôi nhà.
Đồng thời, gia đình cũng cần dạy trẻ không được quay lại bên trong một ngôi nhà đang cháy khi đã thoát được ra ngoài; các em cần đi thấp và bò trên mặt đất, nơi không khí ít bị ảnh hưởng của khói. Nếu trẻ nhỏ cần sử dụng thang thoát hiểm, hãy chỉ nơi để và hướng dẫn thực hành cách sử dụng (lưu ý luôn luôn phải có sự hướng dẫn của người lớn).
Khánh Ngọc
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.
Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...