"Họ nhắc không vứt rác ra đường, tôi ném xuống sông mà..."

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2020 | 2:52:11 Chiều

Người dân bình thản trả lời: “Chú coi lại khẩu hiệu đi. Họ nhắc người dân không vứt rác ra đường thôi, còn đổ xuống sông thì không thấy nói!”.

Khẩu hiệu, băng rôn được treo lên, dựng lên nhằm nhắc nhở, giáo dục người dân, cộng đồng tuân thủ một nội quy, quy định nào đó hoặc hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Tuy nhiên, khẩu hiệu vẫn phải phù hợp với từng vùng miền vì đặc điểm mỗi vùng miền khác nhau. Câu khẩu hiệu: "Hãy giữ gìn vệ sinh không vứt rác ra đường” của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) là một ví dụ!


Khẩu hiệu: "Hãy giữ gìn vệ sinh không vứt rác ra đường” của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng)

Chưa nói đến việc thiếu dấu phẩy sau từ "vệ sinh” mới đúng chuẩn ngữ pháp; câu khẩu hiệu này còn thiếu một vế rất quan trọng, liên quan đến đặc điểm vùng sông nước!

Đó là bên cạnh đường bộ, miền Tây Nam bộ còn có hệ thống đường thủy theo sông rạch chằng chịt khắp nơi.

Lẽ ra, khi tiếp nhận khẩu hiệu từ trên đưa xuống, chúng ta cần nghiên cứu thêm, sát hơn với đặc điểm vùng sông nước, chứ không phải cứ làm một cách máy móc; nhiều khi gây ra sự hiểu lầm tai hại từ phía cộng đồng.

Có một lần, tôi gặp hỏi một người dân đang thản nhiên đổ rác ào ào xuống sông (sông bên cạnh đường) một cách "vô tư” rằng: "Sao bác lại đổ rác này xuống sông. Người ta phạt đó!”.

Người dân bình thản trả lời: "Chú coi lại khẩu hiệu đi. Họ nhắc người dân không vứt rác ra đường thôi, còn đổ xuống sông thì không thấy nói!”.

 Người ta thản nhiên vứt rác thải ra sông, rạch...

Tôi ngớ người và nghĩ trong bụng: "Ờ đúng thật! Khẩu hiệu đâu cấm đổ rác xuống sông!”.

Suy nghĩ mãi, theo tôi câu khẩu hiệu này cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây.

Khi chỉnh sửa, bổ sung, câu khẩu hiệu trên sẽ là: "Hãy giữ gìn vệ sinh chung: không vứt rác ra đường; không đổ rác xuống sông, rạch!”.

Kế Sách là huyện duy nhất trong tỉnh Sóc Trăng hầu như có nước ngọt quanh năm. Nhưng mùa hạn năm nay, mặn đã xâm nhập nhiều nơi trong vùng…

Nhưng người dân vẫn còn thói quen xấu là xả rác hàng ngày xuống sông (rác sinh hoạt, gia súc, vật nuôi chết…) gây ô nhiễm môi trường.

Chuyện xả rác xảy ra hàng ngày (mặc dù đã có xe thu gom rác nhưng địa bàn xa chưa có) nhưng chính quyền địa phương chẳng có động thái nhắc nhở, xử phạt theo quy định; mặc cho người dân làm gì thì làm! 

Mặt khác, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng không hướng dẫn người dân các xử lý rác thải; biến rác thải thành phân hữu cơ bón cây trồng (hoặc thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…).

Vì vậy, người dân cứ thẳng tay xả rác mỗi sáng mỗi chiều xuống dòng sông trước nhà!

Cũng nên xem lại nội dung câu khẩu hiệu trên; chỉnh sửa lại cho dễ hiểu, dễ làm; mang tính giáo dục cao theo nhằm hạn chế tình trạng xả rác xuống sông bừa bãi…
 
Theo Báo Giáo dục Việt Nam
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...