Đồng Tháp: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn thân thiện môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2023 | 4:30:03 Chiều

Nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được khai thác và phát huy thế mạnh của vùng đất Sen, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa tại địa phương.


tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp có hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại và dịch vụ là tất yếu. Trong cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, ngành trồng trọt với việc chuyển đổi và cơ cấu lại vùng trồng gắn với lợi thế từng địa phương có vai trò quyết định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại dịch vụ, cụ thể ở đây là hình thành và phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp thuần túy có giá trị kinh tế thấp, thì du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế như gia tăng giá trị nông sản thông qua xuất khẩu tại chỗ, giải quyết được lực lượng lao động nhàn rỗi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân.

Cũng từ đó mà chuyển đổi được tư duy từ "sản xuất nông nghiệp” sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp” và đặc biệt là phát triển du lịch gắn với nông nghiệp trở thành phong trào và lan toả khắp các địa phương trong tỉnh. Du lịch nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành.

Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu gắn với điểm đến như Quýt hồng Lai Vung, Sen Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc, mô hình du lịch nông nghiệp thuận thiên Việt Mêkong Farmstay gắn với hệ sinh thái và văn hoá khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười, mô hình Cây Xoài nhà tôi gắn với Làng du lịch xã Mỹ Xương huyện Cao Lãnh, mô hình cây cam vườn tôi ở Tân Thuận Đông thành phố Cao Lãnh.

Nếu như ở thời điểm cách đây 6 -7 năm, các hộ vườn tập tành làm du lịch, đón khách đến tham quan và trải nghiệm, làm theo cảm tính, vừa học vừa làm, đón khách như đón người thân xa về thăm. Thì nay, thông qua các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm, các hộ đã làm chuyên nghiệp hơn. Các hộ cộng đồng đã biết liên kết với nhau, thành lập Hội quán để chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả. Sản phẩm nông nghiệp nhờ vào hoạt động du lịch đã gia tăng giá trị nhiều lần. Người dân cũng tránh được nỗi lo được mùa mất giá. Cũng từ đó mà cộng đồng dân cư địa phương đã có cái nhìn đúng về du lịch và mối tương quan giữa nông nghiệp và du lịch. Du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp đang từng bước phát triển theo hướng bền vững.

 

Phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách; hình thành các tour, tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên tỉnh, các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới là mục tiêu chính trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Tỉnh Đồng Tháp đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiềm năng, thế mạnh đặc trưng từng địa phương gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề; tăng cường sự tham gia của các nông hộ vào hoạt động du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề; phát huy vai trò của các doanh nghiệp lữ hành, các hợp tác xã, hội quán trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết nối xây dựng tour tuyến, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua hoạt động du lịch, đồng thời gia tăng chuỗi giá trị nông sản.

Tỉnh cũng phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn đưa vào quy hoạch mạng lưới phát triển du lịch tỉnh. Đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm lan tỏa thương hiệu du lịch "Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”; đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.

 

Ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp cũng đã tiến hành dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải cũng là nhiệm vụ trong thời gian tới.


Thanh Mai



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...